Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cử tri, người dân kiến nghị những vấn đề nào đến Quốc hội

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Một số vấn đề về số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động đang tăng; giá các mặt hàng thiết yếu vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng; tình trạng thiếu một số vật tư, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh đang được các cử tri và người dân quan tâm, gửi kiến nghị đến Quốc hội.

Chính sách tiền lương mới từ 1-7-2024 đang là một trong những vấn đề được người dân quan tâm, gửi kiến nghị đến Quốc hội. Ảnh: LÊ VŨ

TTXVN đưa tin, ngày 20-5, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và người dân gửi tới kỳ họp.

Giá các mặt hàng thiết yếu cao trong khi tiền lương chưa tăng

Báo cáo nêu rõ, trong quí 1-2024, tổng sản phẩm trong nước tăng trên 5,6% so với cùng kỳ năm 2023, là năm đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Các cân đối lớn được đảm bảo. Các công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, điện được đẩy nhanh tiến độ; thu ngân sách vượt kế hoạch...

Tuy nhiên, cử tri và người dân còn lo lắng về số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động chưa giảm. Cả nước còn tình trạng người lao động bị giãn việc, cắt việc, rút bảo hiểm xã hội một lần tăng; giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá điện, vé máy bay tiếp tục tăng. Đặc biệt là giá các mặt hàng thiết yếu vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng. Điều này làm ảnh hưởng đến đời sống của những người làm công, ăn lương và lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định.

Tình trạng thiếu vật tư, thuốc phục vụ khám chữa bệnh

Đối với ngành y tế, tình trạng thiếu một số vật tư, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh là vấn đề đang được quan tâm. Bên cạnh đó là chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở còn thấp. Nhiều nơi còn tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương. Danh mục thuốc bảo hiểm y tế còn bất cập, chưa thực sự là nguồn đảm bảo chính cho người dân khi đi khám, chữa bệnh.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, cử tri và người dân còn lo lắng khi nhu cầu của học sinh học ở các trường công cao nhưng khả năng đáp ứng còn hạn chế. Việc dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu tạo việc làm cho người lao động...

Về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cử tri và người dân cho rằng, vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về an ninh trên không gian mạng. Những vụ việc về tai nạn giao thông, tai nạn lao động làm chết, bị thương nhiều người còn tái diễn.

Gỡ khó để hạn chế tình trạng doanh nghiệp rời khỏi thị trường

Theo báo cáo này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; sớm giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sinh kế, an sinh xã hội... Cùng với đó là cần tiếp tục tháo gỡ các khó khăn để hạn chế tình trạng doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

Báo cáo cũng có kiến nghị tiến hành tổng rà soát, tập hợp các kiến nghị của người dân ở các khu chung cư trong toàn quốc để nghiên cứu, giải quyết tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư, ban quản lý đang xảy ra khá phổ biến; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng rà soát các văn bản hướng dẫn, các điều kiện “cần và đủ” để triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1-7-2024.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới