Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công bằng xã hội và phân hóa giàu nghèo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công bằng xã hội và phân hóa giàu nghèo

Trần Trọng Thức

(TBKTSG) – Trong bất cứ xã hội nào, dưới bất kỳ cơ chế nào thì sự phân hóa giàu nghèo là một diễn biến tự nhiên, chỉ có thể thu hẹp dần khoảng cách nhờ các công cụ điều tiết công bằng xã hội, chứ khó lòng ngăn chặn.

Phân hóa giàu nghèo ở nước ta ngày càng nghiêm trọng và ai cũng nhận ra qua thực tế cuộc sống hàng ngày. Nhiều bài viết cũng như phát biểu của các chuyên gia khi đề cập đến tình trạng này thường dùng những hình ảnh đối chiếu như “giữa đô thị rực rỡ đèn màu về đêm, chen chúc những căn lều xiêu vẹo trong con hẻm tối tăm”, hay “trong khi các đại gia chi tiêu hàng chục triệu đồng cho một buổi tiệc tùng tiếp bạn bè thì có những gia đình không đủ ngày hai bữa cơm”. Phải chăng cái hố sâu giàu nghèo chưa khiến chúng ta đau lòng hay sao mà phải làm đậm nét thêm phần bi thảm, trong khi bất cứ xã hội nào, dưới bất cứ cơ chế nào thì sự phân hóa giàu nghèo là một diễn biến tự nhiên, chỉ có thể thu hẹp dần khoảng cách nhờ các công cụ điều tiết công bằng xã hội, chứ khó lòng ngăn chặn.

Mới đây, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2014 ở Davos, Thụy Sỹ, Tổ chức Viện trợ và Phát triển toàn cầu Oxfam của Anh công bố một số liệu không có gì ngạc nhiên là 85 người giàu nhất thế giới đang nắm giữ khoảng 1.700 tỉ đô la Mỹ, tương đương tổng tài sản của 3,5 tỉ người nghèo trên toàn cầu.

Còn ở nước ta, thống kê đáng tin cậy cho thấy số người có tài sản trên 1 triệu đô la Mỹ đang tăng đáng kể từ 170 người vào năm 2011, hai năm sau đã lên 195 người với tổng tài sản khoảng 20 tỉ đô la Mỹ và Việt Nam được xếp thứ 13 ở châu Á với mức tăng số lượng người giàu có trong năm qua là 14,7%. Mặt trái của hiện tượng này là sự bất công cả về thu nhập lẫn tài sản thủ đắc, là cản ngại của quá trình cải cách, là nỗi nhức nhối và bất mãn của số đông người, là vấn đề mà hệ thống chính trị phải giải quyết .

Hệ thống được xem là tốt khi có khả năng phân bổ hợp lý tài nguyên và quyền lực để có thể tạo ra giá trị cao nhất, và điều quan trọng là hệ thống ấy phải có khả năng giới hạn quyền lực bằng công cụ quản lý là luật pháp, qua đó hạn chế đào thêm hố sâu của sự phân hóa giàu nghèo.

Hệ thống chính trị tốt thường biểu hiện qua việc phân bổ tài nguyên (đồng vốn, tài nguyên thiên nhiên, con người) đúng người đúng việc để với ưu thế vận tốc ban đầu được giao, những con người có năng lực sẽ tạo nên những giá trị gia tăng cho xã hội và đương nhiên họ được hưởng công lao xứng đáng với thành quả mang lại. Đó là sự công bằng, chứ không phải “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” vừa có tính cào bằng vừa không thực tế vì nhu cầu của con người là vô hạn.

Chế độ đãi ngộ về chính sách một thời ban phát đặc quyền cho một số thành phần tưởng chừng như công bằng đã tỏ ra thiếu hiệu quả bởi trong thực tế chẳng khác nào đem tài sản của xã hội chia chác cho các công thần, tạo điều kiện cho tham nhũng và các nhóm lợi ích thu vén.

Giao tài nguyên không đúng người có hai chuyện xảy ra: một là việc sử dụng đồng tiền không hiệu quả, hai là không tạo được nhiều công ăn việc làm thì tính công bằng xã hội càng giảm. Khi được giao tài nguyên thì người ta có điều kiện đi trước và đi xa hơn trên con đường làm giàu, và khi đã ở trên tầng cao nhưng không giúp được gì cho bên dưới thì khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng cũng là chuyện dễ hiểu.
Chưa có thống kê nào cho thấy một cách chính xác có bao nhiêu người giàu lên nhờ chủ trương hóa giá nhà đầy yếu tố ban phát, cấp đất phân lô vô tội vạ, lợi dụng các quy định không chặt chẽ trong cổ phần hóa để mua tài sản nhà nước với giá rẻ mạt… Nhưng chắc là số này không phải ít.

Tất nhiên cũng có không ít người có năng lực làm giàu nhờ nắm vững luật chơi của thị trường chứng khoán, có khả năng dự báo sự đổi thay nhiệt độ của thị trường địa ốc. Cơ chế tốt chính là cái máy hoàn chỉnh, tự nó sàng lọc tìm ra những người có khả năng làm giàu và phân bổ hợp lý tài nguyên xã hội.

Người có tiền thì sẽ có quyền, tiền càng nhiều quyền càng lớn, mà quyền thì đi với lực. Thế cho nên trong một hệ thống mà quyền không có giới hạn thì rất nguy hiểm. Hệ thống được xem là tốt khi có khả năng phân bổ hợp lý tài nguyên và quyền lực để có thể tạo ra giá trị cao nhất và điều quan trọng là hệ thống ấy phải có khả năng giới hạn quyền lực bằng công cụ quản lý là luật pháp qua đó hạn chế đào thêm hố sâu của sự phân hóa giàu nghèo.

Làm giàu đúng nghĩa là biết chấp nhận rủi ro vì chính rủi ro là sự sàng lọc. Rủi ro đồng đều thì xã hội sẽ công bằng, anh nào liều mạng chấp nhận rủi ro cao thì xứng đáng được hưởng thành quả làm ăn của mình, không ai trách cứ gì được.

Khổ nỗi có một thực tế ở nước ta là người làm ăn mà có quyền lực thường không phải đối diện với rủi ro nhờ biết cách len lỏi vào kẽ hở của luật pháp, cũng như không bị sự điều tiết rủi ro của hệ thống, thế là ngày càng trở nên giàu có. Lỗi không phải ở họ mà ở hệ thống. Làm ăn vừa được đứng ở chỗ cao không ai với tới, vừa tách biệt trong một không gian riêng để mặc sức làm giàu thế là không công bằng.

Để có sự công bằng phải sử dụng công cụ điều tiết được mọi người chấp nhận, khi đó người giàu không phải là đối tượng của sự ganh tỵ, xoi mói trong xã hội và khi họ làm tròn nghĩa vụ thì đáng được vinh danh.
Chế độ nào thiết lập được công cụ điều tiết công bằng xã hội thì sẽ duy trì được sự bền vững. Một xã hội được điều tiết tốt là khi tất cả mọi người phải đủ ăn đủ mặc, khi mắc bệnh thì phải có khả năng vào bệnh viện để được chữa trị, trẻ con phải được học hành mọi người đều có cơ hội làm việc, được sống tự do hạnh phúc, là những cái cơ bản phải đạt được. Và khi đó phân hóa giàu nghèo được trả lại vị trí của nó chỉ là sự phát sinh tự nhiên của thời buổi thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới