(KTSG Online) - Sáng nay (6-12), Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2024. Trong đó, chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,13% so với tháng trước còn sau 11 tháng, CPI tăng 3,69% so với cùng kỳ năm trước.
- Khánh thành Trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL sau hai năm xây dựng
- Gần 800 hộ dân Long Thành bốc thăm chọn đất tái định cư dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu
Trong 11 tháng năm 2024, chỉ số CPI đã tăng 3,69% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời lạm phát cơ bản cũng tăng 2,7%.
Tính riêng tháng 11, xu hướng tăng giá của điện, nhà ở và vật liệu xây dựng đã góp phần đẩy chỉ số CPI tăng 0,13% so với tháng trước, cao hơn 2,65% so với tháng 12-2023 và 2,77% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Cụ thể, chỉ số CPI tăng nhẹ chủ yếu do sự gia tăng của các nhóm hàng như nhà ở, điện nước, đồ uống và may mặc. Tuy nhiên, một số nhóm hàng khác như giao thông, hàng ăn và bưu chính, viễn thông lại giảm giá.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 11 ước đạt 562.000 tỉ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5,8 triệu tỉ đồng, tăng 8,8% .
Doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 4.48 triệu tỉ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng như lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình, may mặc và phương tiện đi lại đều ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, lần lượt là 10,8%, 5,9%, 8,1% và 7,4%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống trong 11 tháng đạt 669.000 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương như Khánh Hòa, Hải Phòng và Cần Thơ ghi nhận mức tăng cao, lần lượt là 17%, 13,2% và 12,6%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng vừa qua tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 2,3% so với tháng trước và 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy chủ yếu bởi các ngành chế biến, chế tạo (tăng 11,2%), cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (tăng 6,7%). Tuy nhiên, ngành khai khoáng lại ghi nhận mức giảm 9,8%.
Lũy kế 11 tháng năm 2024, chỉ số IIP tăng trưởng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 0,9% của năm trước. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào sự đóng góp lớn của ngành chế biến, chế tạo, tăng 9,7%, đóng góp 8,5 điểm phần trăm, ngành sản xuất và phân phối điện, tăng 10,2% và ngành cung cấp nước, tăng 9,6%.
Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm cũng đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt là các ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa, tăng 25,6%, sản xuất đồ gỗ, tăng 24,7% và sản xuất ô tô, tăng 18,3%.