Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Cửa sáng’ cho xuất khẩu gạo đến năm 2024?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thị trường lúa gạo thời điểm hiện tại đã “giảm nhiệt” so với trước đó, nhưng doanh nghiệp vẫn lạc quan khi cho rằng cửa xuất khẩu của Việt Nam vẫn sáng đến năm 2024. Vậy, việc điều hành sản xuất cần triển khai như thế nào để tiếp tục gặt hái thành công?

Xuất khẩu gạo được dự báo vẫn "sáng cửa" đến năm 2024. Ảnh: Trung Chánh

Báo cáo thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá chào xuất khẩu gạo đối với chủng loại 5% tấm của Việt Nam đã giảm 30 đô la Mỹ/tấn so với thời điểm cuối tháng 8-2023, xuống mức giá chỉ còn 613-617 đô la Mỹ/tấn. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, thực tế giá “khớp lệnh” mua bán hiện chưa đến 600 đô la Mỹ/tấn.

Dù thị trường “hạ nhiệt”, nhưng doanh nghiệp vẫn lạc quan khi đưa ra dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm, thậm chí sang năm 2024 sẽ tiếp tục “sáng cửa”.

Chiếm lĩnh thị trường nhờ đi đúng hướng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 9 tháng đâu năm nay xuất khẩu gạo Việt Nam đạt khoảng 6,6 triệu tấn, với trị giá xuất khẩu đạt 3,66 tỉ đô la Mỹ. Đây là con số cao kỷ lục của ngành lúa gạo Việt Nam khi xét về mặt giá trị (cả năm ngoái Việt Nam xuất khẩu 7,1 triệu tấn với trị giá đạt 3,5 tỉ đô la Mỹ - PV).

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA cũng khẳng định, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ vượt qua con số của năm 2022 khi xét về mặt khối lượng. “Tình huống xấu do ảnh hưởng của mưa bão, trong những tháng cuối năm, bình quân mỗi tháng cũng xuất khẩu được 400.000 tấn, tức đạt 1,2 triệu tấn cho 3 tháng cuối năm”, ông cho biết.

Như vậy, với kịch bản nêu trên, xuất khẩu gạo Việt Nam cả năm 2023 sẽ đạt con số 7,8 triệu tấn, tức vượt năm ngoái đến 700.000 tấn. “Sau khi cân đối sản lượng lúa gạo hàng hoá từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì xuất khẩu sẽ vượt so với 2022”, ông Nam tái nhấn mạnh.

Tại hội nghị triển khai sản xuất vụ đông xuân 2023-2024 diễn ra mới đây ở thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (ORICO) gọi kết quả xuất khẩu nêu trên là “điểm sáng” rất lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam. “Từ năm 2019 đến nay, chúng ta không còn phải giải cứu lúa gạo nữa”, ông nói.

Theo ông Việt Anh, để có được kết quả như hiện nay là nhờ định hướng dịch chuyển phân khúc sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, nhất là với Philippines- thị trường chiếm hơn 40% tỷ trọng trong tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

“Suốt từ đó (năm 2019) đến nay, hầu như chúng ta không đủ gạo để bán”, ông Việt Anh cho biết và dẫn chứng, từ chỗ Philippines mua gạo Việt Nam và Thái Lan với tỷ lệ 50-50 trong những năm 2015, thì hiện quốc gia này nhập gạo từ Việt Nam chiếm đến 80% tổng nhập khẩu của Philippines.

Điểm đặc biệt, đó là sau khi Philippines có chính sách “tư nhân hoá”, khối lượng nhập khẩu của quốc gia này đã tăng từ 1,8 triệu tấn (năm 2019) lên 3,6 triệu tấn vào năm ngoái, tức tăng gấp đôi sau 4 năm và xu hướng này vẫn đang tiếp diễn.

Quan trọng hơn, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam rất chuộng dòng sản phẩm nằm ở phân khúc “gạo chất lượng cao và thơm nhẹ”- một lợi thế khác biệt riêng có của Việt Nam. “Philippines ưa chuộng sản phẩm gạo mềm cơm, hương vị thơm nhẹ như giống OM 5451, OM 18, Đài Thơm 8…”, ông Việt Anh cho biết.

Theo chủ tịch VFA, thị trường Philippines đã quen ăn các chủng loại gạo do Việt Nam cung cấp là gạo chất lượng cao và thơm nhẹ, trong khi đây là phân khúc khác biệt của Việt Nam, tức nằm trên phân khúc gạo cấp thấp, nhưng nằm dưới phân khúc gạo thơm Hom Mali của Thái Lan nên có khả năng cạnh tranh rất tốt, nhất là về giá bán.

“Né” mặn, chọn giống chất lượng cao

Câu hỏi được đặt ra là việc điều hành sản xuất vụ đông xuân 2023-2024 của Việt Nam sẽ được triển khai ra sao để tiếp tục giành thắng lợi?

Theo gợi ý của ông Việt Anh, Việt Nam nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải tiếp tục đi theo hướng sản xuất lúa chất lượng cao và thơm nhẹ để đáp ứng nhu cầu thị trường. “Đây là phân khúc mà các sở, ban ngành nên tiếp tục có định hướng trong tương lai”, ông cho biết và gọi đây là phân khúc quý, không phải quốc gia nào cũng có được.

Ông Nam của VFA thì cho biết, muốn giành lấy thời cơ xuất khẩu gạo, ngoài định hướng chất lượng sản phẩm, thì chọn thời điểm xuống giống để đảm bảo an toàn về mặt sản xuất cũng là yếu tố quan trọng. “Nếu bắt đầu xuống giống từ đầu tháng 10-2023, thì trong tháng 1-2024 đã có gạo xuất, cũng khá thuận lợi”, ông cho biết.

Liên quan đến việc tổ chức sản xuất, sau khi căn cứ vào các yếu tố về lượng mưa, dòng chảy và dung tích hồ chứa ở khu vực thượng lưu, ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện khoa học thuỷ lợi miền Nam đưa ra dự báo, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ tương đương kỳ hạn mặn lịch sử đã xảy ra vào mùa khô năm 2015-2016.

“Dự báo tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 sẽ sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm, nhưng đến muộn hơn mùa khô 2015-2016 khoảng 7-10 ngày”, ông Hoằng nói và đưa ra dự báo, trong tháng 12-2023 xâm nhập mặn sẽ đi sâu vào nội đồng ở mức 25-30 km và đến tháng 1 và 2-2024 là 50-60 km, thậm chí lên đến 55-70 km nếu trường hợp các hồ chứa ở thương lưu hạn chế xả nước. Đến tháng 3-2024, xâm nhập mặn có thể giảm, nhưng ranh mặn vẫn ở mức khoảng 45-60 km.

Từ dự báo như trên, ông Hoằng đưa ra khuyến cáo, một số khu vực cần phải quan tâm, có giải pháp “né” hạn mặn với diện tích khoảng 66.000 héc ta. Trong đó, Long An khoảng 5.600 héc ta; Tiền Giang là 13.000 héc ta; Bến Tre khoảng 12.000 héc ta; Trà Vinh khoảng 15.000 héc ta… “Mưa năm nay kết thúc sớm nên khả năng bị thiếu nước vùng lúa tôm ở tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang với diện tích khoảng 38.000 héc ta”, ông cho biết.

Để ứng phó tình trạng nêu trên nhằm đảm bảo sản xuất thắng lợi ở vụ đông xuân 2023-2024, Cục trồng trọt cũng đã ban hành kế hoạch sản xuất đảm bảo “né” được hạn mặn.

Theo đó, đối với vùng có nguy cơ hạn cuối vụ ở các tỉnh ven biển của ĐBSCL như: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang sẽ xuống giống sớm, từ ngày 10 đến 30-10 với diện tích khoảng 375.000 héc ta, chiếm khoảng 26% diện tích vụ đông xuân 2023-2024 của toàn vùng.

Theo Cục trồng trọt, việc bố trí thời vụ (đối với khu vực ven biển- PV) và chủ động xuống giống sớm sẽ đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa và hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra.

Ngoài việc chủ động “né” mặn, Cục trồng trọt cũng định hướng ưu tiên các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, chủ lực là OM 5451, OM 18, Đài Thơm 8, Jasmine 85, nếp và các loại giống đặc sản như VD20, ST 24, ST25, RVT, Nàng Hoa….

Rõ ràng, với sự chủ động “né” mặn cũng như định hướng tiếp tục tập trung vào nhóm giống lúa đang có ưu thế trong xuất khẩu của Việt Nam, nhất là ở thị trường Philippines, thì tin rằng vụ đông xuân 2023-2024 tiếp tục thành công. “Với định hướng về cơ cấu giống và thời điểm gieo sạ của Cục trồng trọt, tôi tin rằng vụ đông xuân này sẽ thành công”, ông Nam cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới