Thứ hai, 17/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

“Cửa” đã mở, nông thủy sản tìm được lối ra

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) Các địa phương đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cuối cùng cũng quyết định mở cửa trở lại, chấm dứt cảnh nơi thuận, nơi cấm lưu thông do áp dụng các biện pháp phòng dịch khác nhau trong những tuần đầu tháng 10. Quyết định này đã giúp khơi thông dòng hàng hóa nông thủy hải sản vốn đã bị tắc nghẽn nhiều tháng qua vì dịch Covid-19.

Nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh

Từ ngày 1-10-2021 đến nay, lần lượt các địa phương ở ĐBSCL đã “nới lỏng” các biện pháp giãn cách xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, khôi phục sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp.

Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128, việc nới lỏng này của các địa phương càng diễn ra mạnh mẽ hơn. Trong đó, việc di chuyển giữa các tỉnh vùng ĐBSCL đã được thông suốt mà không bị “hành” bằng hàng loạt thủ tục như trước.

Các tỉnh ĐBSCL - liền lạc một dòng sông

Ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biết tỉnh không chỉ định xét nghiệm đối với việc di chuyển ở địa bàn có cấp độ dịch 1 và 2. Điều này có nghĩa, người dân từ các địa phương còn lại ở ĐBSCL đều có thể vào được Cần Thơ, bởi cấp độ dịch cao nhất của những địa phương trong vùng là cấp 2.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bé Mười, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết người ở địa phương có cấp độ dịch 1 và 2 theo quyết định của Bộ Y tế đều được vào Bến Tre nhưng phải thực hiện quy định 5K.

Tương tự, tỉnh Tiền Giang nay không yêu cầu người từ địa bàn có cấp độ dịch 1 và 2 đến Tiền Giang phải xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Còn

tỉnh Hậu Giang cũng đã có quyết định chấm dứt hoạt động 12 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa ngõ trọng điểm trên địa bàn tỉnh này, cho phép người dân được tự do ra vào tỉnh.

Thậm chí, ngay cả địa phương nổi tiếng “cứng rắn” trong phòng, chống dịch Covid-19 là An Giang khi từng yêu cầu người có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực vẫn phải thực hiện xét nghiệm lại khi vào địa phương, thì cũng đã “nới lỏng” cho đi lại bình thường với người từ địa phương có cấp độ dịch 1 và 2.

Trao đổi với KTSG, ông Lê Văn Vẹn, Công ty TNHH Sang Thùy (Cần Thơ) - đơn vị thường xuyên vận chuyển hàng hóa từ Cần Thơ qua Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An đến TPHCM - xác nhận việc vận chuyển hàng hóa hiện nay đã thông thoáng hơn rất nhiều so với trước khi nới lỏng giãn cách xã hội.

“Trước đây, họ (các địa phương) yêu cầu giấy tờ rắc rối lắm, nào là giấy test âm tính, giấy đi đường của đơn vị công tác, giấy của sở công thương cấp, hóa đơn hàng hóa chở, đăng ký tuyến đường. Nhưng, hiện giờ đã thoáng hơn rất nhiều, hầu hết các chốt kiểm dịch đã được tháo dỡ”, ông Vẹn cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, cho rằng việc bỏ yêu cầu phải cách ly 14 ngày và cả giấy xét nghiệm khi thương lái di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác (địa phương có cấp độ dịch 1 và 2 - PV) đã giúp tháo gỡ được “nút thắt” trong thu gom nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng cho nông dân vùng ĐBSCL. “Đây là việc làm rất cần thiết và rất đáng ghi nhận của các địa phương trong vùng”, ông nhấn mạnh.

“Vận chuyển hàng hóa lên TPHCM xuất khẩu đã bình thường lại rồi, toàn bộ xe, sà lan đều có luồng xanh là đi được hết”, ông Thành nói và cho rằng, việc mở luồng xanh hiện nay cũng chỉ mất 5-10 phút là được duyệt.

Ông Thành cho biết thêm, một số cảng ở TPHCM nếu trước đó phải đóng cửa, không đóng hàng xuất khẩu vì dịch bệnh, thiếu công nhân lao động do phải thực hiện việc giãn cách, cách ly, thì hiện nay cũng đã khôi phục hoạt động trở lại. “Nhưng cái khó là giá thuê container chưa giảm, cước vận chuyển tăng cao khiến giá thành khó cạnh tranh so với đối thủ”, ông nói.

Nông sản hết tồn đọng, giá tăng trở lại

Sau khi các địa phương nối thông trở lại, việc di chuyển trong mua bán đã thuận lợi hơn, thì tình hình tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL cũng đã khởi sắc trở lại, khách hàng quốc tế mua hàng nhiều hơn. “Mặt khác, doanh nghiệp, nhà kho cũng đã mở cửa thu mua trở lại, từ đó, giúp giá lúa trong dân hiện cũng tăng trở lại 700-800 đồng/ký, thậm chí 1.000 đồng/ký trong hơn nửa tháng nay”, ông Thành cho biết và dự báo, vụ lúa thu đông 2021 bắt đầu thu hoạch sẽ thuận lợi hơn.

Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết cao điểm xuất khẩu đối với các mặt hàng trái cây là từ tháng 10-2021 đến tháng 3-2022, cho nên, việc các địa phương thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát huy được hết vai trò của mình, kể cả trong việc tổ chức thu mua hàng nông sản từ các vùng nguyên liệu cũng sẽ thuận lợi hơn.

Thực tế, theo bà con nông dân tại các địa phương vùng ĐBSCL như: Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long..., nếu như thời điểm tháng 7 và 8-2021 đã có hàng chục ngàn tấn nhãn của nông dân bị tồn đọng, giá (nhãn idol) xuống chỉ 6.500 -7.500 đồng/ký, thì hiện được thương lái và các vựa trái cây thu mua với mức giá 13.000-15.000 đồng/ký; nhãn xuồng cơm vàng có giá 15.000-16.000 đồng/ký so với 8.000-9.000 đồng/ký như trước đó.

Đối với tỉnh Đồng Tháp, nơi bị tồn đọng và giá các loại thủy sản nước ngọt giảm mạnh ở thời điểm giãn cách xã hội vào tháng 7-8, thì hiện việc mua bán của thương lái để giao cho các chợ đầu mối ở TPHCM cũng diễn ra nhộn nhịp trở lại.

Theo đó, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho thấy, tính đến giữa tháng 10-2021, cá sặc rằn có giá 35.000-37.000 đồng/ký so với mức trên dưới 20.000 đồng/ký hồi tháng 7 và 8; ếch có giá 23.000-26.000 đồng/ký so với mức 12.000-15.000 đồng/ký trước đó; cá lóc và cá điêu hồng hiện cũng tăng lên mức giá lần lượt là 40.000-43.000 đồng/ký và 34.000-36.000 đồng/ký…

Giá tôm nước lợ tại các tỉnh vùng ĐBSCL như: Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh cũng đã tăng mạnh trở lại sau khi các địa phương này “nới lỏng” việc di chuyển. Chẳng hạn, tôm sú loại 40 con/ký thời điểm giữa tháng 8-2021 có giá 130.000-140.000 đồng/ký, thì hiện đã vọt lên mức 155.000-165.000 đồng/ký.

Rõ ràng, việc nới lỏng trong việc đi lại, lưu thông của các địa phương khu vực ĐBSCL đã giúp việc tiêu thụ nông, thủy sản ở khu vực này được cải thiện, qua đó, cũng giúp giá bán tăng mạnh trở lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới