Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Covid-19 là bệnh nghề nghiệp, được hưởng bảo hiểm xã hội từ ngày 1-4

N.Ánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Y tế đã bổ sung Covid-19 vào danh sách các bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội từ ngày 1-4. 

Theo Thông tư 02 do Bộ Y tế vừa ban hành, Bộ Y tế đã bổ sung Covid-19 vào danh sách các bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Ảnh minh họa là hoạt động tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Minh Thảo.

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 02/2023 sửa đổi Thông tư 15/2016 quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. 

Thông tư 02 bổ sung Covid-19 vào danh sách các bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Theo đó, bệnh Covid-19 là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.

Các đối tượng được quy định bao gồm nhóm người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế; nhóm người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa virus SARS-CoV-2 và nhóm người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Cũng theo Thông tư số 02 của Bộ Y tế, thời gian khám xác định di chứng được quy định sau tối thiểu 6 tháng kể từ khi mắc Covid-19 và được điều trị ổn định. Trường hợp không điều trị ổn định được thực hiện theo quy định hiện hành.

Người làm nghề, công việc nêu trên được chẩn đoán mắc Covid-19 do tiếp xúc trong quá trình lao động từ ngày 1-2-2020 đến trước ngày 1-4-2023 được lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp để khám giám định và được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo quy định hiện hành.

Như vậy, danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội từ ngày 1-4 gồm 35 bệnh, trong đó có những bệnh như viêm phế quản mạn tính, hen, nhiễm độc chì, nhiễm độc nghề nghiệp do benzen hay nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp…

Kể từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam có hơn 11 triệu ca nhiễm và ghi nhận hơn 43.000 ca tử vong do nhiễm Covid-19. 

1 BÌNH LUẬN

  1. Tin mới nhưng nhanh chóng trở thành quá cũ và chán. Lúc thiên hạ cần nhất thì không thấy BHYT phản ứng gì. Lúc không cần thì lại lên tiếng. Không hiểu BHYT có mục tiêu gì khác, ngoài việc quan trọng nhất là chăm lo sức khỏe toàn dân ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới