Chủ Nhật, 13/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Công nghiệp quốc phòng: Động lực để phát triển công nghệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công nghiệp quốc phòng: Động lực để phát triển công nghệ

Đặng Đình Cung (*)

(TBKTSG) - Gần đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có phát biểu về hợp tác với đối tác nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng(1). Đây mới là một ý tưởng chung và để hiện thực hóa nó còn phải làm rõ nhiều vấn đề như ai hay bộ phận nào đảm nhiệm điều hành ngành công nghiệp này? Có nên thành lập một tập đoàn công nghiệp quốc phòng không, nếu có thì tập đoàn đó sẽ sản xuất và kinh doanh gì và với ai? Trong bài này, tôi xin đóng góp một vài suy nghĩ.

 

Công nghiệp quốc phòng: Động lực để phát triển công nghệ
Tổ hợp tên lửa phòng không S-125-2TM được trưng bày tại một triển lãm ở Thái Nguyên. Ảnh: VnExpress

Để răn đe các kẻ thù tiềm tàng và để duy trì tính tự lập quốc gia về quốc phòng thì chúng ta phải có một ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh. Tất cả các nước công nghiệp trên thế giới, dù lớn dù nhỏ, đều có một ngành công nghiệp như vậy. Thụy Điển và Thụy Sỹ là hai nước theo đuổi chính sách trung lập. Họ nhập cảng phần lớn thiết bị quân sự cần thiết, nhưng cũng có một ngành công nghiệp quốc phòng và cũng hợp tác khai triển công nghệ với các nước khác.

Do những đòi hỏi khắt khe của quân đội về phẩm chất và chất lượng mà ngành công nghiệp quốc phòng sinh ra đa số những tiến bộ công nghệ hiện đại, để sau đó được áp dụng trong lĩnh vực dân sự. Đa số những vật dụng chúng ta dùng từ non mười năm nay trong đời sống hàng ngày lấy nguồn từ những phát minh của quân đội.

Đầu thế kỷ 19, Hoàng đế Pháp Napoleon đã nhận thấy nhu cầu phải hữu hiệu hóa việc tiếp viện binh lính và ông ra lệnh thành lập binh chủng hậu cần. Từ đó quân đội Mỹ đã sáng chế những phương pháp quản lý chuỗi cung ứng và bảo đảm chất lượng mà ngày nay các tập đoàn lớn, từ sản xuất công nghiệp đến thương mại điện tử như Amazon, Alibaba,... đang áp dụng.

Ngoài sứ mệnh quốc phòng thì chúng ta cũng phải phát triển ngành công nghiệp quốc phòng để mau chóng gia nhập câu lạc bộ các quốc gia công nghệ tiên tiến.

Việt Nam đã có truyền thống về công nghiệp quốc phòng ít nhất từ thời An Dương Vương với nỏ thần, nguyên mẫu của các dàn súng phòng không và các dàn hỏa tiễn Katioucha của Liên Xô hay MLRS (Multiple Launcher Rocket System) của Mỹ. Nước ta có những Hồ Nguyên Trừng, Cao Thắng, Trần Đại Nghĩa,... đã sáng chế và sản xuất khí giới đủ loại.

Theo hãng truyền thông về quân sự Jane’s, chúng ta hiện có một ngành công nghiệp quốc phòng đa dạng, dù chưa có tầm vóc quốc tế nhưng cũng đáng nể. Chúng ta tự chế tạo đạn dược cho tất cả các loại súng và nhiên liệu cho một số tên lửa trong biên chế của quân đội. Về thiết bị thì chúng ta sản xuất được vũ khí cá nhân, súng đại bác, thiết bị viễn thông, tàu chiến, máy bay không người lái (UAV) và bộ điều khiển cho các thiết bị đó. Những sản phẩm này do ta tự thiết kế hay mua bản quyền công nghiệp của ngoại quốc. Ngoài ra thì chúng ta tự bảo trì và nâng cấp những chiến cụ như súng đại bác, xe tăng, tàu chiến và phi cơ chiến đấu. Phần lớn những sản phẩm và dịch vụ này là để dùng trong quân đội nhưng cũng có một số đã được xuất khẩu sang nước khác.

Chúng ta phải có một tập đoàn công nghiệp quốc phòng để bảo đảm tính hữu hiệu và vĩnh cửu (efficiency and sustainability) của ngành công nghiệp này.

Một tập đoàn kinh tế sẽ làm cho chi thu về công nghiệp quốc phòng của Chính phủ thông thoáng. Sổ sách kế toán của tập đoàn sẽ giúp Quốc hội dễ dàng kiểm tra việc trang bị cho quốc phòng có hữu hiệu hay không. Nhờ tính tự lập, tập đoàn có thể vay ngân hàng, tuyển mộ nhân tài, hợp tác kinh doanh với đối tác ngoại quốc và các đối tác dân sự Việt Nam một cách mềm dẻo.

Theo các nghiên cứu về chiến lược công nghệ - quản lý công nghiệp (technology strategy and industrial management) thì một xí nghiệp chỉ làm ăn hiệu quả nếu tập trung chiến lược kinh doanh vào nghề ruột (core business) của mình.

Công nghiệp quốc phòng bao gồm tất cả thiết bị (equipment) và sản phẩm tiêu dùng (consumable) đặc thù mà quân đội cần đến. Công nghiệp này không bao gồm những gì có công dụng dân sự hay cả hai vừa dân sự lẫn quân sự. Nghề ruột của một xí nghiệp công nghiệp quốc phòng là những thiết bị và sản phẩm đặc thù cho quốc phòng: đạn dược, các sản phẩm tiêu dùng chỉ có quân đội mới dùng đến, một số chiến cụ và một số thành phần của những thiết bị quân sự mua nguyên chiếc từ ngoại quốc. Nếu có ứng dụng vừa quân sự vừa dân sự thì xí nghiệp công nghiệp quốc phòng có thể tham gia vào một liên doanh công - tư tùy ở tỷ lệ những công nghệ có thể dùng được cho quốc phòng. Hội đồng quản trị phải thường xuyên điều chỉnh tỷ lệ này vì một xí nghiệp liên tục sinh ra những công nghệ đặc thù quân sự hay không đặc thù.

Vào thời bình thì công binh có thể thao luyện bằng cách thi công cho những dự án xây dựng dân sự. Quân đội có thể tiếp tục truyền thống tham gia vào các hợp tác xã nông - lâm nghiệp để giúp các dân tộc ở miền xa, miền hẻo lánh cải thiện đời sống. Nhưng sân golf, khách sạn hay nhà hàng không nằm trong nghề cốt lõi của quân đội. Các nước đều có binh chủng quân y, cần đến quân phục, có những dàn quân nhạc. Nhưng không vì lý do đó mà quân đội phải điều hành một xí nghiệp trong ngành dược hay ngành thiết bị y tế, một xí nghiệp trong ngành may mặc hay một dàn nhạc chuyên hát múa.

Các ngành kinh doanh và hoạt động ngoài ngành đó sinh ra rất ít EBITDA (Earnings Before Interest, Tax, Depreciation and Amortization - Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao), có khi lại còn lỗ lã nữa. Ngược lại, những nghề cốt lõi của công nghiệp quốc phòng sinh ra nhiều EBITDA hơn nhờ có hàm lượng công nghệ tiên tiến cao hơn. Chính phủ có thể dành cho tư nhân nhiệm vụ cung cấp cho những nhu cầu không nằm trong phạm vi cốt lõi, để tập trung sức tăng cường khả năng cho sứ mệnh quốc phòng hay tăng vốn chủ sở hữu vào tập đoàn công nghiệp quốc phòng.

Những sản phẩm và dịch vụ công nghiệp quốc phòng không phải là những mặt hàng thông thường rao bán ai muốn mua thì mua, rao mua là bất cứ ai cũng đến chào hàng. Chính sách làm bạn với mọi người là lá giáp quân sự mạnh nhất của ta. Tuy nhiên, muốn kết bạn thì phải có đối tác. Có nước thành thật muốn làm bạn với ta, có nước lạnh nhạt với ta và có nước ngấm ngầm thù hằn muốn làm hại ta. Vũ khí dùng cho chiến tranh. Do đó mà chúng ta không thể bán vũ khí cho bất cứ nước nào mà cũng không thể hợp tác với bất cứ nước nào. Mua bán vũ khí hay hợp tác công nghệ - công nghiệp với ngoại quốc phải có sự đồng thuận giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao và phải tuân theo Hiệp ước Buôn bán vũ khí mà chúng ta đã ký. Công nghiệp quốc phòng phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Quốc hội và Chính phủ. Tất cả các nước đều làm như vậy, kể cả các nước theo kinh tế thị trường một cách cực đoan.

Mỗi nước chọn cơ chế tư, công hay bán công cho các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng của họ. Có nước chọn hai hay cả ba cơ chế trên, nhưng mỗi cái đều có cái lợi cái hại của nó.

Ở Mỹ có nhiều xí nghiệp công nghiệp quốc phòng tư nhân. Các xí nghiệp này đã đóng góp rất nhiều vào chiến thắng của Mỹ và đồng minh trong hai cuộc Đại chiến Thế giới. Sau đó họ trở thành những tập đoàn công nghiệp quốc phòng khổng lồ phục vụ Bộ Quốc phòng. Tướng Eisenhower đặt tên sự cộng sinh này là phức hợp quân sự - công nghiệp (military-industrial complex). Hiện tượng này dẫn đến phung phí ngân sách nhà nước. Tình huống thông thường nhất là một hãng sáng chế ra một cái gì đó rồi tìm gặp để thuyết phục các chính khách chuyên trách về quốc phòng rằng sáng chế của họ sẽ củng cố an ninh của Mỹ. Nếu họ thuyết phục được những người có quyền quyết định thì Bộ Quốc phòng sẽ thảo một điều kiện sách (specification) rồi kêu gọi đấu thầu. Kết quả là thay vì sản xuất vũ khí đủ để thắng đối thủ thì Mỹ có lượng bom nguyên tử có thể giết chết nhiều lần tất cả nhân loại. Gần đây có nhiều dự án vũ khí của Mỹ đội ngân sách, quá hạn hay/và trùm mền.

Nhiều nước có quân đội và công nghiệp hùng mạnh cũng mắc bệnh này. Đầu Thế chiến thứ 2, các zaibatzu Nhật Bản biết đóng những tàu chiến lớn thuộc lớp Dreadnough. Họ vận động hải quân Nhật để được đóng hai chiếc Musashi và Yamato. Tác chiến trên biển thời đó đã chuyển sang việc sử dụng tàu sân bay và tàu ngầm. Hai chiến hạm mạnh nhất của Nhật Hoàng rút cục chỉ tham gia không đáng kể vào những trận hải chiến trước khi bị bắn chìm.

Chỉ có quân đội mới có thể biết nhu cầu của mình về chiến cụ và biết phải trang bị quân sự đến mức nào là vừa phải.

Nếu thành lập một tập đoàn công nghiệp quốc phòng thì Bộ Quốc phòng phải nắm 100% vốn. Nếu tập đoàn đó tham gia vào một liên doanh bán công thì Bộ Quốc phòng phải có quyền phủ quyết. Còn về hợp tác quốc tế thì phải có sự đồng thuận của hai Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao như viết ở trên.

(*) Kỹ sư tư vấn

(1) http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-tuong-Tiep-tuc-kien-toan-to-chuc-cong-nghiep-quoc-phong/397196.vgp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới