Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Công nhân của ba hãng xe lớn ở Mỹ đồng loạt đình công

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Công nhân của ba nhà sản xuất ô tô lớn ở Mỹ là General Motors, Ford Motor và Stellantis cùng lúc đình công sau khi không đạt được thỏa thuận trong cuộc đàm phán tăng lương.

Công nhân đình công tại nhà máy lắp ráp của Ford ở Wayne, bang Michigan sau nửa đêm 14-9. Ảnh: AP

Đến hạn cuối vào nửa đêm 14-9, các đại diện của ba hãng xe General Motors (GM), Ford Motor và Stellantis và Công đoàn công nhân ô tô thống nhất (UAW), đại diện cho người lao động trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ vẫn bế tắc trong cuộc đàm phán tăng lương và cải thiện phúc lợi y tế.

Do vậy, UAW phát động đình công tại nhà máy của Ford ở bang Michican, nhà máy của Stellantis ở bang Ohio và nhà máy của GM ở bang Missouri. Stellantis là tập đoàn ô tô của châu Âu, có trụ sở chính tại Hà Lan.

Bên ngoài nhà máy lắp ráp xe Jeep của Stellantis ở Toledo, Ohio, Erika Mitchell, người đã làm việc ở đây trong 10 năm qua, bày tỏ lo lắng về cuộc đình công nhưng vẫn ủng hộ.

“Đây là điều đáng sợ đối với nhiều người nhưng rốt cục, chúng tôi phải chiến đấu vì tương lai của mình”, Mitchell, người mẹ có hai con nhỏ nói.

Theo Shawn Fain, Chủ tịch UAW, cuộc đình công có chọn lọc ở một số nhà máy nhằm gây rối loạn hoạt động của các hãng xe và giúp các nhà đàm phán của UAW có thêm đòn bẩy trên bàn thương lượng. Ông cảnh báo sẽ tổ chức đình công ở các nhà máy khác của General Motors, Ford Motor và Stellantis nếu cuộc đàm phán với công nhân tiếp tục đình trệ.

Người phát ngôn của Ford gọi những đòi hỏi mới nhất của UAW là “không bền vững” nhưng cho biết công ty vẫn cam kết đạt được thỏa thuận.

Theo Jim Farley, CEO của Ford, đề xuất của UAW nhằm tăng lương thêm 40%, cắt giảm số giờ làm việc trong tuần và bổ sung phúc lợi lương hưu mới có thể khiến công ty phá sản.  Nếu đề xuất của UAW có hiệu lực từ năm 2019, thay vì kiếm được khoảng 30 tỉ đô la lợi nhuận trong 4 năm qua, công ty sẽ lỗ khoảng 15 tỉ đô la và phá sản vào thời điểm hiện tại.

GM cho biết, đã đưa ra sự nhượng bộ chưa từng có và thất vọng trước hành động của UAW. Stellantis cũng bày tỏ sự thất vọng khi cho rằng các lãnh đạo của UAW đã không đàm phán với tinh thần trách nhiệm.

Fain cho biết, UAW bao giờ tiến hành đình công ở cả ba hãng xe cùng một lúc trong lịch sử 88 năm của công đoàn này. Các cuộc đình công có chủ đích của UAW sẽ chỉ khiến một phần lực lượng lao động tổng thể rời khỏi dây chuyền lắp ráp. Chiến lược đó đủ để gây gián đoạn kế hoạch sản xuất của các hãng xe nhưng sẽ giúp duy trì quỹ trị giá 825 triệu đô la của UAW.

Theo đó, hôm 13-9, các hãng xe đưa ra mức tăng lương từ 17,5-20% trong hơn 4 năm, chưa thỏa mãn yêu cầu tăng lương 35-40% của UAW. Các vướng mắc lớn khác bao gồm điều chỉnh lương theo chi phí sinh hoạt và trợ cấp y tế cho công nhân nghỉ hưu.

Viễn cảnh về một cuộc đình công kéo dài đang khiến ngành công nghiệp ô tô lo lắng. Tổng thống Joe Biden đã gọi điện cho lãnh đạo của các hãng xe và UAW, hối thúc nhanh chóng dàn xếp thỏa thuận. Giới đầu tư đang lo ngại tác động tiềm tàng của các hoạt động đình công đến lợi nhuận của GM, Ford Motor và Stellantis và hàng trăm nhà cung cấp của những công ty này.

Các nhà kinh tế đang xem xét hậu quả từ tình trạng gián đoạn sản xuất của ba hãng xe này, chiếm khoảng một nửa trong số khoảng 15 triệu xe sản xuất  tại Mỹ hàng năm.

Các hãng xe đã rót hàng tỉ đô la vào sản xuất xe điện và pin. Đây là những khoản đặt cược tốn kém mà có thể phải mất nhiều năm mới gặt hái thành quả. Lãnh đạo các công ty này phải chứng minh cho các nhà đầu tư thấy là đang nỗ lực giảm chi tiêu ở các bộ phận khác của doanh nghiệp.

Chí phí lao động tăng mạnh vào thời điểm này sẽ là một thách thức lớn đối với hãng xe, đặc biệt là trong bối cảnh các hãng đang phải vật lộn với chi phí cao khi chuyển sang xe điện để thu hẹp khoảng cách với Tesla. Doanh nghiệp lo ngại một thỏa thuận lao động tốn kém hơn sẽ làm trầm trọng thêm bất lợi về chi phí so với các đối thủ không có công đoàn. .

Theo hợp đồng hiện tại của GM, Ford Motor và Stellantis, chi phí lao động mỗi giờ trung bình khoảng 65 đô la, bao gồm cả phúc lợi, so với mức 45 đô la của Tesla và 55 đô la của các nhà sản xuất ô tô ở châu Á.

Các nhà phân tích ước tính, các đòi hỏi  tăng lương và phúc lợi của UAW sẽ tăng gần gấp đôi chi phí lao động theo giờ của các nhà sản xuất ô tô. Trong khi đó, UAW cho biết, lao động chiếm chưa đến 5% chi phí cho mỗi chiếc xe của GM, Ford Motor và Stellantis.

Theo WSJ

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới