Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cú hích Tết Nguyên đán chưa đủ để vực dậy niềm tin tại Trung Quốc

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trung Quốc đã khởi đầu năm Giáp Thìn một cách khá thuận lợi với sự gia tăng mạnh mẽ trong hoạt động chi tiêu tiêu dùng và du lịch trong kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, cú hích này liệu đã đủ để thúc đẩy niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế?

Cú hích chi tiêu dịp Tết Nguyên đán

Các dữ liệu chính thức được Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc công bố hôm Chủ nhật cho thấy, doanh thu du lịch tại Trung Quốc trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài tám ngày đã đạt mức 632,7 tỉ nhân dân tệ (tương đương 87,96 tỉ đô la), tăng 47,3% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 7,7% so với mức của năm 2019 - thời điểm trước khi diễn ra đại dịch Covid-19.

Hoạt động du lịch nội địa bùng nổ là động lực chính cho ngành du lịch Trung Quốc, với tổng cộng 474 triệu chuyến du lịch trong nước, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước, và tăng 19% so với mức trước đại dịch. Theo các nhà phân tích tại Goldman Sachs, việc kỳ nghỉ lễ năm nay “dài hơn so với mọi năm”, cũng “góp phần tạo ra lưu lượng hành khách cao kỷ lục và khuyến khích nhiều chuyến du lịch đường dài hơn”.

Hoạt động du lịch quốc tế cũng được cải thiện đáng kể, với tổng cộng 13,52 triệu chuyến đi trong kỳ nghỉ lễ, tăng gần ba lần so với cùng kỳ năm ngoái, và phục hồi khoảng 90% so với mức trước đại dịch. Theo trang đặt phòng Trip.com, các chuyến đi đến Singapore, Malaysia và Thái Lan trong kỳ nghỉ lễ đã tăng 30% so với năm 2019. Singapore và Malaysia là những quốc gia đã gia hạn miễn thị thực du lịch cho hầu hết công dân Trung Quốc trong những tuần gần đây.

Bên cạnh đó, theo Cục Quản lý Điện ảnh Trung Quốc, xem phim đã trở thành một trong những hoạt động giải trí phổ biến nhất trong kỳ nghỉ lễ. Doanh thu phòng vé của nước này đã vượt 8 tỉ nhân dân tệ (1,11 tỉ đô la) trong tám ngày, đánh dấu mức cao kỷ lục mới.

Niềm tin tiêu dùng vẫn chưa được phục hồi một cách bền vững

Theo Reuters, các dữ liệu tích cực mới công bố có thể giúp các nhà hoạch định chính sách cảm thấy nhẹ nhõm hơn, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với rủi ro giảm phát trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng yếu. Tuy nhiên, tính bền vững của việc thúc đẩy du lịch, tiêu dùng vẫn chưa có gì chắc chắn.

Trả lời phỏng vấn Reuters, Qiu Jun, một giáo viên đến từ Thâm Quyến, người đã có chuyến đi năm đêm tới Macau, Trung Sơn và Chu Hải, cho biết nền kinh tế khó khăn khiến anh phải hạn chế hơn trong việc chi tiêu cho kỳ nghỉ năm mới. “Chúng tôi không mua quá nhiều đồ, và nói không với hàng xa xỉ”, anh Qiu Jun nói và cho biết thêm rằng trước đây anh cảm thấy “thoải mái hơn trong việc mua đồ và ăn uống”.

Đây cũng được coi là tình trạng chung của nhiều người tiêu dùng tại Trung Quốc. Các tính toán độc lập dựa trên dữ liệu được Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc công bố cho thấy, chi tiêu trung bình cho mỗi chuyến đi trong kỳ nghỉ lễ năm nay tại Trung Quốc chỉ đạt 1.335 nhân dân tệ. Con số này vẫn thấp hơn 9,5% so với mức 1.475 nhân dân tệ mỗi chuyến đi hồi năm 2019.

Ting Lu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura, cho biết trong một báo cáo hôm thứ Hai rằng dữ liệu về kỳ nghỉ lễ mới nhất cho thấy “có nhu cầu bị dồn nén đáng kể cần được giải phóng”. Nhưng ông cũng cảnh báo không nên quá lạc quan vào các số liệu chi tiêu mạnh mẽ, bởi “chúng ta cần tính đến mức cơ sở rất thấp của cùng kỳ năm ngoái, khi nền kinh tế dù mở cửa trở lại nhưng vẫn phải đối mặt với số ca lây nhiễm Covid-19 gia tăng mạnh mẽ trong tháng 12-2022 và tháng 1-2023”.

Cần hơn nữa các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ Trung Quốc

Theo các chuyên gia phân tích, chi tiêu cho du lịch hay xem phim ở mức kỷ lục là chưa đủ để xua tan những lo ngại về tăng trưởng trong năm nay. Các nhà phân tích của Nomura cho biết trong một ghi chú hôm thứ Hai: “Mặc dù chúng tôi thấy các dữ liệu mới công bố có phần mạnh mẽ, nhưng các nhà đầu tư vẫn nên thận trọng. Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm cho rằng, sự giảm tốc của nền kinh tế có thể trở nên trầm trọng hơn trong mùa xuân”.

Mối quan tâm lớn nhất đang đổ dồn vào lĩnh vực bất động sản. Sự suy yếu nghiêm trọng của lĩnh vực chiếm tới 30% tổng sản phẩm quốc nội và 70% tài sản hộ gia đình, đã giáng một đòn mạnh vào niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc trong suốt thời gian qua.

Theo dữ liệu mới nhất từ China Index Holdings, một công ty nghiên cứu bất động sản tư nhân hàng đầu, trong kỳ nghỉ lễ, doanh số bán nhà mới trung bình hàng ngày tại 25 thành phố lớn đã giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Frederic Neumann, chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC cho biết: “Những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản vẫn là lực cản chính đối với tăng trưởng kinh tế. Việc hoạt động xây dựng giảm sút đang đè nặng lên hoạt động đầu tư, gây tổn hại cho các ngành công nghiệp từ thép, thủy tinh và xi măng đến các nhà sản xuất thiết bị xây dựng, thợ sửa ống nước và kiến trúc sư. Đồng thời, giá bất động sản giảm là lực cản đối với chi tiêu của người tiêu dùng khi các hộ gia đình cảm thấy tài sản của họ giảm sút”.

Chuyên gia Neumann đánh giá, “Những trở ngại đối với tăng trưởng vẫn còn nghiêm trọng và sẽ cần nhiều hơn một đợt bùng nổ của ngành du lịch để tâm lý thị trường phục hồi. Các nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm thêm thông tin về các biện pháp kích thích để vực dậy tăng trưởng, đặc biệt là những giải pháp ổn định lĩnh vực nhà ở”.

Trong một tuyên bố mới nhất tại Quốc vụ viện, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng đã lên tiếng kêu gọi giới chức nước này cần “nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy niềm tin và kỳ vọng của quốc gia vào nền kinh tế, đồng thời đảm bảo việc hoạch định và thực thi chính sách nhất quán và ổn định”. Ông đồng thời cũng nhấn mạnh mối lo ngại của Chính phủ về những khó khăn trong phục hồi kinh tế và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán.

Hôm Chủ nhật vừa qua (18-12), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã quyết định giữ nguyên lãi suất nhằm “duy trì tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng ở mức hợp lý” để hỗ trợ nền kinh tế. PBoC cam kết sẽ giữ chính sách linh hoạt nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước, đồng thời vẫn duy trì sự ổn định về giá.

Nguồn: CNBC, CNN Business, Reuters, Bloomberg, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới