Thứ tư, 1/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Công nghiệp chế biến ở ĐBSCL chưa đủ ‘sâu’ để khai thác lợi thế vùng

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến nay vẫn là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước. Trong đó, lúa gạo, thuỷ sản và cây ăn trái được xem là trụ cốt chính giúp kinh tế vùng phát triển. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp chế biến để khai thác hiệu quả hơn nữa lợi thế này vẫn chưa thật sự phát triển...

Công nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long vẫn kém phát triển, nhất là công nghiệp chế biến trong nông nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Đánh giá ở trên được đưa ra tại diễn đàn quốc tế SDMD lần thứ hai năm 2024 với chủ đề "Công nghiệp hoá- hiện đại hoá: động lực cho phát triển bền vững ĐBSCL" diễn ra vào hôm nay (29-11) ở thành phố Cần Thơ.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, ĐBSCL là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước khi chiếm 95% lượng gạo xuất khẩu; gần 65% sản lượng thủy sản nuôi; 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước.

Ngoài ra, kinh tế biển cũng là tiềm năng lớn của vùng khi có 750km bờ biển, chiếm 23% chiều dài bờ biển cả nước, trong đó, có 7 trên 13 địa phương của vùng tiếp giáp biển, thuận lợi phát triển các ngành công nghiệp sạch.

Lợi thế nêu trên của ĐBSCL đã có đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu chung của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Theo đó, 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản cả nước đạt 51,74 tỉ đô la Mỹ, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái. “Cả năm, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản cả nước có khả năng đạt 63 tỉ đô la Mỹ”, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo.

Tuy nhiên, có một thực tế khá đáng buồn, đó là đa số các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL cũng chỉ bán ở dạng thô hoặc có hàm lượng chế biến không đáng kể. Trong đó, với thuỷ sản, sản phẩm chế biến giá trị gia tăng chỉ chiếm khoảng 20-30% trong tổng sản lượng xuất khẩu hàng năm; trái cây đa phần xuất khẩu thô ở dạng tươi hoặc cấp đông, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu.

Ông Thịnh của Cục Công Thương địa phương đánh giá, công nghiệp chế biến chưa thực sự phát triển, cho nên, tiềm năng và lợi thế chưa được khai thác hiệu quả. “Quá trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước còn chậm, trình độ công nghệ chủ yếu là trung bình và thấp. Điều này dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước chưa cao”, ông đánh giá.

Phát triển nông, thủy sản xuất khẩu của ĐBSCL vẫn dựa trên các hoạt động sản xuất quy mô nhỏ, chưa gắn kết được giữa khu vực nuôi/khai thác với chế biến, xuất khẩu. Đặc biệt, chưa hình thành được các khu, cụm công nghiệp lớn về sản xuất, chế biến nông, thủy sản xuất khẩu.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng trường Bách Khoa thuộc Trường Đại học Cần Thơ đánh giá, công nghiệp ở ĐBSCL khá hạn chế khi chỉ có một ít ở ngành chế biến nông, thuỷ sản và một số ngành công nghiệp nhẹ như may mặc, nhưng giá trị gia tăng thấp, sức cạnh tranh yếu so với các vùng khác trong cả nước.

Do thiếu công nghiệp chế biến hỗ trợ, cho nên, ĐBSCL dù là vựa lúa, tôm cá và trái cây, nhưng tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn diễn ra hàng năm và không có cách đối phó. “Việc thiếu một trung tâm logistics lớn cũng tạo thành điểm nghẽn, làm hạn chế phát triển công nghiệp của vùng ĐBSCL”, ông Hùng cho biết thêm.

Trong khi đó, ở khía cạnh nguồn nhân lực, dù đóng vai trò rất quan trọng trong công nghiệp, nhưng trên 50% lực lượng lao động ở ĐBSCL lại tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, đa số chưa qua đào tạo. “Đối với lao động có tay nghề cao, thì tỷ lệ chỉ chiếm khoảng 15% tổng lao động của vùng và thấp nhất cả nước, kể cả vùng Tây Bắc”, ông Hùng cho biết và dẫn chứng, lĩnh vực công nghiệp chế biến đang thiếu lao động trầm trọng.

Từ thực trạng nêu trên, ông Thịnh đề nghị, đầu tiên cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản và thực phẩm theo hướng gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thứ hai, là phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nông nghiệp như: sản phẩm hóa chất, cơ khí phục vụ nông nghiệp, thủy sản. Khuyến khích, thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển.

Ba là, ưu tiên đầu tư phát triển, khai thác tối đa các khu/cụm công nghiệp đã được thành lập đến năm 2030, trong đó, tăng cường các ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ nông nghiệp, hạn chế mở rộng phát triển thêm các khu/cụm công nghiệp khi chưa đạt tỷ lệ lấp đầy cao.

Ngoài ra, theo gợi ý của ông Thịnh, cần xây dựng chính sách hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất. “Đây là tiền đề góp phần gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp, tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước”, ông nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới