Covid-19 thúc đẩy ứng dụng và dịch vụ giao đồ ăn phát triển nhanh
Thuận An
(TBKTSG Online) - Trong thời kỳ Covid-19 hoành hành, các ứng dụng và dịch vụ giao đồ ăn đã thâm nhập mạnh mẽ tại các thành phố ở châu Á, trong đó có TPHCM. Mức độ thâm nhập thị trường của dịch vụ giao đồ ăn trong nhóm người dưới 50 tuổi tại các thành phố ở Hàn Quốc là 99%; 84% ở Trung Quốc và 76% ở TPHCM.
Đây là những thông tin mang tính triển vọng lạc quan cho thị trường dịch vụ giao đồ ăn, khi mà sự tàn phá của Covid-19 đến ngành hàng thực phẩm và đồ uống (F&B) là quá lớn. Theo báo cáo của Kantar Việt Nam, đợt cách ly toàn xã hội (lockdown) hồi tháng 4 vì dịch Covid-19 bùng phát đã khiến ngành hàng F&B tiêu dùng bên ngoài nhà ở TPHCM thiệt hại gần 3 triệu đô la Mỹ mỗi tuần.
Các dịch vụ giao đồ ăn đã phát triển nhanh chóng nhờ đại dịch. Ảnh minh họa: MT |
Báo cáo “Toàn cảnh thực phẩm và đồ uống dùng ngoài nhà, ảnh hưởng của Covid -19 và chặng đường phục hồi” vừa được bộ phận Worldpanel, Kantar Việt Nam chia sẻ với TBKTSG Online hôm nay, 24-11 cho thấy, tính chung nửa đầu năm 2020, chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống tiêu dùng ngoài nhà ở TPHCM đã giảm 13% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, do tác động của Covid-19, thị trường có hy vọng phát triển nhanh là các ứng dụng giao hàng. Các ứng dụng và dịch vụ giao đồ ăn theo đó đã thâm nhập mạnh mẽ tại các thành phố ở châu Á, trong đó có TPHCM. Mức độ thâm nhập thị trường của dịch vụ giao đồ ăn trong nhóm người dưới 50 tuổi tại các thành phố ở Hàn Quốc là 99%; 84% ở Trung Quốc và 76% ở TPHCM.
Ông Peter Christou, Giám đốc Giải pháp cao cấp của bộ phận Worldpanel, Kantar nhận định: “Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực lên lĩnh vực ăn uống tiêu dùng ngoài nhà. Dịch vụ giao đồ ăn tận nhà đã phần nào làm giảm bớt ảnh hưởng này đối với một số quốc gia. Dịch vụ này tạo ra cơ hội gia tăng khi người tiêu dùng có nhu cầu “tưởng thưởng” nho nhỏ để động viên bản thân trong thời điểm khó khăn. Đầu tư vào việc tăng cường sử dụng các ứng dụng giao đồ ăn có thể giúp lấy lại doanh thu đã mất cho các quán cà phê, cửa hàng chuyên bán đồ mang đi và nhà hàng”.
Khi chuyển đổi từ làm việc ở văn phòng sang làm việc tại nhà, chi tiêu của người tiêu dùng cho các sản phẩm ăn uống tại nhà tăng lên. Tuy nhiên, mức gia tăng này không đủ bù đắp cho phần sụt giảm của chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống tiêu dùng ngoài nhà.
Tính chung, tổng mức chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống cả tiêu dùng tại nhà và tiêu dùng bên ngoài đã giảm 3% trong 6 tháng 2020.
Cũng theo báo cáo này của Kantar Việt Nam, đợt cách ly toàn xã hội (lockdown) hồi tháng 4 vì dịch Covid-19 bùng phát đã khiến ngành hàng thực phẩm và đồ uống (F&B) tiêu dùng bên ngoài nhà ở TPHCM thiệt hại gần 3 triệu đô la Mỹ mỗi tuần.