(KTSG Online) – Tôi thả bộ quanh khuôn viên một khu du lịch lớn ở đảo Phú Quốc và thầm khâm phục chủ đầu tư đã rất tinh ý khi trồng rất nhiều bụi sim ven đường. Cây sim khá nổi tiếng ở Phú Quốc, ai đến đây cũng muốn mua các sản vật liên quan tới sim, như trái sim, rượu sim, check-in với hoa sim…
Có lẽ kiến thức của tôi về họ nhà cây sim, cây mua kha khá nên tôi nhanh miệng giới thiệu cho con gái của mình về hoa sim tím của rừng núi quê tôi, trái sim rừng ngọt lịm mà lũ trẻ chúng tôi ngày xưa hay lên núi hái trái ăn ngay tại chỗ… Có thể nhìn thấy khu du lịch, vui chơi trồng quá nhiều sim nên tôi khen nức nở với con mình rằng ông chủ khu này đã rất tâm lý với du khách.
Thấy một công nhân đang tưới nước cho những bụi sim cao chừng 2-3 mét, tôi hỏi: “Mình chiết cành, nhân vô tính trồng hay sao mà nhiều vậy?”. “Bứng trên núi về trồng đó anh”, tôi sững sờ khi nghe câu trả lời và cũng thấy mình đã hố khi có quá nhiều lời khen với con gái.
Đảo một vòng khu du lịch, tôi đoan chắc có cả ngàn bụi sim và Phú Quốc đâu chỉ có khu du lịch này trồng sim, vậy là có khi họ lên rừng núi đào sạch sim rồi chăng?
Họ nhà sim, mua thật ra không khó trồng; cây mua có thể sống ở đất ướt, nhão, ven kênh mương, cây sim có thể mọc khắp nơi ở phía Nam, kể cả đồi núi đầy sỏi đá khô cằn. Nhân giống sim không khó, bằng hạt thì hơi lâu nhưng với công nghệ trồng trọt hiện nay có thể nhân giống bằng chiết cành, nhân giống vô tính có thể từ một vài bụi sim “bố mẹ” cho ra hàng chục, hàng trăm (chiết ghép) và hàng vạn, hàng triệu cây sim con (nhân vô tính). Vậy mà để làm đẹp lòng du khách, các nhà đầu tư khu du lịch đã chọn các đơn giản nhất là đào bứng trên núi rừng về trồng cho nhanh.
Mà đâu chỉ sim. Khi du lịch phát triển, hàng loạt resort mọc lên thì với nhu cầu cây làm cảnh quan cho “đẹp mắt” du khách, không ít resort chọn cách đơn giản nhất là thu mua cây rừng, vô tình đã tiếp tay cho phá rừng, tàn phá môi trường sinh thái.
Quê tôi ở một tỉnh duyên hải miền Trung, đầu những năm 2000, khi các resort mọc lên ven biển hay trên các đảo nhỏ, cũng là lúc tôi về quê, những cây dúi cổ thụ, cây lộc vừng ven rừng, ven đường thường tạo bóng mát cho người đi làm đồng, đi làm rẫy bị đào bứng với giá bán hàng chục, hàng trăm triệu đồng mà địa chỉ của nó chính là các resort, theo lời người dân. Khi đến các resort, tôi biết người dân đã nói không ngoa chút nào.
Hay như cây vạn tuế, thiên tuế cổ thụ, thế đẹp mắt, mọc hoang dã ở rừng núi hay được trồng trước các đền chùa, miếu mạo cũng có lúc “ăn hàng” theo phong trào, bị đào bới khắp nơi mà điểm đến là các khu du lịch mới mọc lên.
Mới đây, khi đến một điểm du lịch chuyên check-in ở ngoại ô Đà Lạt, tôi ngỡ ngàng trước những hàng cây hoa mua tím rịm mà không hiểu ông chủ kiếm đâu ra. Nhưng khi đến giữa vườn hoa, tôi lặng người khi nhìn thấy cây hoa mua cổ thụ mới trồng trong ô đất, có gốc to bằng bắp đùi người lớn rất hiếm gặp trong tự nhiên, tôi biết bằng cách nào đó họ đã đào mang từ nơi khác tới.
Rất có thể các cây sim nhân giống trồng mất nhiều năm, không đẹp và đồng đều, không thành đồi sim tại các resort ở Phú Quốc. Nhưng, sẽ có ý nghĩa với du khách biết nhường nào nếu chủ đầu tư có thể treo tấm biển cho du khách biết đó là cây trồng do nhân giống nhân tạo, chiết ghép cành.
Tôi đành nói với con gái mình “giá như…”!
Ta đang ở thế ngược dòng. Rừng tự nhiên thì bị tàn phá nặng nề. Ngược lại, cây từ rừng, đồ gỗ đắt đỏ trang trí ở nhà/ biệt phủ/ resort… thì phát triển khắp nơi. Rừng trồng thì phát động ầm ĩ đầu năm, nhưng cuối năm thì không rõ có ai làm phước đứng ra kiểm đếm lại còn bao nhiêu cây sống sót ? Thực ra rừng không chỉ là hệ sinh thái mà còn là hệ sinh tồn. Nếu biết khai thác hợp lý để vừa tạo nguồn lợi kinh tế cho dân sinh, vừa nâng cao ý thức bảo vệ rừng thì rất tốt. Nhưng ngặt một nỗi, tham sân si còn quá nặng nề. Nhưng đừng ai quên rằng, ăn của rừng, rưng rưng nước mắt.