(KTSG Online) – Các công ty sản xuất kim loại cần thiết cho pin và năng lượng tái tạo của Indonesia đua nhau niêm yết cổ phiếu giữa lúc chính phủ tăng tốc nỗ lực chuyển đổi xanh và quyết tâm xây dựng đất nước trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu.
- Tham vọng xe điện của Indonesia hứa hẹn thúc đẩy đầu tư vào Đông Nam Á
- Indonesia trỗi dậy trở thành nhà sản xuất cobalt lớn thứ hai thế giới
Trong năm nay, Indonesia nổi lên như một trong những thị trường mạnh nhất thế giới về các thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Chỉ trong khoảng thời gian 20 tuần, các công ty Indonesia đã huy động được 2,4 tỉ đô la từ các đợt IPO.
Con số này gần bằng số tiền thu được trong các đợt IPO của Hồng Kông và Singapore cộng lại vào cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, Indonesia đứng thứ 4 trên toàn cầu về giá trị IPO, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Cơn bùng nổ IPO ở Indonesia là một phần của cuộc chạy đua chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh.
Hôm 9-10, giá cổ phiếu của Công ty PT Barito Renewables Energy, nhà sản xuất năng lượng địa nhiệt, tăng tới 25% trong ngày giao dịch đầu tiên sau khi huy động được 3,13 nghìn tỉ rupiah (200 triệu đô la) trong đợt IPO lớn thứ năm ở Indonesia trong năm nay.
Đây là nhà sản xuất năng lượng địa nhiệt thứ hai của Indonesia niêm yết cổ phiếu trong năm 2023. Pertamina Geothermal Energy (PGE), nhà sản xuất năng lượng địa nhiệt của tập đoàn dầu khí thuộc sở hữu nhà nước Pertamina cũng huy động được 9.056 tỉ rupiah (580 triệu đô la) trong đợt IPO hồi tháng 2. Cổ phiếu của công ty này hầu như không tăng giá trong vài tháng đầu sau khi niêm yết nhưng kể từ đó tăng gần gấp đôi so với giá IPO.
Việc các công ty năng lượng địa nhiệt lên sàn và tạo sức hút đang thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Indonesia, nước xuất khẩu than nhiệt lượng cao nhất thế giới, muốn cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đạt được mục tiêu đưa lượng phát thải carbon ròng về mức zero vào năm 2060. Không giống như các nguồn năng lượng mặt trời hoặc gió không liên tục, năng lượng địa nhiệt cung cấp nguồn điện tương đối ổn định và liên tục. Indonesia ước tính có 27,8 GW tài nguyên địa nhiệt, chỉ đứng thứ hai sau Mỹ trên toàn cầu. Tuy nhiên, công suất lắp đặt địa nhiệt ở Indonesia trong năm ngoái chỉ đạt 2,3 GW.
Ở một đất nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, phần lớn các đợt IPO trong năm nay đến từ các công ty sản xuất kim loại cần thiết cho pin xe điện.
Harita Nickel, công ty Indonesia đầu tiên chế biến quặng nickel cấp thấp thành nickel đạt chuẩn dành cho pin, huy động được 660 triệu đô la khi tiến hành IPO hồi tháng 4. Indonesia là nhà cung cấp nickel lớn nhất thế giới và có trữ lượng cobalt, đồng, vàng và thiếc đáng kể.
CNGR Advanced Material Co., nhà sản xuất kim loại pin của Trung Quốc, đang cân nhắc tiến hành IPO đối với các tài sản ở Indonesia. Các nguồn thạo tin cho biết, công ty này đang xem xét thương vụ IPO tiềm năng ở Jakarta, có thể huy động được ít nhất 300 triệu đô la hoặc lên tới 500 triệu đô la nếu thị trường thuận lợi. CNGR có hai dự án sản xuất nickel matte, sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản xuất pin, trên đảo Sulawesi của Indonesia.
Chính phủ Indnesia đang thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ vào hoạt động tinh chế quặng kim loại, để trở thành một nhà sản xuất, thay vì chỉ là nhà cung cấp vật liệu thô.
Jerry Goh, Giám đốc đầu tư chứng khoán châu Á của Công ty đầu tư Abrdn, cho biết chính phủ Indonesia cấm xuất khẩu quặng nickel để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này. Điều này sẽ cho phép Indonesia phát triển và xây dựng các nhà máy tinh chế để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng như ferronickel hoặc nickel matte.
“Hoạt động IPO nhộn nhịp trong ngành kim loại pin cho thấy các nhà đầu tư mong muốn trở thành một phần trong cam kết của Indonesia đối với chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu. Indonesia đang trải qua quá trình chuyển đổi và nếu thành công, điều này có nghĩa là nền kinh tế nước này sẽ hướng tới tăng trưởng GDP chất lượng cao hơn và bền vững hơn”, Jerry Goh nói.
Theo Swati Chopra, giám đốc bộ phận vốn cổ phần tại các thị trường mới nổi của Franklin Templeton, Indonesia có trữ lượng lớn các kim loại cần thiết để sản xuất pin cho xe điện. “Điều đó đã biến đất nước này trở thành động lực quan trọng của quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu và là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư”, Swati Chopra nhận xét.
Jakarta, thủ đô và thành phố lớn nhất của Indonesia, đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, những người hiếm khi đến đó trước năm ngoái.
“Thật khó để mời các nhà đầu tư từ London, Hong Kong hoặc Singapore đến đây. Bây giờ, họ đã đến Jakarta ba hoặc bốn lần trong vòng một năm để tìm kiếm những ý tưởng hay”. Irwanti , Giám đốc đầu tư của Công ty quản lý đầu tư Schroders Indonesia, nói.
Sự trỗi dậy của Indonesia với tư cách điểm đến đầu tư trong khu vực là một thách thức đặc biệt đối với nước láng giềng Singapore.
Các thương vụ IPO ở Singapore gần như biến mất trong năm nay, với số tiền huy động giảm 95% so với cùng kỳ năm 2022, xuống chỉ còn 18,6 triệu đô la Mỹ.
Hiện tại, Indonesia có một số lợi thế vượt trội. Đất nước này có dân số khoảng 280 triệu người, lớn thứ tư trên thế giới, cung cấp một nền tảng tiêu dùng khổng lồ. GDP của Indonesia đạt 1,3 nghìn tỉ đô la, lớn nhất ở Đông Nam Á.
Nền kinh tế mạnh mẽ của Indonesia cũng là yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài. GDP của nước này dự kiến tăng 5% vào năm 2023, vượt xa mức dự báo tăng trưởng 4,7% của toàn châu Á, không bao gồm Nhật Bản. Đồng rupiah của Indonesia là đồng tiền có hiệu suất tốt nhất trong khu vực trong năm nay sau khi Ngân hàng trung ương Indonesia tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 4 năm.
“Điều đó mang lại niềm tin cho những người tham gia thị trường vốn, cả trong nước và quốc tế”, Sunil Khaitan, người đứng đầu thị trường vốn cổ phần khu vực Đông Nam Á của ngân hàng Bank of America Corp., nói.
Tuy nhiên, thị trường IPO của Indonesia vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Quy mô của các thương vụ IPO có xu hướng tương đối nhỏ. Gần 92% trong số 66 thương vụ IPO ở Indonesia trong năm nay huy động được ít hơn 100 triệu đô la, một quy mô khó có thể lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư tổ chức lớn.
Các cơ quan quản lý chỉ yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết phải cung cấp tối thiểu 7,5% lượng cổ phiếu để giao dịch trên thị trường, tức tỷ lệ khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng so với tổng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường (free float). Tỷ lệ free float quá nhỏ có thể khiến giá cổ phiếu biến động mạnh và kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Theo Bloomberg, Asian Investor