Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cuộc chơi giao hàng siêu nhanh chóng tàn

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các startup (công ty khởi nghiệp) giao hàng siêu nhanh trỗi dậy trong đại dịch Covid-19, nhưng giờ đây họ đang phải xoay xở tìm cách trụ lại trên thị trường khi đối mặt với triển vọng tăng trưởng kinh tế ảm đạm.

Đối mặt với triển vọng kinh doanh ảm đạm, hồi tháng 5, startup giao hàng nhanh Getir đã sa thải gần 4.500 nhân viên, và đang chuẩn bị sa thải đợt hai. Ảnh: Getty

Vào đầu tháng 3, sau khi hai startup giao hàng siêu nhanh, Fridge No More và Buyk dừng dịch vụ ở TP New York chỉ trong một tuần, một công ty tự xưng tiên phong trong lĩnh vực này đã xuất hiện để nắm cơ hội thu hút sự chú ý của giới truyền thông.

Getir, startup thành lập vào năm 2015 ở Thổ Nhĩ Kỳ và mở rộng hoạt động sang Mỹ vào tháng 11-2021, khẳng định đang “củng cố vị thế” ngay cả khi đối mặt với một thị trường đầy biến động, theo tuyên bố của một đại diện của startup này vào thời điểm đó. Hai tháng sau, Getir cắt giảm 14% lực lượng lao động toàn cầu, tương đương gần 4.500 nhân viên. Công ty này gần đây đã huy động được 768 triệu đô la vốn đầu tư dựa trên mức định giá lên đến 11,8 tỉ đô la.

Getir cam kết giao hàng trong 30 phút nhưng bây giờ công ty đang đối mặt với khó khăn tài chính. Triển vọng kinh doanh thay đổi đột ngột phản ánh sự bất ổn trong lĩnh vực này. Được thúc đẩy bởi hàng tỉ đô la đầu tư mạo hiểm và nhu cầu tăng vọt trong thời kỳ dịch, một danh sách dài các startup xuất hiện với cam kết cung cấp kem, giấy vệ sinh, rượu vodka hoặc thậm chí một quả táo trong vòng 10 phút. Các startup này đã mở văn phòng và trung tâm hoàn thiện đơn hàng nhỏ ở các thành phố trên khắp nước Mỹ, nhanh chóng tuyển dụng đội ngũ nhân viên giao hàng.

Thế rồi cuộc chơi cũng đến lúc tàn khi tình hình lạm phát cao, lãi suất tăng nhanh và nỗi lo kinh tế suy thoái cũng như chiến tranh ở Ukraine đã buộc phần lớn ngành công nghệ cắt giảm chi phí hoạt động. Nhưng có lẽ không lĩnh vực công nghệ nào thoái lùi nhanh hơn dịch vụ giao hàng dựa vào ứng dụng.

Alex Frederick, nhà phân tích cấp cao tập trung vào công nghệ mới nổi tại PitchBook, cho biết: “Mô hình kinh doanh mà chúng ta đã thấy ở Uber cách đây một thập niên là ưu tiên tăng trưởng hơn lợi nhuận để có thể nhanh chóng nắm bắt lợi thế người dẫn đầu. Mô hình này đòi hỏi tốc độ “đốt tiền” và nguồn vốn đầu tư vốn lớn để liên tục mở rộng sang các thị trường mới, thu hút khách hàng và giữ chân họ. Bây giờ, các nhà đầu tư có thể không còn mặn mà với nó”, ông nói

Hồi giữa tháng 6, startup giao hàng siêu nhanh Jokr, có trụ sở ở New York, thông báo sẽ đóng cửa các hoạt động ở Mỹ để tập trung vào hoạt động kinh doanh ở Mỹ Latin. Trong vòng gọi vốn gần nhất vào tháng 12 năm ngoái, công ty được định giá 1,2 tỉ đô la. Jokr cho biết vẫn còn tiền để hoạt động thêm 2 năm và kỳ vọng sẽ đạt điểm hòa vốn trong 18 tháng tới.

Và các startup giao hàng nhanh khác gồm Gopuff, Gorillas và Getir đều đã có ít nhất một đợt sa thải. Tổng cộng có ít nhất 8.250 việc làm đã bị mất trong lĩnh vực này. Một trong số hàng ngàn nhân viên bị Getir sa thải nói với CNN Business rằng anh cảm thấy an toàn vì Getir chưa bao giờ sa thải nhân viên trong lịch sử 7 năm hoạt động.

Người này nói: “Tôi thực sự tin họ sẽ không sa thải và nghĩ rằng họ sẽ trở thành một công ty khởi nghiệp rất khác. Tôi đã tin vào những điều tốt đẹp mà họ hứa hẹn để rồi thất vọng”.

Giám đốc điều hành Getir, Nazim Salur giải thích công ty của ông quyết định bảo tồn tiền mặt để duy trì hoạt động thông qua việc sa thải vì điều kiện thị trường đang xấu đi.

Giống như Getir, phần lớn startup giao hàng siêu nhanh còn lại cũng xem cắt giảm việc làm là giải pháp giúp họ vượt qua thời kỳ kinh tế suy yếu.

Gopuff, có trụ sở tại Philadelphia, được coi là startup tiên phong lập các cửa hàng riêng để thực hiện các chuyến giao hàng siêu nhanh. Khi công ty này được thành lập vào năm 2013, Uber và nền kinh tế của những việc làm bán thời gian và tạm thời dựa trên ứng dụng mới chỉ ra đời được vài năm. Ban đầu, Gopuff chỉ cung cấp dịch vụ giao thuốc lá shisha, rồi sau đó mở rộng sang thực phẩm.

Chưa đầy một thập niên sau, Gopuff được định giá 15 tỉ đô la. Công ty hiện đang hoạt động tại hơn 1.200 thành phố ở châu Âu và Bắc Mỹ đồng thời là đối tác của Uber. Gopuff có 450 trung tâm hoàn thiện đơn hàng nhỏ phân bố khắp các thị trấn đại học và các thành phố lớn để cung cấp cho khách hàng mọi thứ từ thực phẩm đến rượu và thuốc men gần như ngay lập tức. Tính đến tháng 3 -2022, Gopuff có 15.000 nhân viên.

Nhưng trong thư cho các nhà đầu tư trong tháng này, Gopuff báo cáo một số thay đổi mà công ty đang thực hiện, bao gồm một đợt sa thải thứ hai và đóng cửa 76 trung tâm hoàn thiện đơn hàng, để hướng tới mục tiêu có lợi nhuận trong vòng 2 năm tới. Gopuff cho biết đang chuẩn bị ứng phó rủi ro suy thoái kinh tế vĩ mô mạnh mẽ hơn nhiều trong thời gian tới.

Ngay cả khi Gopuff và các startup giao hàng nhanh khác mạnh tay cắt giảm nhân sự, giới quan sát vẫn nghi ngờ về khả năng tồn tại lâu dài của các dịch vụ chính của họ, đặc biệt là trong bối cảnh môi trường kinh tế ảm đạm hơn.

Brittain Ladd, một nhà tư vấn chuỗi cung ứng, nhận định tiền đề của dịch vụ giao hàng trong 15 phút là một “mánh lới quảng cáo”.

Ông nói: “Nó thu hút sự chú ý của mọi người, tạo ra các cuộc bàn luận sôi nổi và trở thành một thứ gì khác thường. Mục đích là khiến người tiêu dùng tự hỏi: tại sao tôi có thể mua hàng tạp hóa trong 15 phút, nhưng không thể mua mỹ phẩm, giày dép, quần áo và những thứ tương tự trong cùng thời gian. Điều đó được kỳ vọng sẽ mở ra giai đoạn tăng trưởng tiếp theo”.

Nhưng khi tăng trưởng kinh tế suy giảm và nỗi lo về một cơn suy thoái ngày càng tăng, các nhà đầu tư bắt đầu hoài nghi về mô hình kinh doanh giao hàng siêu nhanh.

Theo CNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới