(KTSG Online) - Theo IPS và UNDP tại Việt Nam, người dân vẫn còn gặp một số vướng mắc trong thực hiện thủ tục trên cổng dịch vụ công trực tuyến như bất cập trong kết nối dữ liệu, tài khoản và giao diện; nhiều cổng dịch vụ công trực tuyến yêu cầu người dùng thanh toán trực tuyến xong mới được nộp hồ sơ; chưa cho phép trả hồ sơ trực tuyến mà chỉ trả kết quả qua bưu điện.
- Tạo app để người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến
- Người dân và Dịch vụ công trực tuyến – đứa trẻ không chịu lớn
Trong tọa đàm về đánh giá mức độ thân thiện với người dùng đối với 63 cổng dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh lần thứ nhất năm 2023, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã chỉ ra những thực trạng về mức độ thân thiện của các cổng dịch vụ công cấp tỉnh đối với người dùng, TTXVN thông tin.
Chẳng hạn như các tính năng để thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình chưa đảm bảo; bất cập trong kết nối dữ liệu, tài khoản và giao diện giữa hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của trung ương và địa phương, người khiếm thị khó tiếp cận.
Trong số 63 cổng dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh, có 26 cổng dịch vụ công trực tuyến yêu cầu người nộp hồ sơ phải xuất trình bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp bản chụp hoặc bản quét trực tuyến; 24 cổng dịch vụ công trực tuyến chưa cho phép trả hồ sơ trực tuyến mà chỉ trả kết quả qua bưu điện hoặc nhận trực tiếp tại cơ quan; 17 cổng dịch vụ công trực tuyến yêu cầu người dùng thanh toán trực tuyến xong mới được nộp hồ sơ.
Tính đến tháng 7-2023, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, số lượng người dùng tương tác trên các cổng dịch vụ công cũng như cổng dịch vụ công quốc gia đạt khoảng 60% hồ sơ nộp trực tuyến. Trong đó, khoảng 32% do người dân trực tiếp thực hiện, còn 28% vẫn phải có sự hỗ trợ của cán bộ. Con số này cao hơn so với tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mới đạt 18% trong 7 tháng đầu năm 2022.