Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Công nghệ mới giúp tăng năng suất lên 15% trong xây dựng hạ tầng giao thông

Minh Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) –  Giải pháp đấu nối trực tiếp từ giếng tách dòng về cống bao và công nghệ bê tông tự lành vết nứt cho các công trình hạ tầng kỹ thuật là hai trong số các giải pháp về công nghệ mới đang được nghiên cứu và áp dụng trong thi công công trình tại TPHCM.

Sáng 29-9, Ban Thường vụ Đoàn Khối Dân – Chính – Đảng TPHCM phối hợp với Ban Thường vụ Đoàn trường Đại học Giao thông vận tải phân hiệu tại TPHCM tổ chức tọa đàm “Giải pháp công nghệ tiên tiến trong thi công xây dựng công trình”.

Nội dung toạ đàm khái quát tình hình một số dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm trên địa bàn thành phố năm 2022. Đồng thời có phần tham luận của chuyên gia về giải pháp công nghệ tiên tiến trong thi công xây dựng công trình…

Công nghệ xây dựng mới đang mang lại những thay đổi lớn trong tất cả các khâu từ khảo sát, thiết kế, thi công và vận hành công trình. Đồng thời, việc áp dụng công nghệ số có thể tăng năng suất lên tới 15% giúp tăng tính hiệu quả, chính xác và an toàn cao hơn.

Toạ đàm giới thiệu nhiều giải pháp công nghệ mới dành cho việc thi công hạ tầng. Ảnh: MH

Tại chương trình, Thạc sĩ Bùi Minh Duy, chuyên viên Ban Điều hành dự án Hạ tầng 1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, trình bày giải pháp đấu nối trực tiếp từ giếng tách dòng về cống bao, đây là công nghệ mới trong thi công đấu nối cống.

Ông Duy cho biết thêm, đây là công nghệ được áp dụng trong dự án cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé – Đôi - Tẻ, giai đoạn 2.

Theo ông Duy, đây là giải pháp giảm phạm vi xung đột với các công trình hạ tầng kỹ thuật (điện lực, viễn thông, cấp/thoát nước) ngầm, nổi hiện hữu. Đồng thời, tiết kiệm chi phí từ việc giảm hố ga đấu nối và giảm công tác di dời, tái bố trí các công trình tiện ích, và đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Một giải pháp về công nghệ khác được Tiến sĩ Vũ Việt Hưng, giảng viên Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông vận tải phân hiệu tại TPHCM, giới thiệu là công nghệ bê tông tự lành vết nứt cho các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Theo ông Hưng, các phương pháp sửa chữa vết nứt truyền thống hiện nay là làm đầy các vết nứt bởi vật liệu sửa chữa hoặc xử lý bề mặt có vết nứt bằng các vật liệu bao phủ.

Tuy nhiên, việc liên kết giữa vật liệu sửa chữa với bê tông hiện hữu chưa mang lại hiệu quả lâu dài, dẫn đến chi phí sửa chữa cao và ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của kết cấu.

Ông Hưng cho biết thêm, loại bê tông sử dụng các hạt chứa xi măng Portland và các phụ gia (trương nở, giãn nở, kết tinh, chất hòa tan) có khả năng tự lành vết nứt cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt với vết nứt tĩnh và có khả năng tiếp xúc với nước.

“Công nghệ này góp phần nâng cao tuổi thọ của công trình, giảm chi phí trong quá trình vận hành khai thác tại Việt Nam. Do đó, việc phát triển nghiên cứu và ứng dụng bê tông tự lành vết nứt trong thực tiễn là rất cần thiết", Tiến sĩ Vũ Việt Hưng chia sẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới