Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cụm rạp chiếu phim MegaStar đổi thành CGV

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cụm rạp chiếu phim MegaStar đổi thành CGV

Hùng Lê

Cụm rạp chiếu phim MegaStar đổi thành CGV
Cụm rạp chiếu phim MegaStar ở Việt Nam đã chính thức được đổi thành cụm rạp CGV với nhiều đổi mới -Ảnh: Hùng Lê

(TBKTSG Online) – Cụm rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam và quen thuộc với giới trẻ ở các thành phố lớn trong cả nước với tên gọi MegaStar giờ đây sẽ chính thức không còn mang tên này nữa mà thay vào đó sẽ là cụm rạp CGV.

>>> MegaStar khai trương cụm rạp chiếu phim đầu tiên tại TPHCM

Tối ngày 15-1, CGV, chuỗi rạp chiếu phim thuộc Tập đoàn CJ Group của Hàn Quốc, đơn vị tiếp quản và điều hành hệ thống rạp chiếu phim MegaStar thông báo rằng, toàn bộ hệ thống rạp mang tên “MegaStar” đã được đổi thành CGV nhằm thống nhất thương hiệu hệ thống cụm rạp chiếu phim của công ty trên toàn cầu.

Tại Lễ ra mắt thương hiệu CGV được tổ chức ở cụm rạp vừa khánh thành CGV Celadon Tân Phú, Aeon Mall, TPHCM, ông Seo Jung, Tổng Giám đốc CJ CGV, đã tuyên bố về sự thay đổi này và đồng thời chia sẻ những trải nghiệm điện ảnh mới mà CGV sẽ cung cấp trong thời gian tới.

Được sáng lập vào năm 2005 bởi những nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài, MegaStar đã khai trương cụm rạp Megastar đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2006 và sau đó là tại TPHCM vào năm 2007. Công ty đã nhanh chóng chiếm lĩnh trên 50% thị phần và hiện tại đang là hệ thống có số lượng rạp và phòng chiếu lớn nhất Việt Nam tại 7 tỉnh thành với 13 cụm rạp chiếu phim.

CGV của tập đoàn CJ Group đã tiếp quản MegaStar vào năm 2011 và hiện đang thực hiện các kế hoạch đổi mới toàn diện và nâng tầm hệ thống rạp của mình. Mục tiêu của CGV tại Việt Nam là giữ vững thị phần dẫn đầu hiện tại và trở thành tổ hợp xem phim, giải trí số 1 ở Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu này, công ty cho biết sẽ mở rộng mạng lưới tại Việt Nam đạt 20 cụm rạp trong năm nay và sẽ tăng lên 30 cụm rạp đến năm 2017.

Theo lãnh đạo của cụm rạp CGV ở Việt Nam, thị trường chiếu phim trong năm 2008 chỉ đạt 6 triệu đô la Mỹ và đã tăng lên gấp 10 lần vào năm ngoái cho thấy thị trường tăng trưởng nhanh chóng và còn nhiều tiềm năng khi dân số 90 triệu người với độ tuổi rất trẻ.

“Cùng với việc thay đổi thương hiệu từ Megastar sang CGV, chúng tôi mong muốn đem lại trải nghiệm điện ảnh mới cho khán giả thông qua việc hình thành tổ hợp văn hóa cultureplex, một mô hình tiên tiến của rạp chiếu phim”. Ông Seo chia sẻ. Cultureplex là một điểm đến phục vụ các nhu cầu giải trí và mua sắm đa dạng của khán giả như xem phim (với nhiều sản phẩm và hình thức khác nhau), ẩm thực, mua sắm các sản phẩm liên quan đến văn hóa giải trí.

Bên cạnh đó, CGV cũng sẽ đầu tư sản xuất những bộ phim chất lượng cao, giới thiệu văn hóa và điện ảnh Việt Nam ra thế giới, đồng thời mang đến những trải nghiệm giải trí hàng đầu từ thế giới tới Việt Nam.

CGV Việt Nam cam kết mang đến những bộ phim hay nhất trên thế giới đến Việt Nam, bao gồm cả những bộ phim được chọn lọc kỹ của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, chương trình CGV Chọn (CGV Picks) tiếp tục khai thác những bộ phim đoạt giải từ các nước trên thế giới.

Giữa năm 2011, Tập đoàn CJ-CGV Hàn Quốc bỏ ra 73,6 triệu đô la Mỹ để trở thành nhà điều hành hệ thống rạp phim lớn nhất Việt Nam là MegaStar. Theo trang tin Film Business Asia khi đó, với số tiền 73,6 triệu đô la Mỹ này, CJ-CGV sẽ nắm giữ 92% cổ phần của Envoy Media Partners (đăng ký kinh doanh tại Virgin Island) vốn đang sở hữu 80% Công ty cổ phần truyền thông MegaStar (MegaStar). Số cổ phần còn lại của MegaStar thuộc về Tổng công ty Phương Nam ở Việt Nam.

Tại Hàn Quốc, CGV hiện đang nắm giữ thị phần lớn nhất với hơn 100 rạp chiếu và 1.000 phòng chiếu. CGV đã mở rộng sang các quốc gia khác như Mỹ, Trung Quốc, Indonesia và giờ đây là Việt Nam. CEO của CJ đã từng nói rằng ông muốn xây dựng một “CJ Thứ ba” tại Việt Nam sau khi đã thực hiện “CJ thứ nhất” rồi “CJ thứ hai” tại Hàn Quốc và Trung Quốc. CGV có mặt tại Việt Nam là một phần trong chiến lược lâu dài. CGV cũng coi Việt Nam là thị trường chiến lược, là trung tâm để từ đó CGV có thể vươn rộng ra các nước Đông Nam Á.

Hai rạp chiếu phim vừa mới khánh thành là CGV Celedon Tân Phú, TPHCM; CGV Hạ Long và sắp tới đây là CGV Cần Thơ được thiết kế và trang trí với hình ảnh đặc trưng của rạp CGV. CGV Vincom Bà Triệu, Hà Nội và CGV Hùng Vương, TP HCM đã được sửa lại và mang hình ảnh của CGV trong tháng 1 này. Các rạp còn lại sẽ dần được nâng cấp trong thời gian tới.

Tại lễ ra mắt, công ty cũng đã giới thiệu những công nghệ và sản phẩm xem phim mới nhất do chính CGV phát triển. Một trong số đó là công nghệ xem phim 4DX hiện đang phát triển với tốc độ nhanh trên thế giới. 4DX mang đến cho người xem cảm giác thật như đang “sống” trong phim thông qua các thiết bị và hiệu ứng đặc biệt như nước, gió, ghế rung, ánh sáng, mùi hương và hệ thống âm thanh hỗ trợ tối đa. 4DX hiện có mặt tại cụm rạp chiếu phim CGV Hùng Vương Plaza, TP.HCM là rạp sớm nhất tại Việt Nam giới thiệu công nghệ này. Ngoài ra, các cặp đôi sẽ rất thích thú với CGV Sweetbox, ghế đôi xem phim được thiết kế cho dành riêng cho các cặp tình nhân, nhằm mang lại cho họ những khoảnh khắc xem phim thoải mái và riêng tư nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới