Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công nghệ và chống dịch – học được gì cho tương lai?

Nguyễn Quang Đồng (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Công nghệ, ngay từ giai đoạn đầu tiên Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19, đã được nhận diện là một “lực lượng” quan trọng. Thời điểm hiện nay, Việt Nam đang có sự chuyển hướng về tiếp cận chống dịch, từ “zero Covid’, sang chấp nhận “sống chung” với virus, việc nhìn lại những bài học thành công và những điều chưa làm tốt của ứng dụng công nghệ là cần thiết.

Giấy đi đường bằng QR Code tại Đà Nẵng. Nguồn: likenews22.com

Bởi, kể cả khi kết quả giai đoạn hơn một năm vừa qua chưa như mong muốn, điều đó không có nghĩa là công nghệ giảm bớt đi tầm quan trọng của nó. Ngược lại, công nghệ – đặc biệt là dữ liệu từ tất cả các lĩnh vực, từ dữ liệu y tế, đến dữ liệu tái mở cửa hoạt động kinh tế – xã hội, nếu được sử dụng đúng cách, vẫn có thể đóng góp lớn, ngay trong ngắn hạn, trên hai khía cạnh: (1) hỗ trợ cho việc ra quyết định điều hành nhanh hơn, chính xác hơn; và (2) quy trình, thủ tục để vận hành kinh tế – xã hội (hộ chiếu vaccine xanh, di chuyển luồng xanh, sản xuất an toàn…).

Điểm “chưa đạt được kỳ vọng” là gì ?

Công nghệ, cụ thể hơn là ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào chống dịch, cả từ khu vực nhà nước, và trong khu vực tư nhân, chưa đạt được kết quả mong muốn trên bốn vai trò/lĩnh vực trực tiếp chính: (1) Tính hiệu quả của việc cung cấp dữ liệu để phản ứng nhanh, trong giai đoạn truy vết, quản lý F0, và F1, F2. Cụ thể là liên quan các phần mềm khai báo, truy vết như Bluezone, khai báo di chuyển giúp cung cấp lịch sử đi lại, tiếp xúc; (2) Cung cấp dữ liệu để làm công tác dự báo, lập kế hoạch và ra quyết định cho lãnh đạo. Cụ thể: dữ liệu về dịch tễ; kết hợp với dữ liệu về kinh tế – xã hội (dân số, mật độ dân cư, tình trạng sức khỏe nền, năng lực hệ thống y tế, năng lực chính quyền…) giúp xây dựng các kịch bản, ra quyết định, phản ứng nhanh và điều hành; (3) Công nghệ để xử lý các thủ tục hành chính (ví dụ giấy đi đường, luồng xanh); và (4) Công nghệ để duy trì tính liên tục của hoạt động kinh tế – xã hội, giảm tổn thương và đứt đoạn của chuỗi cung ứng. Ở đây là tận dụng hệ thống công nghệ có sẵn của khối tư nhân gồm thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, giao hàng và nền tảng kết nối thiện nguyện.

Vấn đề chính ở đây không phải là “nhiều app” mà là dữ liệu bị phân tán. Không có dữ liệu, không thể dùng dữ liệu để phân tích tình hình, lên kịch bản, lập kế hoạch, ra quyết định và phản ứng nhanh…

Dù có những “điểm sáng” ở cấp độ địa phương (ví dụ Đà Nẵng phát huy tốt vai trò thứ (3) của công nghệ – ứng dụng công nghệ để cấp giấy đi đường), nhưng xét ở tầm mức quốc gia với cả bốn vai trò trên thì đều khó có thể chỉ ra được những kết quả tích cực. Từ phía các cơ quan nhà nước, theo thời gian, việc triển khai ứng dụng công nghệ được thực hiện trên cả ba vai trò (1) (2), và (3), nhưng chính những người trong ngành đều chung nhận xét là “có làm, nhưng triển khai chưa tới”.

Vậy nguyên nhân là từ đâu? Có thể kể đến bốn nguyên nhân chính: (1) Tầm nhìn và điều phối việc ứng dụng công nghệ; (2) Cơ chế, đặc biệt là tài chính để triển khai; (3) Niềm tin và năng lực cộng tác với khu vực tư nhân; (4) Năng lực hạn chế của khu vực nhà nước về khả năng công nghệ thông tin.

Một dàn nhạc thiếu nhạc trưởng

Xác lập một tầm nhìn về vai trò của công nghệ, để biết được công nghệ có thể làm được gì, và điều phối để triển khai như thế nào, là vấn đề gốc. Việt Nam có gần một năm rưỡi để chuẩn bị chống dịch nhưng tiếp cận về công nghệ là rời rạc và không có tính hệ thống.

Nhiều người đã tiêm mũi hai ngừa Covid-19 nhưng vẫn chưa được cập nhật trên Sổ sức khỏe điện tử. Ảnh: N.K

Cụ thể, Việt Nam triển khai sớm các giải pháp công nghệ để chống dịch, nhưng tầm nhìn hầu như chỉ giới hạn ở vai trò thứ (1), là khai báo và truy vết. Cho đến trước khi dịch bùng phát mạnh ở TPHCM và khu vực phía Nam và đất nước thực sự bước vào ứng phó căng thẳng với đại dịch, công nghệ chỉ được nhìn như công cụ hỗ trợ khai báo, truy vết và chỉ phần nào đó là cung cấp dữ liệu làm công tác dự báo, công tác thông tin.

Đối với các cơ quan nhà nước, các “đầu não” chống dịch, vai trò thứ (2) của công nghệ là đặc biệt quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị để ứng phó (trước khi dịch bùng phát), thì lại chưa được quan tâm và triển khai đúng thực chất.

Kế đến, hạn chế tiếp theo nằm ở khâu điều phối, phối hợp, khi các giải pháp/ ứng dụng (app) công nghệ được triển khai chồng lấn với nhau: ở cấp trung ương là các bộ/ngành; ở cấp địa phương là các tỉnh. Yêu cầu liên thông dữ liệu nói chung đã được thảo luận, cảnh báo, từ cách đây nhiều năm và đến khi chống dịch, yêu cầu liên thông dữ liệu giữa các app cũng được liên tục nhắc đến nhưng không có “nhạc trưởng” để điều phối thực thi hiệu quả.

Ở cấp quốc gia, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông và đến giữa năm 2021 là Bộ Công an, đều làm app, đều yêu cầu người dân cung cấp thông tin, đều tham gia thu thập dữ liệu. Các địa phương cũng có các công cụ thu thập thông tin khác. Nhưng toàn bộ tiến trình này thiếu một nhạc trưởng mạnh, đủ khả năng điều phối. Vấn đề chính ở đây không phải là “nhiều app” mà là dữ liệu bị phân tán. Và không có dữ liệu, nghĩa là vai trò thứ (2) của công nghệ – dùng dữ liệu để phân tích tình hình, lên kịch bản, lập kế hoạch, ra quyết định và phản ứng nhanh… – đã không thực thi được.

Thiếu cơ chế tài chính cho hợp tác công – tư về công nghệ với khu vực tư nhân

Khác với lĩnh vực y tế (hay giáo dục), nơi bệnh viện công, các trường đào tạo y dược công được xây dựng trong hàng chục năm và vẫn tiếp tục duy trì, và do đó Bộ Y tế chỉ cần ra lệnh là có nhân lực, vật lực để tham gia trực tiếp chống dịch. Công nghệ thông tin là lĩnh vực mới và năng lực công nghệ thông tin nằm trong tay các doanh nghiệp tư nhân chứ không phải là “sẵn có” trong các cơ quan nhà nước.

Vì thế, khi có ý tưởng thực thi vai trò (1) và (2) nói trên, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế phải huy động nhân lực doanh nghiệp tham gia để xây dựng, vận hành các công nghệ. Nhưng cơ chế tài chính là điểm nghẽn ở đây.

Không thể huy động doanh nghiệp làm việc kiểu tự nguyện góp nhân sự, góp công nghệ, vì doanh nghiệp tư nhân cần nuôi sống chính họ. Nhưng vấn đề “hợp đồng”, thuê các doanh nghiệp này là vấn đề chưa rõ ràng. Ví dụ, BKAV là đơn vị phát triển chính phần mềm Bluezone, Viettel hợp tác với Bộ Y tế trong các phần mềm khai báo y tế nhưng phạm vi công việc là gì, chi phí chi trả cho doanh nghiệp bao nhiêu chưa rõ ràng. Hơn thế nữa, “công nghệ” không phải chỉ là một “phần mềm đóng gói”, làm xong rồi thôi.

Ngay ở “tổ thông tin đáp ứng nhanh” cho Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nhiều cá nhân tham gia hỗ trợ tổ cho biết họ tham gia với tinh thần tự nguyện chứ không có hợp đồng, không được trả chi phí.

Nếu coi dữ liệu là “trái tim” của chính phủ số, Việt Nam cần một “ngôi nhà chung” về dữ liệu. Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia có thể hoạt động lâm thời để chống dịch, nhưng về dài hạn cần trở thành “cơ quan quốc gia” về dữ liệu số.

Như đã nói, dữ liệu mới là trọng yếu, và các công ty này có cung cấp luôn dịch vụ thu thập, xử lý dữ liệu, hỗ trợ làm việc hàng ngày với lãnh đạo khi cần cung cấp dữ liệu để ra quyết định?

Thực tế cũng cho thấy, ngay dữ liệu quan trọng là dữ liệu tiêm vaccine, ở điểm nóng này thì sự chú ý tập trung vào bộ phận “y tế” mà không có thêm nhân sự thu thập dữ liệu. Điều này vừa tạo gánh nặng thêm lên nhân viên y tế (thêm khối lượng công việc), vừa giảm chất lượng dữ liệu (bởi nhân viên y tế không chuyên, nhập dữ liệu chậm và dễ bị sai sót).

Thêm vào nhược điểm không liên thông dữ liệu nói trên, nên dữ liệu chỉ dừng ở mức cơ bản: có tiêm/ chưa tiêm; còn các đặc điểm nhân khẩu/y tế (tuổi tác, bệnh nền, khu vực sinh sống, đặc thù nghề nghiệp/di chuyển) – tức là các dữ liệu có giá trị khác – không được thu thập và không giúp ích được nhiều cho quyết định chống dịch.

Tóm lại, không rõ ràng về bài toán tài chính thì rất khó mong muốn sản phẩm công nghệ có thể hiệu quả. Và điểm cốt tử ở đây là cần phải hiểu được rằng công nghệ không dừng lại ở việc làm ra phần mềm, làm ra app, quan trọng hơn là vận hành, là hệ thống thu thập dữ liệu, xử lý dữ liệu. Giá trị của công nghệ nằm ở dữ liệu có chất lượng, phân tích được dữ liệu và giúp lãnh đạo ra quyết định.

Khu vực doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể có những doanh nghiệp đủ năng lực kỹ thuật để tham gia. Nhưng trong một năm rưỡi vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế và cả Bộ Tài chính thiếu cơ chế tài chính rõ ràng, minh bạch, và hiệu quả để huy động sự tham gia của họ.

Nhìn về phía trước, ngắn hạn và dài hạn

Thủ tướng Chính phủ đã “vào cuộc” và yêu cầu thống nhất “một ứng dụng”, giao Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai trò “nhạc trưởng”. Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia đã chính thức được thành lập và đã đi vào hoạt động. Vai trò của cơ quan này là hết sức quan trọng đối với tiến trình mở cửa sắp tới của các địa phương.

Bởi đơn giản là đời sống kinh tế không giới hạn trong địa giới hành chính một tỉnh. TPHCM nếu thực hiện “thẻ xanh vaccine” chỉ trong nội thị, mà người có thẻ xanh không thể di chuyển liên tỉnh thì cũng không hiệu quả mấy.

Bởi, chuỗi cung ứng không gói gọn trong TPHCM. Vì thế, liên thông dữ liệu, một app duy nhất cho người dân để người dân đủ điều kiện di chuyển an toàn thông suốt các tỉnh là yêu cầu bắt buộc. Nhưng thẩm quyền hành chính và cái uy của “trung tâm… quốc gia” này có đủ để thực thi vai trò nhạc trưởng? Nhân lực và công nghệ của nội bộ trung tâm…quốc gia có đủ để triển khai bài toán kỹ thuật đó?

Tính quan trọng của vấn đề đòi hỏi trong giai đoạn… lâm thời, Thủ tướng Chính phủ cần trực tiếp đứng ra lãnh đạo trực tiếp mảng công nghệ, cũng như trao “thượng phương bảo kiếm” để “dẹp loạn” cát cứ và phân mảnh dữ liệu. Đồng thời, Bộ Tài Chính cũng cần vào cuộc phối hợp, để giải quyết bài toán “hợp đồng” – thuê các doanh nghiệp có năng lực để xây dựng giải pháp và xử lý bài toán dữ liệu.

Nhìn về dài hạn, xử lý được vấn đề dữ liệu còn tạo tiền đề to lớn hơn cho quản trị quốc gia. Nếu coi dữ liệu là “trái tim” của chính phủ số, Việt Nam cần một “ngôi nhà chung” về dữ liệu. Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia có thể hoạt động lâm thời để chống dịch, nhưng về dài hạn cần trở thành “cơ quan quốc gia” về dữ liệu số.

Làm được như vậy, những bài học, những mất mát cả về sinh mạng và kinh tế lớn lao mà đất nước gánh chịu trong thời gian qua, mới được bù đắp.

(*) Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS)

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới