(KTSG Online) – Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, Kiểm toán Nhà nước cho biết có nhiều doanh nghiệp nhà nước một số đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, phát sinh thua lỗ lớn như Vinachem, TKV, VNS có công ty con và công ty liên kết kinh doanh.
Với hoạt động đầu tư, Công ty mẹ - HUD có tỷ lệ cổ tức, lợi nhuận dự kiến được chia trên vốn đầu tư 4,34%. Cụ thể, có ba công ty con chia cổ tức với tỷ lệ 2-5%, bốn công ty con có lợi nhuận thấp không chia cổ tức, một công ty con có kết quả kinh doanh lỗ.
Công ty mẹ - Vinachem có tỷ lệ cổ tức, lợi nhuận được chia trên vốn đầu tư là 5,32%, trong đó có 3/22 công ty con có kết quả kinh doanh thấp, không chia cổ tức. Còn Công ty mẹ - VNS có tỷ lệ cổ tức, lợi nhuận được chia trên vốn đầu tư là 4,13%.
Đáng lưu ý, một số khoản đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty vào công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ, mất vốn. Cụ thể, công ty mẹ - PVFCCo có hai công ty liên kết phát sinh lỗ lũy kế với số tiền 6.474,84 tỉ đồng tính tới 31-12-2020. Ngoài ra, doanh nghiệp còn một khoản đầu tư dài hạn khác ghi nhận lỗ 45,47 tỉ đồng trong năm 2020.
Công ty mẹ - HUD có 4 công ty liên kết, khoản đầu tư khác ghi nhận lỗ năm 2019 và năm 2020 với số tiền 55,49 tỉ đồng.
Công ty mẹ - Vinachem có 2 công ty liên kết ghi nhận lỗ luỹ kế với số tiền 123,69 tỉ đồng. Vinachem cũng ghi nhận một số khoản đầu tư thua lỗ tại các công ty con, gồm Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam với hai khoản đầu tư phải trích lập dự phòng 95,25 tỉ đồng; Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ với một khoản đầu tư phải trích lập dự phòng 9,83 tỉ đồng;
Công ty mẹ - PVGAS có một công ty liên kết thua lỗ 47,41 tỉ đồng năm 2020. Công ty mẹ - VNPT có hai khoản đầu tư tại các đơn vị đang trong quá trình giải thể, phá sản tiềm ẩn rủi ro mất vốn.
Tại Petrolimex, các công ty con gồm Tổng công ty Gas Petrolimex – CTCP, Petajico Hà Nội - Tổng công ty Dịch vụ Xăng dầu Petrolimex, Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex – CTCP, Công ty cổ phần Vận tải Xăng dầu Vipco - Tổng công ty Vận tải thủy Petrolimex lần lượt có một, hai, một, bốn khoản phải trích lập dự phòng với số tiền tổng cộng 132,37 tỉ đồng.
Về hoạt động kinh doanh, cơ quan kiểm toán cho biết một số doanh nghiệp phát sinh thua lỗ lớn. Cụ thể, Công ty mẹ - Vinachem có năm công ty con lỗ lũy kế 15.473,64 tỉ đồng tính tới 31-12-2020 và một công ty con đang dừng hoạt động;
Công ty mẹ - VNS có bốn công ty con, năm công ty liên kết và ba khoản đầu tư khác lỗ lũy kế 898,88 tỉ đồng, trong đó hai đơn vị đang tạm dừng hoạt động. Một công ty con của VNS là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên có ba công ty con, liên kết không hoạt động, không có khả năng phục hồi sản xuất.
Công ty mẹ - PVGAS có hai công ty con lỗ lũy kế 602,37 tỉ đồng. Công ty mẹ - Petrolimex có công Công ty TNHH MTV Petrolimex Lào lỗ lũy kế 114,82 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu 57 tỉ đồng.
Tổng công ty Điện lực TKV có Công ty cổ phần Nhiệt điện Cẩm Phả lỗ lũy kế 1.771,1 tỉ đồng. Công ty mẹ - VNPT có hai công ty con, liên doanh lỗ lũy kế 78,8 tỉ đồng;
Còn PVCFC có Công ty cổ phần Bao bì Dầu khí Việt Nam lỗ 8,6 tỉ đồng trong năm 2019 và 2020.