Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Công bố quy hoạch tổng thể quốc gia:  Định danh 6 vùng kinh tế trọng điểm

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tập trung phát triển 6 vùng kinh tế - xã hội, đồng thời phát triển 4 vùng động lực quốc gia là những định hướng chiến lược trong Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

TPHCM sẽ là cực tăng trưởng cho phát triển vùng Đông Nam bộ năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế - Ảnh: TL

TTXVN đưa tin, ngày 20-4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ công bố quy hoạch quốc gia. Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 theo Nghị quyết số 81/NQ-QH xác định 6 vùng kinh tế - xã hội với định hướng phát triển theo thế mạnh từng vùng. Cụ thể:

Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc: Phát triển theo hướng xanh, bền vững và toàn diện. Tập trung bảo vệ, khôi phục rừng; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản. Xây dựng vành đai công nghiệp Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng cả vùng.

Vùng đồng bằng sông Hồng: Tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại. Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ. Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á.

Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung: Phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả hệ thống cảng biển, các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp. Phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa - lịch sử. Xây dựng khu vực ven biển Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và cả nước.

Vùng Tây Nguyên: Bảo vệ rừng gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước. Nâng cao hiệu quả phát triển cây công nghiệp. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, năng lượng tái tạo; phát triển bền vững công nghiệp khai thác bô-xit, chế biến alumin, sản xuất nhôm. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.

Vùng Đông Nam bộ: Trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển vùng trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của cả nước, khu vực và thế giới. Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng xác định phát triển 4 vùng động lực gồm: vùng động lực phía Bắc, vùng động lực phía Nam, vùng động lực miền Trung và vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030: Hành lang kinh tế Bắc - Nam và 2 hành lang kinh tế Đông - Tây là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài - TPHCM - Vũng Tàu.

Từng bước hình thành và phát triển các hành lang kinh tế trong dài hạn: Hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam bộ và 6 hành lang kinh tế Đông - Tây, bao gồm: Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; Cầu Treo - Vũng Áng; Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng; Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau.

Ảnh: TTXVN

Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Thủ tướng đánh giá, tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai quy hoạch vẫn chậm, chất lượng chưa được như mong muốn để có những quy hoạch thật tốt, trên cơ sở đó tổ chức thực hiện có hiệu quả; công tác tư vấn xây dựng quy hoạch có khó khăn; kinh phí dành cho công tác quy hoạch có vướng mắc…

Do đó, số lượng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới đạt trên 16%, số lượng quy hoạch còn lại mà các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành trong năm 2023 là rất lớn.

Để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, nếu có nội dung không phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, làm phát sinh thêm trình tự, thủ tục, cần kịp thời sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố, nhất là Hà Nội và TPHCM trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công tác quy hoạch nói riêng; đảm bảo công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới