Thứ hai, 6/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cuộc chuyển dịch của hạt gạo Việt: phía sau việc ‘định hình’ phân khúc mới

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việc dịch chuyển cơ cấu sản xuất từ cấp thấp sang chất lượng cao, gạo thơm là yếu tố có đóng góp rất quan trọng trong thúc đẩy gia tăng xuất khẩu của Việt Nam năm 2022. Tuy nhiên, chính điều này đã tạo ra “kẽ hở” khiến ngành gạo Việt Nam buộc phải nhập khẩu từ một số nước và điều này dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2023.

Việc tập trung vào phân khúc lúa thơm và chất lượng cao đã dẫn đến thiếu hụt phân khúc cấp thấp. Ảnh: Trung Chánh

Kế hoạch xuất khẩu gạo của Việt Nam được đưa ra hồi đầu năm 2022 là khoảng 6,2-6,5 triệu tấn, nhưng thực tế kết quả đã vượt 7 triệu tấn. Đây là con số vượt ngoài mong đợi của những người trong cuộc.

Điều gì giúp gạo Việt chiếm lĩnh thị trường?

Liên quan câu chuyện nêu trên, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Intimex (Intimex Group)- đơn vị dẫn đầu xuất khẩu gạo của Việt Nam cho biết, có được kết quả nêu trên bên cạnh nhờ sản xuất 3 vụ lúa/năm, với năng suất bình quân 5-6 tấn/héc ta, thì việc dịch chuyển cơ cấu sản xuất cũng là yếu tố giúp Việt Nam chiếm ưu thế.

Cụ thể, thay vì tập trung vào phân khúc chất lượng thấp (giống lúa IR 50404) như nhiều năm trước đây, thì việc chuyển sang các giống lúa thơm, chất lượng cao trong những năm gần đây như: Đài Thơm 8, OM 5451, OM 18…, đã giúp ngành hàng lúa gạo Việt Nam chiếm ưu thế về sức cạnh tranh hơn so với các đối thủ.

“Nhờ tập trung dịch chuyển sang sản xuất lúa chất lượng cao, gạo thơm đã giúp Việt Nam nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, trở thành nước xuất khẩu lớn mạnh”, ông Nam của Intimex Group nhấn mạnh và cho rằng, việc ngành nông nghiệp “tung” ra nhiều giống lúa ngon, có khả năng cạnh tranh tốt đã khiến Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cũng phải kinh ngạc.

Có một điểm rất thú vị đối với ngành gạo của Việt Nam từ sự dịch chuyển như nêu trên, đó là giúp ngành hàng này “định vị” được phân khúc mới nằm trên các dòng gạo trắng hạt dài của Thái Lan và Ấn Độ, nhưng nằm dưới những tên tuổi lớn của hai đối thủ này là gạo Thái Hom Mail và Basmati của Ấn Độ.

Với việc “định vị” phân khúc mới đã giúp giá gạo của Việt Nam cạnh tranh hơn so với phân khúc sản phẩm Hom Mali và Basmati, nhưng cao hơn dòng gạo trắng hạt dài của hai thủ này. Điều này, đã tạo ra lợi thế mới cho gạo Việt nhờ có giá hợp lý và chất lượng đáp ứng tốt khẩu vị của khách hàng nhập khẩu.

Cách đây khoảng 5 năm, khi xuất khẩu gạo của Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào phân khúc cấp thấp và trung bình (IR 50404), ông Huỳnh Thế Năng khi còn làm Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) và là Chủ tịch VFA khi trao đổi với KTSG Online cũng đã thể hiện khát vọng “định hình” phân khúc mới cho ngành gạo Việt Nam, đó là nằm trên phân khúc gạo trắng hạt dài của Thái Lan và Ấn Độ, nhưng nằm dưới phân khúc Thái Hom Mali và Basmati của Ấn Độ.

Khi đó, ông Năng chia sẻ Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra được phân khúc gạo mới để bán ở mức giá 550-560 đô la Mỹ/tấn. Bởi, điều này giúp gạo Việt cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ ở phân khúc cao 900-1.000 đô la Mỹ/tấn, và doanh số bán ra tốt hơn so với dòng sản phẩm ở phân khúc thấp hơn, khoảng 400-450 đô la Mỹ/tấn.

Trên thực tế, qua số liệu báo cáo về xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2022 của Tổng cục Hải quan cũng đã cho thấy kết của sự dịch chuyển, mà cụ thể riêng phân khúc gạo thơm và gạo trắng chất lượng cao đã chiếm hơn 70% tỷ trọng xuất khẩu của toàn ngành gạo Việt Nam.

Chính việc "định hình" được phân khúc gạo mới đã góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy gia tăng khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam. “Chẳng hạn, với thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của chúng ta là Philippines, thì Chính phủ của họ nói thẳng không thể thiếu gạo Việt Nam. Bởi, hiện nay gạo của chúng ta sang đó ngon như gạo Thái, nhưng giá cạnh tranh hơn”, ông Nam của Intimex Group dẫn chứng.

Bên cạnh yếu tố nêu trên, ông Nguyễn Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV cho rằng, chính sách áp 20% thuế xuất khẩu đối với gạo trắng và cấm xuất khẩu gạo 100% của Ấn Độ cũng là một lý do có tác động tích cực giúp xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng vượt kỳ vọng, đạt hơn 7 triệu tấn năm 2022.

Thiếu hụt gạo cấp thấp do chuyển dịch sang cao cấp

Tại hội nghị sơ kết vụ thu đông, vụ mùa 2022 và triển khai kế hoạch vụ đông xuân 2022-2023 được tổ chức ở TP Cần Thơ mới đây, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA khi nhìn vào cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đã nhấn mạnh, nhu cầu thị trường trong năm 2023 vẫn là phân khúc chất lượng cao, gạo thơm vốn đã được định hình.

Chẳng hạn, đối với Philippines, sau khi quốc gia này chuyển cơ chế nhập khẩu sang cho khu vực tư nhân, thì phân khúc nhập khẩu cũng đã có sự thay đổi, từ các loại gạo 15-25% tấm sang phân khúc gạo thơm và chất lượng cao, theo dẫn chứng của ông Nguyễn Ngọc Nam.

Trong khi đó, phân khúc gạo thơm và chất lượng cao của Việt Nam được sản xuất từ các giống lúa Đài Thơm 8, OM 5451, OM 18 là những giống lúa không có một nước xuất khẩu gạo nào có thể thay thế được. “Đây là những giống lúa cho phân khúc gạo đáp ứng được nhu cầu thị trường và có tính cạnh tranh rất cao so với phân khúc gạo thơm của các đối thủ cạnh tranh”, ông Nam nhấn mạnh.

Ông Thành của Phước Thành IV dự báo, năm 2023 khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có khả năng chỉ dừng lại ở mức 6,2-6,5 triệu tấn, tức thấp hơn so với năm 2022, nhưng giá trị xuất khẩu có khả năng sẽ tốt hơn. Bởi, danh tiếng gạo Việt đã được xác lập sau khi đạt giải gạo ngon thế giới năm 2019, cho nên, thị trường tiêu thụ cũng đã được mở rộng sang nhiều nước như: Anh, Úc, Pháp, Mỹ, Trung Đông, Hồng Kông, Đài Loan, chứ không chỉ dừng lại ở những thị trường truyền thống như: Philippines, Indonesia, Cuba và châu Phi.

Dự báo khối lượng xuất khẩu sang những thị trường mới không cao, nhưng khả năng giá bán sẽ tốt. “Giá gạo năm 2023 có khả năng sẽ bằng mức giá của năm 2019 (năm có mức giá cao nhất của giai đoạn 2012-2019), mà cụ thể lúc bấy giờ, dòng gạo thơm như Đài Thơm 8 và OM 4900 tôi xuất có giá 560 đô la Mỹ/tấn, trong khi dòng chất lượng cao như OM 5451 cũng được 520-530 đô la Mỹ/tấn”, ông Thành dự báo.

Tuy nhiên, việc dịch chuyển sản xuất sang phân gạo thơm và chất lượng cao đã khiến gạo cấp thấp và chất lượng trung bình (IR 50404) phục vụ cho nhu cầu làm bánh, bún, bia và sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam thiếu hụt. Điều này, đã dẫn đến câu chuyện Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn lúa gạo từ các đối thủ cạnh tranh.

Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty lương thực thực phẩm Long An dẫn chứng, chỉ riêng 9 tháng đầu năm ngoái, Việt Nam đã nhập khẩu từ Ấn Độ hơn 900.000 tấn gạo. “Thậm chí, mình phải mua từ Thái Lan để tạm nhập tái xuất”, bà nói.

Còn báo cáo của Tổng cục Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản Campuchia được The Phnom Penh Post trích dẫn cho thấy, 6 tháng đầu năm ngoái, Campuchia đã xuất khẩu trên 1,733 triệu tấn lúa sang Việt Nam, tăng 2,38% so với cùng kỳ, với trị giá xuất khẩu đạt trên 336,2 triệu đô la Mỹ, tăng 20,38%.

Tuy nhiên, con số dự báo của ông Thành đưa ra, thì riêng thị trường Campuchia, năm 2022 đã có khoảng 2-2,5 triệu tấn lúa được xuất khẩu vào Việt Nam. “Đây là thương mại tiểu ngạch giữa hai nước nên mình không nắm rõ, nhưng chắc chắn có một lượng rất lớn lúa Campuchia đã vào Việt Nam”, ông cho biết.

Theo ông Thành, năm 2023 Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo, trong đó, có gạo cũ từ Ấn Độ và lúa của Campuchia. Bởi, người nông dân tập trung vào phân khúc gạo thơm và chất lượng cao, cho nên, bị thiếu hụt gạo khô cơm để làm bánh, bún, thức ăn chăn nuôi.

Trong khi đó, với Campuchia, theo ông Thành, lúa ở các địa phương ven biên giới Việt Nam, đa phần do cộng đồng người Việt sản xuất và phần lớn được bán về Việt Nam. “Xu hướng này chắc chắn cũng sẽ ra trong năm 2023 vì công nghệ chế biến của Campuchia hiện vẫn còn lạc hậu, trong khi chi phí nhân công lao động và điện khá cao”, ông cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới