Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Công ty chứng khoán thận trọng hơn trong kế hoạch kinh doanh 2022

Đăng Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Bước sang năm 2022, thị trường được nhận định sẽ có một năm giao dịch khó khăn hơn khi cả chỉ số VN-Index và thanh khoản thị trường sẽ khó có thể lặp lại mức tăng mạnh như năm ngoái. Trên cơ sở đó, các công ty chứng khoán cũng đang đặt ra cho mình những kế hoạch kinh doanh có phần thận trọng hơn.

FPTS có mức tăng trưởng lên đến 240%.

Thận trọng theo diễn biến thị trường

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua năm 2021 “thăng hoa” đã giúp kết quả kinh doanh của rất nhiều công ty chứng khoán đạt mức tăng trưởng vượt trội. Báo cáo tài chính năm ngoái của 10 công ty dẫn đầu thị phần môi giới trên sàn chứng khoán TPHCM (HOSE) có một điểm chung là doanh thu và lợi nhuận đều lập kỷ lục kể từ khi thành lập.

Trong nhóm này có năm công ty chứng khoán đạt mức tăng trưởng doanh thu trên 100%, cá biệt FPTS và KIS có mức tăng trưởng lên đến 240%. Môi giới chứng khoán và cho vay ký quỹ vẫn là hai trụ cột chính giúp các công ty ghi nhận mức tăng trưởng hai, thậm chí ba chữ số so với năm trước.

Tuy vậy, bước sang năm 2022, hầu hết các ý kiến đều nhận định là thị trường sẽ có một năm giao dịch khó khăn hơn khi cả chỉ số VN-Index và thanh khoản thị trường sẽ khó có thể lặp lại mức tăng mạnh như năm ngoái. Trên cơ sở đó, các công ty chứng khoán cũng đang đặt ra cho mình những kế hoạch kinh doanh có phần thận trọng hơn.

Cụ thể, sau năm 2021 đạt lợi nhuận trước thuế ấn tượng 534 tỉ đồng, Chứng khoán Rồng Việt (VDS) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 ở mức 504 tỉ đồng, giảm 5,5%. Kế hoạch này được đề ra dựa trên nhận định VN-Index năm nay dao động quanh vùng 1.340-1.750 điểm và thanh khoản bình quân ở mức 25.000-30.000 tỉ đồng/phiên.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị VDS, trong điều kiện hiện nay và của VDS thì kế hoạch đưa ra là tích cực. Sắp tới, vốn điều lệ của VDS dự kiến tăng lên mức 2.100 tỉ đồng và ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) đạt 20% – gấp 3 lần lãi suất gửi tiết kiệm.

Các công ty chứng khoán đang tích cực bổ sung năng lực tài chính nhằm tăng khả năng cung cấp margin cũng như mở ra cơ hội kinh doanh thêm các mảng sản phẩm khác.

Tương tự, Đại hội đồng cổ đông Chứng khoán FPT (FTS) thông qua mục tiêu tổng doanh thu năm 2022 ở mức 1.090 tỉ đồng, giảm 3,7% và lợi nhuận trước thuế về mức 680 tỉ đồng, giảm 6,3% so với năm 2021.

Chứng khoán Bản Việt (VCI) thông qua kế hoạch với doanh thu 3.240 tỉ đồng, giảm 13% và lợi nhuận trước thuế 1.900 tỉ đồng, chỉ tăng nhẹ 2,7% so với năm 2021. Kế hoạch của VCI được đưa ra dựa trên dự báo VN-Index đạt 1.550 điểm vào cuối năm 2022. Hay như Chứng khoán Thành Công (TCI), sau một năm đạt lợi nhuận kỷ lục cũng chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận 222 tỉ đồng, tăng nhẹ 2,3%.

Tuy vậy, thị trường vẫn có một số công ty chứng khoán lạc quan hơn, đặt ra mục tiêu tăng trưởng hai chữ số. Điển hình như Chứng khoán Smart Invest (AAS) kỳ vọng doanh thu đạt 1.200 tỉ đồng – tăng 25%, lợi nhuận sau thuế đạt 480 tỉ đồng – tăng 27% hay Chứng khoán Phú Hưng (PHS) có kế hoạch doanh thu 604 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 160,5 tỉ đồng, tương ứng tăng 19% và 14% so với kết quả năm trước.

Sau tái cấu trúc và tăng trưởng mạnh, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đặt kế hoạch doanh thu năm 2022 ở mức 1.981 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 500 tỉ đồng, tăng lần lượt 46% và 85% so với thực hiện năm 2021. Cổ đông TPS vẫn cho rằng, đây là kế hoạch khiêm tốn, khi mà quí 1-2022 TPS ước đạt lợi nhuận lên tới 300 tỉ đồng.

Theo thông tin từ TPS, hội đồng quản trị công ty này đã họp và thống nhất, sau tháng 6, khi công ty tăng vốn xong, có thể xin điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận cho phù hợp. Bên cạnh doanh thu từ nghiệp vụ tư vấn phát hành trái phiếu, TPS sẽ đẩy mạnh các mảng như môi giới cổ phiếu – trụ cột bên cạnh mảng trái phiếu, chào bán chứng quyền, kinh doanh chứng khoán phái sinh cũng như tự doanh.

Cuộc đua tăng vốn nhằm lấy thị phần môi giới vẫn có sức nóng riêng, nhưng nhiều công ty chứng khoán hiện không xem đây là mục tiêu chính của việc tăng vốn, quan trọng hơn là vừa có được thị phần, nhưng không làm giảm hiệu quả hoạt động.

Với công ty chứng khoán thuộc tốp đầu, trong kịch bản cơ sở, VNDirect đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.605 tỉ đồng năm 2022, tăng 32% so với thực hiện năm 2021. Các mảng hoạt động đều dự kiến tăng trưởng doanh thu như dịch vụ chứng khoán (1.963 tỉ đồng, tăng 20%), dịch vụ đầu tư tài chính (598 tỉ đồng, tăng 60%), dịch vụ ngân hàng đầu tư (371 tỉ đồng, tăng 41%) và dịch vụ đầu tư nguồn vốn (2.463 tỉ đồng, tăng 35%).

Tiếp tục tăng vốn mạnh

Năm 2021 vừa qua chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội không những về điểm số của VN-Index mà còn cả về thanh khoản toàn thị trường. Cụ thể, thanh khoản trung bình đã tăng 258% so với năm 2020, đạt bình quân 26.000 tỉ đồng/phiên và ước tính dư nợ cho vay trên toàn thị trường đạt khoảng 193.000 tỉ đồng (tương đương 8,4 tỉ đô la Mỹ), tăng khoảng 100.000 tỉ đồng so với cuối năm 2020.

Trước nhu cầu sử dụng margin của nhà đầu tư ngày càng cao, rất nhiều công ty chứng khoán đã lên kế hoạch tăng vốn “khủng”. Nếu các năm trước, công ty có vốn 1.000 tỉ đồng là hiếm hoi, thì nay, có những công ty sẽ tăng vốn với quy mô như một ngân hàng tầm trung (như Chứng khoán SSI 15.000 tỉ đồng, Chứng khoán VNDirect 12.000 tỉ đồng).

Nhiều công ty chứng khoán nhỏ cũng tham gia vào làn sóng tăng vốn mạnh như Smart Invest muốn tăng lên 5.000 tỉ đồng, Chứng khoán DNSE lên 3.000 tỉ đồng, Chứng khoán APG lên 4.000 tỉ đồng…

Đối với VCI, việc tăng vốn chủ sở hữu chủ yếu bằng lợi nhuận giữ lại, chỉ riêng năm 2017 đã tăng vốn thêm 500 tỉ đồng, qua đó giúp tỷ suất lợi nhuận của công ty này vượt trội. Tình hình hiện nay có thể không còn cho phép VCI đi theo hướng cũ nữa và phải chấp nhận bước chân vào lĩnh vực rủi ro hơn như mảng khách hàng cá nhân.

Với AAS, dự kiến toàn bộ số tiền huy động từ các đợt chào bán trên sẽ được phân bổ cho các hoạt động của công ty, gồm đầu tư vào các giấy tờ có giá trên thị trường, cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán và các hoạt động bảo lãnh, phát hành chứng khoán.

Có thể thấy, các công ty chứng khoán đang tích cực bổ sung năng lực tài chính nhằm tăng khả năng cung cấp margin cũng như mở ra cơ hội kinh doanh thêm các mảng sản phẩm khác. Bên cạnh đó, cuộc đua tăng vốn nhằm lấy thị phần môi giới vẫn có sức nóng riêng, nhưng nhiều công ty chứng khoán hiện không xem đây là mục tiêu chính của việc tăng vốn, quan trọng hơn là vừa có được thị phần, nhưng không làm giảm hiệu quả hoạt động.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới