Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cuộc chơi mới trên thị trường thương mại điện tử

Trịnh Duy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – TikTok đang tạo ra những xu hướng mua sắm kết hợp giải trí mới trên thị trường thương mại điện tử. Sự thành công nhanh chóng của ứng dụng này đã và đang khiến các ông lớn trong ngành phải dè chừng. Nhưng liệu trải nghiệm mua sắm trên các ứng dụng mạng xã hội như TikTok có thể sớm thay thế được các trải nghiệm mua sắm trên các sàn truyền thống?

Người chơi mới trên thị trường

Theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor, tiềm năng tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử khu vực châu Á-Thái Bình Dương rất lớn. Đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử của khu vực này có thể đạt quy mô 68,5 tỉ đô la Mỹ và trở thành thị trường thương mại điện tử dẫn đầu toàn cầu.

Cũng theo Euromonitor, sự tăng trưởng này được thúc đẩy nhanh hơn trong giai đoạn phong tỏa do dịch bệnh vừa qua. Mặc dù tỷ lệ sử dụng thương mại điện tử đã giảm xuống nhưng hành vi của người tiêu dùng nhìn chung sẽ được duy trì và mua sắm trực tuyến sẽ trở thành một kênh quan trọng bên cạnh mua sắm tại cửa hàng thực tế.

Bên cạnh các ông lớn vẫn đang thống lĩnh thị trường như Shopee, Lazada…, thị trường thương mại điện tử cũng đang trở nên sôi động hơn bởi sự lấn sân của các nền tảng mạng xã hội.

Năm 2021 đánh dấu sự gia nhập thị trường thương mại điện tử của người chơi mới – TikTok – một nền tảng mạng xã hội chia sẻ video ngắn đến từ Trung Quốc. Tại thị trường Đông Nam Á, TikTok đã ra mắt hệ sinh thái hỗ trợ việc kinh doanh ngay trên mạng xã hội này bao gồm ứng dụng TikTok Seller cho người bán hàng, trung tâm đào tạo bán hàng trên Tiktok – Seller University. Tại thị trường Âu – Mỹ, TikTok cũng hợp tác cùng Shopify để thử nghiệm bán hàng tại thị trường Mỹ, Anh và Canada.

Sự tham gia của TikTok đã tạo nên một trải nghiệm mua sắm hoàn toàn mới, người dùng lướt TikTok để xem review về sản phẩm, nếu thấy ưng ý có thể ngay lập lức đặt hàng trên ứng dụng. Trải nghiệm mua sắm này thành công đến mức tạo nên một trào lưu có tên “TikTok Made Me Buy It” (tạm dịch: TikTok khiến tôi phải mua hàng)”.

Mua sắm kết hợp giải trí – Shoppertainment – tương lai ngành thương mại điện tử

TikTok đang tạo nên một xu hướng mới – Shoppertainment – hình thức thương mại dựa trên nội dung có tính chất giải trí và định hướng người tiêu dùng. Sự khác biệt cơ bản giữa hình thức mua sắm này so với hình thức mua hàng trên các trang thương mại điện tử là cách thức tìm kiếm sản phẩm.

Với các trang mua hàng như Tiki, Shopee hay Lazada, người mua hàng cần nhiều thao tác để tìm kiếm, so sánh sản phẩm trước khi ra quyết định mua hàng. Trong khi đó, việc xem livestream giới thiệu sản phẩm và đặt hàng trên TikTok lại vui vẻ, trực quan và tốn ít thời gian hơn. Hình thức này thậm chí còn có thể giúp người trung niên và lớn tuổi mua hàng dễ dàng hơn với vài thao tác đơn giản để mua hàng thành công.

Sự thành công của TikTok chắc chắn sẽ kéo theo sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, Instagram trên thị trường thương mại điện tử.

Chưa thể thay thế nền tảng truyền thống trong ngắn hạn

Sau một thời gian dài người tiêu dùng làm quen với hình thức mua sắm trực tuyến, thói quen mua hàng qua các trang thương mại điện tử đã thay đổi rất nhiều. Từ chỗ chỉ bán được những sản phẩm có giá trị thấp, hiện nay người dùng đã thoải mái hơn với việc mua các sản phẩm gia dụng, điện tử có giá hàng chục triệu đồng từ các trang này.

Để làm được điều này, đòi hỏi các sàn thương mại điện tử phải có hệ sinh thái logistics hoàn chỉnh, từ khâu tiếp nhận xử lý đơn hàng đến khả năng lưu kho cũng như khả năng vận chuyển hàng trong thời gian ngắn nhất.

Hiện các nền tảng mạng xã hội như TikTok chủ yếu chỉ mới bán một số ít danh mục sản phẩm như mỹ phẩm, thời trang, đồ gia dụng có giá trị nhỏ, và vẫn chưa cạnh tranh được với các sàn thương mại điện tử với danh sách ngành hàng đa dạng.

Cần một khoảng thời gian dài hơi nữa để nền tảng này có thể hoàn thiện được hạ tầng về giao nhận ở cấp độ khu vực và cấp độ quốc gia để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các sàn thương mại điện tử hiện nay.

Tính năng thương mại điện tử đã được triển khai trên TikTok phiên bản nội địa từ ba năm trước                                      
Tại thị trường Trung Quốc, từ năm 2018 TikTok (tên nội địa là Douyin) đã cho phép người bán hàng nhúng đường link sản phẩm vào các livestream hay video ngắn. Tại thị trường hơn tỉ dân này, hình thức thương mại phát trực tiếp đã thay đổi ngành bán lẻ và trở thành kênh bán hàng chính khi cứ ba người mua hàng qua kênh thương mại điện tử thì có hai người từng mua sản phẩm thông qua hình thức kể trên. Năm đầu tiên triển khai tại Trung Quốc, doanh số bán hàng trên Douyin lên đến 26 tỉ đô la Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới