(KTSG Online) - Hơn hai thập niên trước, thế giới bước vào kỷ nguyên internet, kích hoạt cơn bùng nổ cổ phiếu ngành sản xuất thiết bị viễn thông nhưng nhanh chóng lụi tàn sau đó. Hiện nay, cơn sốt đầu tư trí tuệ nhân tạo (AI) có nguy cơ lặp lại vết xe đổ của ngành viễn thông.
Việc Sam Altman, CEO của OpenAI tìm cách huy động hàng nghìn để xây dựng hàng loạt nhà máy sản xuất chip xử lý trí tuệ nhân tạo (AI) là dấu hiệu rõ ràng cho thấy, cơn sốt AI đang cao trào.
Về lâu dài, AI tạo sinh sẽ chuyển đổi sâu sắc nhiều ngành kinh doanh cũng như và cách làm việc của mọi người. Tuy nhiên, thông tin mới đây về việc Sam Altman đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng về một dự án chip AI khổng lồ đặt ra rất nhiều câu hỏi.
Tờ Wall Street Journal dẫn một nguồn thạo tin cho hay, dự án có thể yêu cầu huy động tới 7 nghìn tỉ đô la, nhiều hơn GDP của Anh và Pháp cộng lại. Nỗ lực đó gặp khó khăn nhưng phản ánh mức độ quan tâm đến AI và các con chip cung cấp năng lượng cho công nghệ này đã trở nên nóng bỏng như thế nào. Các mục tiêu huy động vốn đầy tham vọng và mức định giá cổ phiếu liên quan đến AI cao kỷ lục gợi nhớ đến cơn bùng nổ và sụp đổ của cổ phiếu ngành viễn thông trong kỷ nguyên bong bóng dotcom vào cuối thập niên 1990.
Ở thời điểm đó, các nhà đầu tư kỳ vọng Internet sẽ biến đổi thế giới. Các công ty viễn thông và nhà cung cấp phần cứng được tin tưởng sẽ thắng lớn. Vấn đề là cổ phiếu của công ty này đã định giá sự chuyển đổi đó diễn ra gần như chỉ sau một đêm. Giờ đây, mức độ lạc quan tương tự đang thúc đẩy đầu tư vào các công ty liên quan đến AI.
Khi Internet lần đầu tiên được sử dụng rộng rãi, lĩnh vực phần cứng mạng là thỏi nam châm thu hút đầu tư. Để phổ cập internet, nhiều máy chủ cần được thiết lập và kết nối với bộ định tuyến. Các công ty đã chạy đua mua phần cứng mạng với kỳ vọng nhu cầu cực lớn về máy chủ sẽ tiếp tục vô tận. Cổ phiếu của các hãng thiết bị viễn thông như Cisco (Mỹ) tăng giá hơn 30 lần khi cơn sốt đầu tư lên đỉnh điểm vào năm 2000.
Thế nhưng, cú sụp đổ của ngành viễn thông đến sớm hơn dự kiến, chỉ mất 4 năm để đi từ bùng nổ đến lụi tàn và nhanh hơn nhiều so với thời điểm Internet thay đổi cuộc sống của con người. Nguồn cung dư thừa đã đẩy hơn 20 tập đoàn viễn thông vào tình trạng phá sản vào năm 2002. Cổ phiếu của ngành viễn thông cũng lao dốc.
Giờ đây, trong thế giới AI, chip là vua. Vì vậy, việc các công ty AI đổ xô đầu tư vào chuỗi cung ứng sản xuất chip là điều dễ hiểu. Khi các mô hình AI ngày càng lớn hơn thì cần nhiều chip hơn. Sự thiếu hụt chip AI càng làm tăng thêm tính cấp bách.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt này kéo dài bao lâu vẫn còn gây tranh cãi. Chẳng hạn, vào năm 2021, tình trạng thiếu chip đã gây bế tắc cho ngành công nghiệp ô tô nhưng chỉ sau một năm, cuộc khủng hoảng nhanh chóng hạ nhiệt. Hiện nay, nguồn cung chip ô tô không những đã bình thường hóa mà còn dư thừa đối với số loại chip.
Rủi ro lớn nhất của việc ném quá nhiều tiền vào chip AI là tình trạng dư thừa công suất, một vấn đề đã diễn ra đối với các chip thế hệ cũ. Cơn suy thoái hiện tại của ngành chip nhớ kéo dài hơn dự kiến.
Samsung đã phải cắt giảm sản lượng hồi năm ngoái để đối phó với tình trạng dư thừa chip ngày càng trầm trọng. Mới đây, hãng chip nhớ Kioxia của Nhật Bản báo cáo khoản lỗ kỷ lục 1,7 tỉ đô la trong ba quí, tính đến tháng 12. Thêm vào đó, hơn 70 nhà máy sản xuất chip đang được xây dựng.
Năm ngoái, sản lượng tấm nền wafer toàn cầu, được sử dụng để sản xuất mạch tích hợp bán dẫn, giảm 14,3%. Một phần nguyên nhân là do sự suy thoái theo chu kỳ trong lĩnh vực chip và sự sụt giảm nhu cầu thiết bị điện tử tiêu dùng. Tuy nhiên, sự sụt giảm doanh số thiết bị sản xuất chip toàn cầu (giảm hơn 1/10 trong quí 3-2023), cho thấy tốc độ tăng trưởng của ngành chip trong tương lai sẽ vẫn ở mức bình thường hơn những gì hứa hẹn từ cơn bùng nổ AI.
Một vấn đề khác là các loại chip mới thường nhanh chóng trở thành hàng hóa phổ biến. Khi thiết bị sản xuất chip giảm giá, các loại chip thế hệ cũ cũng giảm giá theo.
Chip ngày càng có tốc độ xử lý nhanh hơn và phần mềm hiệu quả hơn qua mỗi năm. Chỉ mất hai năm để chip nâng cấp từ công nghệ 7nm lên 5nm tiên tiến, được sử dụng trong chip Ai mới nhất của Nvidia. Tiến bộ công nghệ nhanh chóng đó có nghĩa là các công ty có thể sẽ chi tiêu ít hơn cho chip trong tương lai so với dự báo hiện nay.
Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý là có sự khác biệt rõ ràng giữa kỷ nguyên dotcom và thời kỳ bùng nổ AI hiện nay. Ví dụ, doanh thu hàng năm của OpenAI đã vượt 2 tỉ đô la, đưa công ty này gia nhập hàng ngũ các nền tảng công nghệ phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Các công ty AI hiện nay cũng có nhiều cách hơn để kiếm lợi nhuận.
Cũng giống như những ngày đầu của Internet, việc áp dụng AI rộng rãi hơn cho doanh nghiệp vẫn còn là một chặng đường dài. Quá trình chuyển đổi do AI kích hoạt có thể mất nhiều năm hơn so với kỳ vọng thể hiện quá mức định giá cổ phiếu cao ngất ngưỡng của các công ty liên quan đến AI hiện nay. Giá cổ phiếu của Nvidia đã tăng 5 lần trong chưa đầy một năm. Hôm 14-2, vốn hóa của Nvidia đạt mức 1,79 nghìn tỉ đô la, lớn hơn mức vốn hóa 1,76 nghìn tỉ đô la của Amazon.
Sự cường điệu và đầu tư quá mức là một sự kết hợp nguy hiểm. Cách để các công ty AI tránh số phận tương tự như các hãng sản xuất thiết bị viễn thông có mức định giá bị thổi phồng quá mức vào thập niên 1990 là phải ghi nhớ rằng lịch sử luôn lặp lại.
Theo Financial Times