(KTSG Online) - Nhiều nhà lãnh đạo của ngành công nghiệp dầu khí tin rằng, cơn bùng nổ trí tuệ nhân tạo sẽ thúc đẩy nhu cầu khí đốt tự nhiên sử dụng để sản xuất điện. Cơ sở cho niềm tin là các trung tâm dữ liệu, vốn cần thiết cho hoạt động huấn luyện và vận hành các mô hình AI cần dựa vào các nguồn năng lượng đáng tin cậy, có chi phí phải chăng như khí đốt.
- Nguồn cung điện toàn cầu trở thành điểm nghẽn của AI
- Sự trỗi dậy của AI đe dọa gây căng thẳng lưới điện ở Mỹ
‘Cơn sốt’ AI thắp lên niềm lạc quan về nhu cầu khí đốt
Nhiều nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn trên toàn cầu cho rằng, nhu cầu điện tăng vọt của các trung tâm dữ liệu, cung cấp năng lượng cho cuộc cách mạng AI sẽ mở ra một "kỷ nguyên vàng" cho khí đốt tự nhiên.
Theo đó, nhu cầu năng điện của ngành công nghiệp AI sẽ vượt xa năng lực mà năng lượng tái tạo và pin có thể cung cấp. Do vậy, vai trò của khí đốt ngày càng quan trọng ngay cả khi các chính phủ cam kết cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch này nhằm hạn chế khí thải làm nóng hành tinh.
“Cuộc cách mạng AI sẽ không thể thực hiện được nếu không có khí đốt”, Toby Rice, CEO của EQT, nhà sản xuất khí đốt lớn nhất Mỹ nói.
Rice nhấn mạnh, lĩnh vực công nghệ AI sẽ mang lại cơ hội lớn cho các nhà sản xuất dầu khí đá phiến, chẳng thua kém những gì ngành khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ nhận được trong những năm gần đây nhờ những khách hàng mới ở châu Âu tìm cách thay thế nguồn cung khí đốt của Nga.
“Chúng ta đã có một thị trường mới nổi thực sự tuyệt vời đối với LNG. Tuy nhiên, có một thị trường mới nổi khác mà mọi người cũng đang hào hứng không kém, liên quan đến nhu cầu sử dụng khí đốt để sản xuất điện”, Rice nói.
Chính phủ Mỹ đã đưa ra các ưu đãi lớn cho các nhà phát triển năng lượng sạch nhằm nhanh chóng khử carbon trong lưới điện. Tuy nhiên, các lãnh đạo của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch cho rằng, với đặc tính không ổn định do phụ thuộc vào thời tiết, năng lượng tái tạo sẽ không thể là nguồn cung điện đáng tin cậy cho các trung tâm dữ liệu tiêu tốn nhiều năng lượng.
Theo Energy Capital Partners (ECP), một quỹ đầu tư tư nhân lớn của Mỹ, đang sở hữu tài sản năng lượng nhiên liệu xanh lẫn hóa thạch, việc mở rộng sản xuất điện bằng khí đốt sẽ rất quan trọng để bổ sung nguồn cung điện cho các trung tâm dữ liệu bên cạnh năng lượng tái tạo.
“Khí đốt là nguồn năng lượng tiết kiệm chi phí duy nhất có khả năng cung cấp loại năng lượng đáng tin cậy 24/7 mà các công ty công nghệ lớn cần để thúc đẩy cơn bùng nổ AI”, Doug Kimmelman, người sáng lập ECP nói.
Theo Colin Gruending, Phó Chủ tịch điều hành của Công ty đường ống Enbridge, cơn khát năng lượng của các trung tâm dữ liệu là tín hiệu tốt cho thị trường khí đốt.
“Năng lượng tái tạo không thể sản xuất liên tục nên sẽ không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện của các trung tâm dữ liệu”, Gruending nói.
Stanley Chapman, Phó Chủ tịch điều hành của TC Energy Corp., nhà điều hành đường ống dẫn khí đốt tự nhiên lớn nhất ở Bắc Mỹ, dự báo nhu cầu điện khí của các các trung tâm dữ liệu ở Mỹ tăng lên tới 8 tỉ feet khối mỗi ngày vào năm 2030. Con số này tương đương với 21% nhu cầu khí đốt sản xuất điện của Mỹ hiện nay.
"Big Tech"cam kết thúc đẩy AI bằng năng lượng xanh
Quan điểm lạc quan của các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch ở Mỹ xuất hiện trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên suy yếu. Quan điểm này tương phản với cam kết của các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ (Big Tech) nhằm cắt giảm lượng khí thải nhà kính và thúc đẩy cuộc cách mạng AI bằng năng lượng xanh thay vì nhiên liệu hóa thạch.
Các nhà khoa học khí hậu cảnh báo, việc mở rộng cơ sở hạ tầng khí đốt có nguy cơ làm suy yếu nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng của các trung tâm dữ liệu đang tăng vọt. Chỉ riêng Microsoft đang khai trương một trung tâm dữ liệu mới trên toàn cầu cứ sau 3 ngày.
Theo S&P Global Commodity Insights, đến năm 2035, các trung tâm dữ liệu trên toàn cầu sẽ tiêu thụ hơn 480 TWh điện, tương đương gần 10% tổng nhu cầu điện của Mỹ. Tỷ lệ này tăng từ mức 4,5% dự kiến vào năm 2025.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính, nhu cầu điện của các trung tâm dữ liệu trên toàn cầu có thể lên tới 1.000 TWh vào năm 2026. Đây là con số tăng gấp đôi mức năm 2022 và tương đương tổng nhu cầu điện của Đức.
Theo Dominion Energy, công ty cung cấp điện cho khu vực trung tâm dữ liệu đang phát triển nhanh chóng ở bang Virginia, cho đến thời điểm năng lượng sạch có thể cung cấp liên tục, điện khí sẽ là sự lựa chọn “đáng tin cậy với giá cả phải chăng nhất”.
Sản xuất điện bằng khí đốt chiếm hơn 40% nhu cầu điện của Mỹ, cao hơn nhiều so với các loại nhiên liệu khác. Nguồn cung khí đốt đá phiến giá rẻ đã giúp giảm tỷ trọng sản xuất điện của than bẩn ở Mỹ trong thập niên qua. 20 nhà máy điện khí mới dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024 và 2025 để đáp ứng nhu cầu năng lượng của Mỹ.
Các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thách lên hoạch tận dụng nhu cầu năng lượng của Big Tech ngay cả khi các công ty như Google và Microsoft đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là chỉ sử dụng điện xanh để cung cấp năng lượng cho hoạt động của họ trong những năm tới.
Các nhà phân tích cảnh báo, nếu các Big Tech bám sát mục tiêu này, đó sẽ là mối đe dọa cho triển vọng lạc quan về khí đốt của các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
“Hầu hết sự tăng trưởng nhu cầu mới sẽ được đáp ứng bởi các nguồn năng lượng không có carbon”, Xizhou Zhou, người đứng đầu bộ phận năng lượng tái tạo tại S&P Global nói và dự báo sản xuất điện bằng khí đốt sẽ giảm vào cuối thập niên này trong khi việc sản xuất năng lượng xanh sẽ tăng vọt.
Peter Herweck, CEO của Schneider Electric, nhà cung cấp dịch vụ quản lý năng lượng của Đức, hoài nghi về việc khí đốt hưởng lợi lớn như tuyên bố của như các công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Theo ông, nhiều công ty dầu khí cho rằng nhiên liệu hóa thạch là cách duy nhất để có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng trong kỷ nguyên AI. Tuy nhiên, đa số khách hàng của các trung tâm dữ liệu đã cam kết mục tiêu đưa lượng phát ròng carbon về zero (Net-Zero) nên sẽ yêu cầu các trung tâm này sử dụng năng lượng tái tạo.
Theo Financial Times, Bloomberg