Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cuộc chuyển giao giữa El Nino và La Nina

Anh Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chỉ sau tám tháng hoành hành, El Nino 2023-2024 đã khiến nhiệt độ trên khắp Việt Nam cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-2 độ C; lẽ dĩ nhiên cũng làm thay đổi điện tích mặt đất. Và khi những trận mưa đầu mùa bắt đầu xối xả như báo hiệu một La Nina sắp chào đời, thì hiện tượng sấm sét cũng đột ngột xuất hiện với cường độ và mật độ rất cao, như ở Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc vừa rồi.

Sóng biển đột ngột dâng cao khi bão Linda tiến về vùng biển phía Nam nước ta ngày 2-11-1997, nhấn chìm hàng trăm tàu cá và hơn 3.000 sinh mạng.
(Mô hình đăng bởi Hiroshi Takagi trong Researchgate.net)

Các nhà khí tượng định ngày khai sinh cho một kỳ La Nina mới dựa trên chỉ số nhiệt độ của khối nước trồi lên giữa vùng trung tâm Thái Bình Dương xuống đến mức thấp nhất so với bình thường. Nhưng trước đó làn gió mậu dịch di chuyển từ Đông sang Tây đã trở nên mạnh hơn, khối nước nóng trên mặt biển không còn chảy về phía Đông đến bờ Tây châu Mỹ mà theo làn gió trôi về phía Tây đến bờ Đông châu Á. Gió và hơi nước bốc lên từ khối nước nóng khơi mào cho những trận bão lớn nhỏ.

Trên thực tế, La Nina không hoạt động đơn độc mà kết hợp với điều kiện thời tiết địa phương để tạo nên các hình thái thời tiết có ích hay bất lợi, thậm chí cả những thảm họa. Ở nước ta, một La Nina chính thức xuất hiện trong nay mai sẽ cùng với gió mùa Tây Nam và tuyến lạnh phía Bắc cùng các điều kiện địa hình để tạo nên các hình thái thời tiết mà với trình độ khoa học ngày nay vẫn còn rất khó dự đoán.

Với dự báo La Nina 2024 sẽ xuất hiện rõ nét sau khoảng tháng 8, điều này tạo nên những lo ngại. Bởi Việt Nam đã chứng kiến những trận bão rất mạnh vào khoảng thời gian này trong các kỳ La Nina trước, như bão nhiệt đới Kammuri ngày 7-8-2008 qua các tỉnh cực Bắc nước ta, làm 127 người thiệt mạng và 34 người mất tích do lũ lụt và sạt lở đất; bão Hagupit ngày 24-9 gây lũ lụt nặng nề khiến 41 người thiệt mạng; ngày 29-9 với bão Mekkhala gây lũ lụt, làm thiệt hại khoảng 3.050 héc ta hoa màu ở tỉnh Thanh Hóa. Khốc liệt nhất phải kể đến trận bão nhiệt đới Linda ngày 2-11-1997 làm đắm hàng ngàn tàu đánh cá và lấy đi mạng sống của ít nhất 3.111 người.

Biến đổi khí hậu thực sự đang làm trầm trọng thêm cường độ và tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan. Mặc dù kỳ El Nino 2023-2024 đã đạt đỉnh cao vào cuối năm 2023 và bắt đầu dịu lại, nhưng đến tháng 4-2024 vẫn còn xuất hiện đợt nắng nóng khủng khiếp, với hơn 100 kỷ lục nhiệt độ xuất hiện tại 102 trạm, trong đó hai trạm đạt mức 44 độ C, nghĩa là chỉ còn thấp hơn kỷ lục 44,2 độ C của ngày 7-5-2023 tại hai trạm khác. Đợt rét đậm kéo dài 38 ngày từ tháng 1 đến tháng 2-2008 của kỳ La Nina 2007-2008 đã làm chết khoảng 110.000 gia súc, gia cầm và tàn phá 180.000 héc ta lúa, thiệt hại ước tính khoảng 400 tỉ đồng.

Trong khi El Nino làm gia tăng cường độ nắng nóng thì La Nina tăng lượng mưa và những cơn bão, kèm theo đó là thảm họa lũ lụt, lở đất. Chúng ta đã chứng kiến nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới cùng những cơn mưa xối xả diễn ra trong kỳ La Nina kéo dài ba năm giữa 2020-2022, riêng năm 2020 đã có 357 người chết hoặc mất tích, thiệt hại về tài sản trên 39.960 tỉ đồng.

La Nina không phải lúc nào cũng gây ra thiên tai nghiêm trọng. Tác động của nó sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp nước ta. Tốc độ El Nino chuyển sang La Nina sẽ quyết định tác động của chúng đến các kiểu thời tiết toàn cầu và khu vực. Và cũng như El Nino, một La Nina kéo dài nhiều năm sẽ tạo ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn.

Cho đến hiện tại, người ta đang nghĩ đến khả năng mưa lớn sẽ lặp đi lặp lại làm tăng nguy cơ lũ quét và lở đất ở các khu vực miền núi. Một mùa bão đến trễ cũng sẽ đổ bộ nhiều hơn vào miền Trung, và đánh mạnh vào miền Nam nơi mà cơ sở hạ tầng và năng lực chống chọi vẫn còn rất yếu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới