(KTSG Online) - Xác suất kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm nay đang thu hẹp nhưng cơn suy thoái với người giàu (richcession) vẫn đang diễn ra.
- Fed có thể phải đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái để chiến thắng lạm phát
- Vì sao kinh tế Mỹ chưa xuất hiện dấu hiệu suy thoái
Thuật ngữ richcession (viết tắt của the rich: người giàu và recession: suy thoái), được phóng viên Justin Lahart của Wall Street Journal nêu ra trong một bài viết đầu năm nay, để đề cập đến tình trạng làn sóng sa thải đang ảnh hưởng đến người thu nhập cao ở mức độ lớn hơn nhiều so với nhóm có thu nhập thấp và trung bình.
David Philippy, nhà sử học chuyên về tư tưởng kinh tế Mỹ tại Đại học CY Cergy Paris (Pháp), lưu ý, “richcession” tạo ra sự khác biệt lớn so với “mô hình suy thoái thông thường với những người nghèo nhất là những người chịu tổn thương đầu tiên”.
Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn nhanh hơn kỳ vọng và đang tạo thêm việc làm bất chấp lạm phát vẫn cao, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, với nhiều người Mỹ giàu có, có lẽ cảm giác như cơn suy thoái đã bắt đầu.
Cuối tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ điều chỉnh dữ liệu tăng trưởng GDP trong quí đầu tiên, lên mức hàng năm là 2%, cao hơn so với mức ước tính ban đầu là 1,3%. Trong khi đó, các nhà kinh tế cũng đang nâng dự báo về tăng trưởng GDP của Mỹ trong quí 2.
Dù vậy, tình trạng sa thải, tập trung ở ngành công nghệ, nơi nhân viên có có thu nhập tốt hơn nhiều so với mặt bằng chung của xã hội.
Nói cách khác, điều này giống như một cơn suy thoái đối với người giàu vì cảm thấy bị tổn thương nhiều hơn trong cơn bất ổn của ngành công nghệ.
Làn sóng sa thải vẫn đang diễn ra và tác động mạnh hơn đối với với những người lao động có thu nhập cao. Theo dữ liệu của Công ty dịch vụ chuyển đổi nghệ nghiệp Challenger, Grey & Christmas, khoảng 1/3 quyết định sa thải công bố trong năm nay đến từ các công ty công nghệ như Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, nơi tiền lương trung bình của nhân viên lên đến 296.320 đô la Mỹ vào năm 2022.
Sa thải ở những lĩnh vực khác cũng ảnh hưởng đến người lao động được trả lương cao hơn. Chẳng hạn, tại hãng xe Ford Motor, kế hoạch sa thải tập trung ở các cấp bậc kỹ sư. Trong khi đó, số lượng nhân viên bị sa thải tổng thể ở tất cả các lĩnh vực vẫn ở mức thấp. Số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, dù lượng người tham gia lực lượng lao động cao hơn so với trước đại dịch Covid-19, nhưng có ít người nhận trợ cấp thất nghiệp hơn.
Trong một phân tích gần đây, các nhà kinh tế tại Viện Ngân hàng Mỹ chỉ ra rằng, trong tháng 4 rồi, tại 30 bang gửi trực tiếp tiền trợ cấp thất nghiệp vào tài khoản của những người lao động bị sa thải, số người nhận trợ cấp trong các hộ gia đình kiếm được 125.000 đô la một năm trở lên tăng 40% so với một năm trước đó. Con số này cao hơn 6 lần so với mức tăng số người nhận trợ cấp thất nghiệp trong các hộ gia đình có thu nhập dưới 50.000 đô la.
Dữ liệu của 30 bang này có thể không phản ánh đầy đủ mức độ nghiệm trong của tình trạng số người có thu nhập cao nhận trợ cấp thất nghiệp tăng cao. Lý do là vì dữ liệu không tính đến bang California, nơi phát trợ cấp thông qua thẻ ghi nợ trả trước. Bang California là nơi tọa lạc của Thung lũng Silicon, tập trung nhiều công ty công nghệ sa thải mạnh mẽ nhất trong năm qua.
Thị trường lao động chặt chẽ, giúp nhiều người lao động thu nhập cao tìm việc làm mới khá nhanh chóng sau khi bị sa thải. Tuy nhiên, mức lương ở vị trí công việc mới nhìn chung sẽ không cao hơn so với trước đây.
Trong khi đó, nhu cầu lao động từ các ngành sử dụng lao động lương thấp vẫn tăng. Điều đó đang giúp lương của nhóm lao động này tăng nhanh hơn. Công cụ theo dõi tiền lương của Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực Atlanta cho thấy trong tháng 5, mức tăng trưởng hàng năm đối với lương tháng đối với người lao động ở nhóm có thu nhập thấp nhất là 6,8%, so với với mức tăng 5,6% đối với người lao động ở nhóm thu nhập cao hơn.
Trong một báo cáo nghiên cứu gần đây, các nhà kinh tế David Autor, Arindrajit Dube và Annie McGrew ước tính, khả năng chuyển sang công việc được trả lương cao hơn của những người lao động lương thấp đã giúp giải quyết 25% tình trạng bất bình đẳng về tiền lương giữa những người có thu nhập cao nhất và thấp nhất hình thành trong bốn thập niên trước đại dịch.
Tuy nhiên, tiền lương không phải là cách duy nhất để người giàu kiếm tiền. Những người lao động được trả lương cao hơn thường nhận được những khoản tiền thưởng khổng lồ. Hiện tại, trong nhiều trường hợp, những khoản tiền thưởng này cũng đang giảm.
Theo báo cáo của bang New York, tiền thưởng trung bình trả cho nhân viên làm việc trong ngành chứng khoán của thành phố New York vào năm 2022 là 176.700 đô la, giảm 26% so với một năm trước đó và thấp hơn mức trước đại dịch Covid-19.
Những hạn chế tài chính đối với người giàu dường như đang thúc đẩy những thay đổi trong hành vi chi tiêu. Viện Ngân hàng Mỹ nhận thấy, trong tháng 4, chi tiêu bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ cho các mặt hàng tùy ý của các hộ gia đình có thu nhập cao thấp hơn mức của cùng kỳ năm ngoái, trong khi chi tiêu cho các hộ gia đình khác tăng lên.
Theo David Tinsley, nhà kinh tế cấp cao của Viện Ngân hàng Mỹ, lý do khiến vấn đề này trở nên quan trọng đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế là các hộ gia đình nằm trong nhóm 40% thu nhập cao nhất chiếm hơn 60% chi tiêu tiêu dùng của đất nước.
Viễn cảnh suy thoái toàn diện của Mỹ có thể xảy ra hoặc không. Nhưng tình trạng “richcession” vẫn có thể gây ra lực cản đối với toàn bộ nền kinh tế trong thời gian này.
Theo WSJ