Thứ sáu, 2/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

“Cơn gió thổi” của Nguyễn An Ninh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Cơn gió thổi” của Nguyễn An Ninh

Trần Hữu Quang

Bìa sách Nguyễn An Ninh - Tác phẩm.

(TBKTSG) - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Nhà xuất bản Văn học vừa cho ra mắt cuốn Nguyễn An Ninh - Tác phẩm, và cuốn Nguyễn An Ninh qua hồi ức của những người thân. Đây là lần đầu tiên những bài viết của chí sĩ nổi tiếng này được sưu tầm và ấn hành.

Nguyễn An Ninh sinh ngày 15-9-1900 tại làng Long Thượng, tổng Phước Điền Thượng, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Ông từng học tiểu học tại trường Taberd (nay là trường Trần Đại Nghĩa), học trung học tại trường Chasseloup Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn), sau đó học luật tại trường Cao đẳng Luật Hà Nội, và tốt nghiệp cử nhân luật tại Đại học Sorbonne ở Paris năm 1920.

Nguyễn An Ninh vừa là một nhà báo, một nhà lý luận và một nhà hoạt động chính trị. Ông là một trí thức yêu nước với một bầu nhiệt huyết sôi nổi và độc đáo. Có thể nói ông là một trong những người đã tạo nên một bước ngoặt quan trọng cho phong trào chống Pháp ở miền Nam trong những thập niên 1920 và 1930, đặc biệt là trên mặt trận đấu tranh chính trị công khai và mặt trận báo chí ở Sài Gòn.

Cùng với luật sư Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh đã lập ra tờ La Cloche fêlée (Chuông rè) (1923-1926) và sau đó là tờ L’Annam (1926-1928).

Theo GS. Trần Văn Giàu, hai chí sĩ này đã biến chữ Pháp thành “cỗ xe” đưa các tư tưởng dân chủ và cách mạng vào Việt Nam: “Từ Pháp, Nguyễn An Ninh đem về hai hình thức cổ động mới đối với Sài Gòn, với cả Đông Dương nữa: làm báo đối lập với chính phủ thực dân và diễn thuyết trước đông đảo quần chúng”.

Sau đó, ông hợp tác với Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nguyễn, Tạ Thu Thâu… để làm tờ La Lutte (1933-1937) - một tờ báo mà nhà sử học Pháp Daniel Hémery nhận định là “đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử báo chí [Việt Nam]”, và “đã đóng một vai trò không nhỏ trong sự xoay chuyển thời cuộc lịch sử ở Đông Dương trong giai đoạn 1933-1936”.

Theo Hémery, tờ La Lutte không chỉ đơn thuần là một tờ báo, một diễn đàn chỉ trích, mà còn là nơi tập hợp, một “điểm hẹn” của những người bị ức hiếp, oan trái đến nhờ tờ báo bênh vực cho họ.

Nguyễn An Ninh đã trích dịch cuốn Le contrat social của J.-J. Rousseau, lấy tên là Dân ước, xuất bản năm 1926. Ông còn viết kịch bản “tuồng hát” Hai Bà Trưng (xuất bản năm 1928) như một hình thức tuyên truyền vận động cho các hội viên của tổ chức Thanh niên Cao vọng mà ông lập ra vào năm 1925. Ông còn viết những tập khảo luận như Tôn giáo (xuất bản năm 1932), Phê bình Phật giáo (xuất bản năm 1938).

Nguyễn An Ninh có lối hành văn sắc sảo và cương trực. Không chỉ làm báo và viết báo, ông còn đi diễn thuyết, và thường được người dân Sài Gòn thời đó biết tới như một nhà báo hay chạy đi bán báo ngoài đường phố mỗi khi in xong.

Trong nghiệp làm báo và viết lách, ông xem mình chỉ như một “cơn gió thổi” để thổi bùng lên lòng yêu nước nơi các tầng lớp dân chúng. Trong vở Hai Bà Trưng, ông viết rằng cần quyết tâm sống, “đặng làm cho đều ‘phải’ nó thắng đều ‘quấy’”, và “kẻ nào thấy điều ác mà không chống lại là kẻ ác”.

Ông viết trên tờ La Cloche fêlée số 3 ra ngày 24-12-1923: “Tương lai mà chúng ta muốn sẽ không đến với chúng ta trong giấc mơ... chúng ta là một thế hệ phải chịu đựng hy sinh, chúng ta phải nghĩ tới nghĩa vụ chứ không phải hạnh phúc của chúng ta... vì cái tương lai đó, nếu cần, thì ta không còn phải ngần ngại hiến mạng sống chúng ta”.

Trong những khoảng thời gian ở Pháp, ông thường xuyên gặp gỡ Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, luật sư Paul Monin, nhà văn André Malraux… Có lần ông viết như sau trong bức thư gửi cho Léon Werth: “Sự áp bức đến với chúng tôi từ nước Pháp, nhưng cả tinh thần giải phóng cũng vậy”.

Nhà sử học Daniel Hémery nhận định rằng Nguyễn An Ninh là nhà trí thức có tầm ảnh hưởng mạnh nhất trong giới trí thức miền Nam trong những năm 1920-1940, ông là “người thức tỉnh cả một thế hệ”.

Nguyễn An Ninh bị thực dân Pháp bắt giam nhiều lần, lần đầu vào năm 1926 tại Khám lớn trên đường Espagne, Sài Gòn (nay là khuôn viên của Thư viện Khoa học Tổng hợp, đường Lý Tự Trọng). Năm 1940, ông bị đày ra nhà tù Côn Đảo và mất tại đây ngày 14-8-1943.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới