(KTSG Online) - Nhập khẩu thiết bị bán dẫn của Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục trước khi Hà Lan và Nhật Bản, hai đồng minh của Mỹ thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu.
- Mỹ sẽ gia hạn thêm một năm các điều kiện miễn trừ xuất khẩu chip sang Trung Quốc
- Trung Quốc nới lỏng trợ cấp cho các hãng chip để ứng phó Mỹ
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu công cụ sản xuất chip của nước này trong tháng 6 và tháng 7 đạt tổng cộng gần 5 tỉ đô la, tăng 70% so với 2,9 tỉ đô la vào cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết hàng nhập khẩu đến từ Hà Lan và Nhật Bản, hai nước đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với công cụ sản xuất chip sau khi họ hợp tác với Mỹ để kìm hãm tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.
Các hạn chế đòi hỏi khách hàng ở Trung Quốc muốn mua một số công cụ sản xuất chip từ Hà Lan và Nhật Bản phải xin giấy phép từ chính phủ của hai nước này. Nhật Bản bắt đầu thực thi các hạn chế của mình vào ngày 23-7, và Hà Lan sẽ hành động tương tự bắt đầu từ ngày 1-9.
Dù không rõ mức tăng cụ thể về giá trị nhập khẩu liên quan đến các công cụ sản xuất chip bị hạn chế xuất khẩu nhưng hành động mua gấp rút cho thấy Trung Quốc muốn tránh bất kỳ sự gián đoạn nào đối với kế hoạch mở rộng sản xuất chip trong nước.
Với các công cụ mới nhập khẩu, các công ty Trung Quốc đang cố gắng tăng cường sản xuất các loại chip kém tiên tiến hơn, không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế của phương Tây.
“Đây là một trong những phản ứng của Trung Quốc trước các hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản và Hà Lan. Trung Quốc đã tăng lượng tồn kho thiết bị bán dẫn thông qua dự trữ trước để giảm bớt những tắc nghẽn tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng”, Lucy Chen, Phó chủ tịch hãng nghiên cứu Isaiah Research có trụ sở tại Đài Loan, nhận định
Các hãng sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc như Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC) và Yangtze Memory Technologies phụ thuộc vào công cụ từ Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản để sản xuất chip. Danh mục công cụ bán dẫn nhập khẩu trong dữ liệu hải quan Trung Quốc bao gồm các thiết bị như máy in thạch bản và máy khắc để sản xuất chip.
Các nguồn tin trong chuỗi cung ứng bán dẫn cho hay, hoạt động nhập khẩu công cụ sản xuất chip của Hà Lan của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong tháng 6 và tháng 7 so với tháng 5 sau khi ASML của Hà Lan tăng cường giao máy in thạch bản cho các khách hàng Trung Quốc. ASML là một trong những cung cấp công cụ sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Tháng trước, ông Peter Wennink, CEO của ASML, cho biết khách hàng Trung Quốc có nhu cầu mạnh mẽ về các công cụ để tạo ra những con chip kém tiên tiến hơn.
Nhập khẩu công cụ sản xuất chip của Trung Quốc từ Nhật Bản cũng tăng lên. Một số công ty Trung Quốc bắt đầu mua thiết bị khắc và máy phủ tấm wafer (miếng silicon mỏng làm nền để sản xuất vi mạch tích hợp) từ các công ty Nhật Bản sau khi Mỹ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu công cụ sản xuất chip vào năm 2020.
Theo các nguồn thạo tin, số máy móc sản xuất bán dẫn được nhập khẩu trong những tháng gần đây đã được chuyển đến các xưởng đúc chip nhỏ mới thành lập và được chính quyền địa phương ở Trung Quốc hỗ trợ.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc cũng tăng cường mua công cụ sản xuất chip từ Singapore và Đài Loan.
Theo hãng nghiên cứu thị trường công nghệ Counterpoint, số lô hàng từ 5 nhà cung cấp công cụ sản xuất chip hàng đầu sang Trung Quốc tăng 30% trong quí 2 năm nay.
“Đầu tư của Trung Quốc tập trung vào các nhà máy chip chiến lược nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước”,Ashwath Rao, nhà phân tích cấp cao của Counterpoint, nói.
Ông cho biết thêm, Trung Quốc đang sản xuất chip để sử dụng trong xe điện, chuyển đổi năng lượng xanh và các ứng dụng công nghiệp, vốn chỉ yêu cầu các loại chip thế hệ cũ, không bị ảnh hưởng từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Hồi đầu tháng 8, Bloomberg đưa tin các quan chức Mỹ và châu Âu đang ngày càng lo ngại trước việc Trung Quốc tăng tốc sản xuất chip thế hệ cũ và giành quyền chi phối thị trường.
Tầm quan trọng của những con chip truyền thống đã phản ánh rõ qua những cú sốc về nguồn cung, khiến các công ty điêu đứng vào thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, bao gồm cả Apple và các nhà sản xuất ô tô.
Tình trạng thiếu chip khiến các doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm tỉ đô la Mỹ doanh thu. Các thành phần đơn giản, chẳng hạn như chip vi mạch quản lý năng lượng, rất cần thiết cho các sản phẩm như điện thoại thông minh và xe điện, cũng như các thiết bị quân sự như tên lửa và radar.
Mỹ và châu Âu đang nỗ lực trợ cấp để khuyến khích xây dựng các cơ sở sản xuất chip trong nước, giúp giảm sự phụ thuộc nguồn cung từ châu Á. Nhưng các nhà sản xuất của họ không muốn đầu tư vào các nhà máy sản xuất chip thế hệ cũ, có thể đặt họ vào thế cạnh tranh với các nhà máy chip ở Trung Quốc được trợ cấp nhiều.
Việc đẩy mạnh đầu tư cho phép các công ty Trung Quốc tiếp tục cung cấp hàng cho phương Tây, bất chấp căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Nhà vô địch sản xuất chip của Trung Quốc, Năm ngoái, 20% doanh thu của SMIC đến các khách hàng có trụ sở tại Mỹ bao gồm cả hãng chip Qualcomm.
Theo Financial Times
Mấy ông có tiền Việt Nam sao không đầu tư vào ngành này mà chỉ lo buôn bán đất ?