Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Còn thơm nắng gió ba miền…

Nhật Mai

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chiều cuối năm, chị ủ một ấm trà chờ khách. Lúc mở hộp trà, chị mường tượng ra nụ cười ngượng nghịu của người đàn bà miền sơn cước trên sóng livestream. Cử chỉ, giọng điệu lắp bắp, vụng về khi giới thiệu tới khách hàng sản phẩm chè Shan tuyết của quê hương, khác hẳn với những lời mời chào trôi chảy, chuyên nghiệp như vẫn thường được nghe.

Phải chăng là vì đôi bàn tay đen đúa nhựa chè và nụ cười mộc mạc của người đàn bà dân tộc Mông ấy? Có lẽ cũng nhiều người như chị, đặt mua một túi trà với mong muốn thứ mình nhận được nhiều hơn một túi trà. Đó chính là hương vị riêng biệt của một vùng miền để mỗi khi nhấp một ngụm trà người ta như thấy mình đang đứng giữa nương chè còn đọng hơi sương.

Sau đại dịch, ở Hàn Quốc, Trung Quốc, những người nông dân đã phải tìm hướng đi cho nông sản của mình bằng cách livestream bán hàng trên mạng xã hội. Không cần phải đầu tư quảng cáo sản phẩm, cũng không chi phí đắt đỏ, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là họ đã trở thành "streamer chân đất".

Họ không cần đầu tư kịch bản, cũng không cần diễn xuất. Những người nông dân chân đất ấy chỉ cần cầm những trái táo, cà chua, khoai lang, ớt chuông… giới thiệu về công dụng của chúng đối với sức khỏe con người. Đồng thời, họ bày cách chế biến nông sản sao cho thật tươi ngon, bổ dưỡng.

Nhìn cách họ cắn một quả táo ngon, người xem như cảm nhận được vị mật ngọt tứa ra trong khoang miệng của mình. Hay cách họ chế biến rau củ tươi ngon bằng chiếc bếp đơn sơ, đủ để người xem thấy cồn cào cơn đói. Sự kích thích cảm xúc và vị giác đã biến người xem livestream trở thành những khách hàng. Điều này giúp người nông dân tiêu thụ nông sản dễ dàng hơn và sống khỏe trên chính mảnh đất của mình.

Tại Việt Nam, hai năm gần đây, hình thức livestream bán hàng trên mạng bắt đầu phát triển mạnh. Rất nhiều nông dân đã tham gia những khóa đào tạo về chuyển đổi số trên nền tảng Tiktok, Facebook, Instagram… Đã có hàng ngàn gian hàng của nông dân được mở trên các nền tảng này.

Chiến dịch quảng bá nông sản mang tên “Chợ phiên OCOP” do TikTok phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và Ban Thanh niên nông thôn - Trung ương Đoàn thực hiện tại Việt Nam đã hoạt động xuyên suốt nhiều tỉnh thành. Tính đến quí 4-2023, TikTok ghi nhận doanh thu hơn 100 tỉ đồng cho ngành hàng OCOP, 800 phiên live, 25 sự kiện chợ phiên và hàng loạt con số ấn tượng sau sáu tháng triển khai chương trình chợ phiên OCOP. Rất nhiều nông sản tươi ngon, có nguồn gốc rõ ràng, đã đến được với nhiều gian bếp trên mọi miền tổ quốc. Thậm chí, nhiều sản phẩm OCOP của địa phương đã “chinh phục” được thị trường quốc tế, vươn ra thế giới.

Năm nay, trong căn nhà chị, Tết đủ đầy hương vị ba miền. Khách đến nhà, rót chén trà chị không quên giới thiệu về một vùng sơn cước miền Trung. Ăn bát miến dong, chị kể với khách về núi rừng Tây Bắc. Nhấm nháp tách cà phê, chị thấy được vị của nắng gió Tây Nguyên còn thấm đượm. Thêm chút bánh trái miền Tây Nam bộ là thấy Tết đủ đầy như thể chị đã có một hành trình dọc dài đất nước.

Tết càng ý nghĩa hơn khi chị là một trong số rất nhiều khách hàng góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong chợ phiên OCOP. Để năm nay, nhiều bà con nông dân có cái tết đủ đầy, ấm no, vui xuân, vun những mùa vụ mới…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới