Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cứ quyết định vào phút chót thì khó ‘sống chung với dịch’

Minh Duy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - "Có gì cụ thể về kế hoạch mở cửa của TPHCM sau ngày 30-9 không? Tôi định dừng bán đồ ăn để mở lại văn phòng nhưng chưa dám vì không có thông tin chắc chắn", một doanh nhân hỏi người viết.

Chị là chủ một doanh nghiệp du lịch nhỏ, vừa mới vào thương trường không được bao lâu thì Covid-19 ập đến.

Dù rất khó khăn nhưng doanh nhân này vẫn gồng gánh trả lương cho gần chục nhân viên đến hết tháng 6 vừa rồi, nhưng sau đó thì "thân ai nấy lo" vì việc kinh doanh đóng băng hoàn toàn, văn phòng buộc phải đóng cửa.

Chị xoay xở tìm nguồn thực phẩm, các loại bánh mì, bánh cuốn... bán cho người dân trong chung cư đang ở để có thêm chút đỉnh trang trải cuộc sống hàng ngày và trả "tiền bank".

"Mới mở công ty riêng chừng 3 năm thì gần 2 năm dịch nên phải vay mượn nhiều, còn một chút dự trữ mà lại lấy để trả lãi ngân hàng thì chẳng còn đồng nào để quay lại", chị nói và cho biết phải tranh thủ giờ nghỉ trưa để trò chuyện vì cả ngày phải "chốt đơn", nhận hàng, lấy hàng và đi giao trong chung cư.

Cũng như nhiều người khác, doanh nhân này khao khát trở lại thương trường nhưng lại đang gặp nhiều rào cản và thiếu đủ thứ, đặc biệt là thiếu thông tin.

"Sát ngày rồi mà chẳng có lộ trình cụ thể nào được công bố chính thức nên tôi phải chắp vá thông tin của từng ngành, từng địa phương để đoán coi là sẽ được hoạt động ra sao, mở cửa đến đâu", chị nói.

Doanh nhân này kinh doanh du lịch nên quan tâm đến lộ trình mở cửa dịch vụ, kết nối đi lại giữa các địa phương, nối chuyến bay nội địa, nhưng không nơi nào cung cấp được thông tin cụ thể.

TPHCM nói là sẽ thí điểm nối lại du lịch ở Cần Giờ, Củ Chi nhưng lại chưa có thông tin về việc những dịch vụ phục vụ cho du khách như nhà hàng, giải trí, điểm dừng chân, khách sạn... sẽ được mở lại theo mốc thời gian nào.

Nhiều địa phương công bố kế hoạch kích cầu du lịch nội địa, đón khách từ vùng an toàn nhưng kế hoạch kết nối đi lại liên tỉnh, nối đường bay nội địa để đưa khách đến thì vẫn chưa có.

Tối qua, một doanh nhân bị kẹt lại ở Bà Rịa - Vũng Tàu từ hồi TPHCM thắt chặt giãn cách xã hội gọi điện hỏi cách để "về Sài Gòn".

Hay tin TPHCM tính mở cửa vào 1-10 tới bà định về mở lại cửa văn phòng, gọi nhân viên làm việc nhằm chuẩn bị đưa khách quốc tế đến Phú Quốc vào tháng 11 tới nhưng không biết cách nào để quay lại dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19.

Đọc tin thì thấy có vẻ như chắc chắc là thành phố sẽ mở cửa vào ngày 1-10 nhưng lại không có thông tin về việc người kẹt ở tỉnh, thành khác sẽ về như thế nào, mốc thời gian ra sao.

Sau bốn lần bùng dịch, đặc biệt là đợt dịch khủng khiếp lần thứ tư này, người làm ăn như "con chim gặp phải cành cong", sợ mất hết những gì còn lại nên không ai dám mạo hiểm lên kế hoạch nếu như chỉ có những thông tin như dự kiến, khoảng chừng...

Tuy nhiên, nếu cứ chờ đến khi cơ quan quản lý công bố thông tin chính thức thì lại không kịp trở tay vì cứ đến giờ chót mới có.

Chưa kể, doanh nghiệp thường xuyên thiếu thông tin về các kế hoạch ứng phó với các tình huống dịch để có thể chuẩn bị cho... kế hoạch B.

Có thể nói, với chủng Delta, rất khó để người quản lý có thể biết chắc chắn là dịch bệnh có thể đi đến đâu. Tuy nhiên, cơ quan quản lý có thể dựa vào kinh nghiệm của gần 2 năm chống dịch để tính toán các kịch bản có thể xảy ra.

Chẳng hạn, căn cứ vào năng lực điều trị của ngành y tế, cơ quan quản lý có thể tính các kế hoạch A, B, C dựa vào số ca nhiễm, số người bệnh nặng và khu vực lây nhiễm.

Số ca nhiễm khoảng bao nhiêu, số người bệnh nặng cỡ nào và xảy ra ở đâu thì dịch vụ nào phải đóng, dịch vụ nào được hoạt động, khu vực nào sẽ tạm thời khóa, đến cỡ nào thì được mở lại...

Có những kịch bản này, doanh nghiệp có thể nhìn vào tình hình dịch bệnh để quyết định quay lại hay không và sẽ đóng, mở những khâu nào, tránh tình trạng "chết đứng" vì các quyết định ngăn dịch cứ thay đổi liên tục. Đây cũng là cách để sống chung an toàn với virus gây dịch Covid-19.

1 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết thực sự mô tả đúng vấn đề lấn cấn nhất của hiện tại. Con chim muốn cất cánh nhưng rất là sợ cành cong vì trải qua nhiều tràn gồng quá phải thận trọng bảo toàn cơ hội nguồn vốn . Rất mong chờ 1 hoạch định vĩ mô có sự tính toán của ban nghành với mục tiêu và phương án A, B…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới