Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Covid ký sự

Châu Phan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) Có lẽ chuyến đi ngay từ ban đầu đã có những dấu hiệu trục trặc nên càng về sau càng... trục trặc.

Một góc thủ đô Helsinki, Phần Lan.Ảnh: Châu Phan

Vừa làm cho công ty mới này được mấy tháng nên khá phấn chấn khi được tin công ty mời nhân viên từ London (Anh) và Singapore đến New York (Mỹ) dự tiệc liên hoan gặp mặt cuối năm. Vội vàng đi mua vé máy bay cho cả gia đình vì công ty báo tin đột ngột, chỉ cách ngày tiệc tùng hai ba tuần. Đến ngày gần đi mới biết là bay theo đường đã mua vé thì khi quay lại Singapore sẽ bị cách ly theo quy định phòng chống Covid hiện hành. Mà đặt đường bay không bị cách ly thì hết chỗ, nên đành hủy chuyến đi.

Cậu con trai rất thất vọng vì đã hai năm nay không được đi du lịch vì thi cử và Covid, rồi cả năm nay còn phải đi nghĩa vụ quân sự, đã xin và chỉ nghỉ phép được vào đợt cuối năm này, không đi đâu mà phải ở nhà thì quá chán. Thế là đành vội vàng tìm các điểm đến nước khác mà không bị cách ly khi về Singapore để thế chỗ.

Cậu con trai chợt nhớ ra cậu bạn người Phần Lan học với nhau mấy năm hồi cấp 1 ở một trường quốc tế nọ tại Singapore nên bảo bố mẹ là muốn sang đó chơi kết hợp với thăm bạn, trước khi bạn cũng phải đi nghĩa vụ quân sự đầu năm sau ở Phần Lan. Thế là lại mua vé ngay để hôm sau bay luôn đi Phần Lan.

Cái nước này chẳng kiểm soát người dương tính gì cả. Mà nghĩ kỹ, họ không gọi là may. Nếu cứ gom tất cả F0 với F1 vào khu cách ly như Việt Nam thì... rắc rối.

Có lẽ chuyến đi ngay từ ban đầu đã có những dấu hiệu trục trặc nên càng về sau càng... trục trặc. Ra đến sân bay Changi, làm thủ tục check in lên chuyến bay của Jetstar để quá cảnh tại Bangkok mới biết Thái Lan không cho quá cảnh, tất nhiên vì Covid, dù vé máy bay là của Finnair trọn gói, mua trực tiếp trên trang web của hãng này. Gọi điện cho Finnair ở Singapore thì ò e suốt mà không thấy ai nhấc máy. Yêu cầu nhân viên sân bay cung cấp số điện thoại của đại diện Finnair ở sân bay hay ở Singapore thì họ bảo không có.

Bó tay, cậu con trai bèn gọi điện sang cho mẹ bạn ở Phần Lan để chị ấy liên lạc với hãng bên đó. Nghe xong chuyện chị thở dài, nói ngay: “Lại là Finnair à. Hãng này rất lắm chuyện!” Tuy phải đợi cả hai ba chục phút nhưng rồi chị ấy cũng nối máy được và yêu cầu hãng gọi điện sang Singapore cho “bị hại” để đổi lại vé bay hai ngày sau mà không bị đổ lỗi không bay được là vì không tuân thủ quy định về Covid của Singapore/Thái Lan.

Hai ngày sau, thứ Bảy, bay sang Helsinki. Cậu bạn của con và ông bố, Peter, người Anh, ra sân bay đón. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, vui quá nên quên cả một hành lý tại bãi đỗ xe. Về đến khách sạn mới nhớ ra, thế là Peter lại chở lại sân bay để tìm. Không thấy, nên đành đến chỗ “Lost and found” để khai báo nhưng cửa đóng im ỉm, gọi điện theo số dán ở bên ngoài chỉ thấy máy tự động trả lời. Peter an ủi bảo rằng đồ đạc thất lạc ở Phần Lan thường tìm lại được thôi (quả thật sau mấy hôm thì cũng liên lạc được với bộ phận này và lấy lại được hành lý, tuy phải mất phí gọi là nhận lại hành lý).

Hôm đến Helsinki đã chỉ thấy tuyết và tuyết. Nhưng Peter bảo may là đến tuần này, chứ tuần trước đó thì nhiệt độ xuống âm 17-20 độ. Cậu con đến nhà bạn tắm sauna và ngủ lại. Sau mới biết là hai đứa ngồi trong phòng sauna rồi trần như nhộng ra phơi tuyết ngoài vườn rồi lại chui vào sauna.

Dịch chuyển dần theo hàng người, đến trước bức tường dán ảnh chụp ông Santa với các nhân vật nổi tiếng trên thế giới, có cả ông Tập Cận Bình và... anh đầu bếp Michelin kia thì mới biết đây là ông Santa... xịn!

Ở chơi loanh quanh Helsinki hai, ba ngày, rồi mua vé tàu đêm giường nằm đi Lapland, thăm làng của ông Santa, vốn cả nhà chỉ được biết đến qua xem một clip của một anh đầu bếp người Scotland được gắn mấy sao Michelin gì đó có ghé thăm ngôi làng này.

Đến nơi, quả là khung cảnh thật lãng mạn, với tuyết trắng ngập tràn, những ngôi nhà gỗ súc, lều của thổ dân Phần Lan như trong truyện cổ tích, trang trại tuần lộc và chó kéo xe cung cấp dịch vụ xe do tuần lộc và chó kéo. Ngó thấy có ngôi nhà đề là nhà của Santa, bèn đi vào, đến phòng của Santa, thấy một ông Santa bằng xương bằng thịt đang ngồi để du khách chụp ảnh cùng với cái giá 35 euro một tấm. Ông hỏi chuyện, biết từ Singapore sang bèn bảo đợi tý, rồi hý hoáy mở iPhone ra. Tưởng gì, hóa ra ông cho xem mấy cái ảnh chụp ông đang làm... Santa ở casino bên Singapore.

Hí hửng chụp với ông được một tấm ảnh, coi như thành tích trọn vẹn của chuyến đi. Nhưng khi ra đến ngoài rồi thì lại thấy một ngôi nhà, cũng đề là nhà của Santa, lại còn to và hoành tráng hơn. Rẽ vào thì thấy hàng người dài đang xếp hàng theo lối đi bài trí hệt trong sách vở với ngổn ngang các bưu kiện và phong thư từ khắp nơi trên thế giới gửi về cho ông già Santa. Dịch chuyển dần theo hàng người, đến trước bức tường dán ảnh chụp ông Santa với các nhân vật nổi tiếng trên thế giới, có cả ông Tập Cận Bình và... anh đầu bếp Michelin kia thì mới biết đây là ông Santa... xịn!

Lâu đài phủ đầy tuyết ở Helsinki, Phần Lan. Ảnh: Getty Image

Ở chơi Lapland đôi ba ngày, ngày đi trượt tuyết, tối về nhà nghỉ, có sauna luôn trong phòng, dù căn nhà không rộng rãi gì mới biết tình yêu với sauna của người Phần Lan quả là không có biên giới. Đến đêm thứ ba, sau khi quyết ngồi phơi sương và tuyết đến 12 giờ đêm ở bên bờ một cái hồ đóng băng lạnh run người vì trời âm mười mấy độ để đợi xem ánh cực quang, “đặc sản” của Phần Lan, trở về nhà nghỉ thì cậu con kêu mệt. Trước đó, kể từ hôm đầm mình ngoài vườn đầy tuyết với bạn, về khách sạn cậu ta đã bắt đầu ho và sổ mũi. Linh cảm không hay, bèn bắt cậu test nhanh Covid thì thấy hiện lên hai vạch. Bán tín bán nghi. Nhưng hôm sau vẫn phải về Helsinki theo lịch trình để có ít nhất một ngày đi test Covid và lấy giấy chứng nhận thì mới bay về Singapore được.

Gọi điện theo đường dây nóng Covid để xin hướng dẫn, nhưng mãi không được, chỉ thấy ò e với thông báo là tiếp tục đợi, hoặc không thì gọi số khẩn cấp. Bấm số gọi khẩn cấp thì vài lần mới gọi được, và chỉ loanh quanh hướng dẫn quay lại đường dây nóng Covid! Nghĩ bụng, bị tai nạn, bị sự cố khẩn cấp mà gọi được họ thì chắc đã lên thiên đường lâu rồi. Mãi đến hai tiếng sau, mới có người từ đường dây nóng Covid gọi lại (vì đã để lại số). Sau khi nghe tình hình về tự test Covid và dương tính, người ta nói là thôi, cứ ở trong khách sạn, không cần đến bác sĩ (và bác sĩ/bệnh viện cũng không nhận đâu), uống vitamin với paracetamol rồi... tự khỏi...

Tại Helsinki, dịch vụ test Covid kèm giấy chứng nhận kết quả được cung cấp bởi một số cơ sở, phổ biến nhất là tại các xe lưu động, với giá 99 euro cho test nhanh (ART) và 155 euro cho PCR, nhưng vẫn phải đăng ký trực tuyến và phải còn chỗ (đối với ART, còn với PCR thì chỉ việc ra xếp hàng). Finnair cũng có dịch vụ test ở sân bay, nhưng thử gọi điện đến thì báo là đã kín chỗ cho đến tháng 1 năm sau.

Đăng ký test PCR tại xe lưu động cho chắc ăn, đỡ âm tính thành dương tính như với kết quả test ở Việt Nam. Hôm sau, sau khi xếp hàng cả tiếng đồng hồ ngoài trời tuyết lạnh thì được vào ngoáy mũi. Rạng sáng hôm tiếp theo, đang ngủ thì thấy cuộc gọi đến từ Phần Lan, nhấc máy thì hóa ra là gọi từ nơi test Covid hôm trước. Giọng đàn ông trên máy báo rằng, rất không may, có người tên là thế này (cậu con), đã bị dương tính với Covid, và phải cách ly tại nơi ở hiện nay, đợi người của Cục Kiểm soát bệnh lây nhiễm liên lạc và hướng dẫn thêm.

Vốn đã bắt đầu có kinh nghiệm không hay với người Phần Lan về cái kiểu liên lạc qua lại như thế này, bèn hỏi luôn là “bao giờ thì cục này sẽ gọi tôi?”. Người trên điện thoại nói là cứ đợi đó, và nhớ là đừng có đi ra ngoài đường. Khi được bảo rằng chúng tôi là người nước ngoài đi du lịch đến đây, nay bị cách ly thì làm sao mà thu xếp ăn uống, và lo đủ thứ chuyện được nếu không ra ngoài, ông này bảo là thế thì phải đeo hai khẩu trang và đi găng tay...

Đợi thêm vài tiếng nữa cũng chẳng thấy có ai gọi đến, bèn đặt rồi chuyển ngay đến một căn hộ Airbnb vì xác định sẽ mắc lại ở đây cả tuần, cả tháng nữa. Và quả nhiên, đúng một tuần sau khi có kết quả dương tính cũng không thấy ai từ cái cục kia gọi lại. Nghĩ cái nước này hay thật, chẳng kiểm soát người dương tính gì, cứ để mặc người ta đi lại tự do. Mà nghĩ kỹ, họ không gọi là may. Nói dại, họ cứ gom tất cả F0 với F1 vào khu cách ly như Việt Nam thì... rắc rối.

Ngoài chuyện ăn ở, lại đến chuyện đổi vé máy bay. Gọi điện cho Finnair vài lần theo số hotline có trên mạng, mỗi lần cả nửa tiếng vẫn cứ báo bận. Tìm cách đổi vé trên mạng của Finnair thì nó lại thông báo mạng đang có sự cố. Buộc phải lóc cóc đi tàu hỏa ra sân bay cách đó nửa tiếng, đến quầy Finnair để “trần tình”. Nhân viên ở đó bảo là chỉ còn cách gọi số hotline của Finnair (?!). Cố gắng bình tĩnh bảo là gọi không được mới phải ra đây, yêu cầu cho gặp người có trách nhiệm. May là sau cùng thì cũng có một người ra và gọi điện đi đâu đó và đồng ý đổi vé.

Peter và chị vợ rất nhiệt tình, cứ động viên bảo, chỉ cậu con bị thì cứ để cậu con ở lại một mình trong căn hộ thuê, hàng ngày sẽ mang thức ăn đến đặt ngoài cửa. Tất nhiên là chỉ biết cám ơn bạn và nói là kiểu gì cũng phải ở lại với con.

Cũng may là ba hôm sau, cậu con test lại thì đã cho kết quả âm tính. Thế là lại vội vàng một lần nữa lại ra sân bay đổi vé máy bay để về sớm hơn. Đồng thời, lại phải một lần nữa đăng ký test Covid để lấy chứng nhận. Lúc viết bài này là hai ngày trước khi lên máy bay theo ngày giờ ghi trên vé, nhưng quả thật là vẫn không dám chắc là sẽ lên được máy bay để về Singapore không.

Cảm xúc thật sự lẫn lộn với cái đất nước phát triển, giàu có và đắt đỏ, với những con người xem ra lành tính, bặt thiệp, và lương thiện hơn hẳn những nước phương Tây khác, nhưng cũng không phải là không có chuyện này chuyện kia.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới