Thứ tư, 18/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cuộc chuyển hướng của phần mềm trong mục tiêu xuất khẩu tỉ đô la

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngành phần mềm Việt vừa có doanh nghiệp chinh phục được mục tiêu xuất khẩu 1 tỉ đô la trong năm 2023. Bên cạnh đó, một số công ty đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ sang những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ. Nếu như trước đây chỉ cung cấp dịch vụ gia công phần mềm ở công đoạn thấp thì đến nay 50% doanh thu từ nước ngoài đã đến từ dịch vụ chuyển đổi số.

Một sự kiện triển lãm công nghệ và tuyển dụng nhân sự của FPT. Ảnh: Vân Ly

Từ gia công phần mềm đến dịch vụ chuyển đổi số

Gần 15 năm trước, khi trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc Công ty Phần mềm FPT (FPT Softwave) thời điểm đó thẳng thắn thừa nhận, giai đoạn đầu khi FPT xuất khẩu phần mềm (hay vẫn thường được gọi là gia công phần mềm) thì không khác gì những người lao động đứng ở “chợ người” trên thị trường gia công phần mềm thế giới – ai thuê gì làm nấy.

Từ những bước khởi đầu như vậy, đến giờ FPT đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số xuất khẩu phần mềm 1 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023. Không chỉ là công ty công nghệ Việt Nam đầu tiên mang về doanh thu 1 tỉ đô la Mỹ từ nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin, FPT cũng là doanh nghiệp phần mềm lớn nhất Việt Nam cả về doanh thu và số lượng nhân sự.

Những năm gần đây, dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài của FPT đã có sự dịch chuyển sang những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ - với 50% tổng doanh thu từ nước ngoài đến từ dịch vụ chuyển đổi số và tăng gấp gần 6 lần trong vòng 5 năm qua.

Tại cuộc họp báo được tổ chức mới đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT, cho biết trước đây, FPT luôn phải chủ động đi tìm đối tác, khách hàng thì nay rất nhiều khách hàng, đối tác lớn lại chủ động tìm đến Việt Nam và FPT. Đến nay 80% doanh thu xuất khẩu phần mềm của FPT là các hợp đồng có giá trị trên một triệu đô la Mỹ. Từ chỗ khởi điểm khách thuê việc gì làm nấy, đến nay FPT đã được quyền kén chọn khách hàng khi xuất khẩu phần mềm... Kết quả này của FPT đã góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia cung cấp dịch vụ chuyển đổi số lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Ấn Độ.

Sở dĩ FPT đạt được kết quả trên bởi trong năm 2023, tập đoàn này đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong việc nâng tầm đẳng cấp trên thị trường toàn cầu thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập. Chỉ trong vòng một năm, FPT đã thực hiện 4 thương vụ mua bán và sáp nhập và đầu tư vào các công ty công nghệ có tên tuổi tại Mỹ, Pháp như Intertec International, Cardinal Peak, AOSIS, Landing AI... bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao từ sự gia nhập của các chuyên gia công nghệ người nước ngoài giàu kinh nghiệm, từ đó nhanh chóng nắm bắt cơ hội đang rộng mở toàn cầu, tạo lợi thế cạnh tranh để tham gia các dự án chuyển đổi số quy mô lớn.

Được biết, FPT đặt mục tiêu đạt  5 tỉ đô la Mỹ doanh thu dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài vào năm 2030. Doanh nghiệp này cũng dự kiến trong vài năm tới, mỗi năm dành khoảng 100 triệu đô la Mỹ cho hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) các công ty công nghệ nước ngoài.

Cách đây vài tháng, công ty phần mềm Rikkeisoft của Việt Nam đã thành lập công ty con RKTech và đặt văn phòng tại bang Texas, Mỹ. Công ty công nghệ với quy mô hơn 1.600 nhân sự này mở công ty con tại Mỹ sau khi đã rất thành công khi khai thác thị trường Nhật Bản.

Tại Mỹ, RKTech đặt mục tiêu cùng với các công ty trong hệ sinh thái của Rikkeisoft từng bước đưa sản phẩm, dịch vụ và công nghệ vào một trong những thị trường được cho là khó tính nhất thế giới này.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều công ty công nghệ Việt hoạt động ở Nhật Bản, nhưng tại thị trường Mỹ lại chưa có nhiều doanh nghiệp Việt hiện diện tại đây. Trong khi đó, đây lại là thị trường công nghệ lớn nhất thế giới. Với việc mở công ty con tại Mỹ, Rikkeisoft tiết lộ kế hoạch từng bước thực hiện tham vọng sẽ trở thành doanh nghiệp tỉ đô la Mỹ trong tương lai.

Với mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng sau 6 năm thành lập, CMC Global vừa được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) lựa chọn vào nhóm doanh nghiệp ngàn tỉ thông qua Lễ công bố và Vinh danh Top 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2023. Sau 6 năm phát triển, CMC Global đã nằm trong top 2 các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm tại Việt Nam - hiện thực hoá khát vọng đưa các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ CNTT của Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Cuối năm 2022, CMC Global đạt mốc doanh thu hơn 1.900 tỉ đồng, tăng 180% so với năm 2021 (hiện doanh nghiệp này chưa công bố doanh thu 2023).

Được biết, CMC Global đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có hơn 7.500 nhân viên, kinh doanh trên quy mô toàn cầu, đạt doanh thu 300 triệu đô la Mỹ - với 50% đóng góp từ các dịch vụ chuyển đổi số.

Cần chuyển đổi mạnh mẽ để ra quốc tế

Thực tế cho thấy, ngành phần mềm Việt Nam đã tăng trưởng doanh thu hơn 300 lần sau 20 năm, đạt 148 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022. Ngành này đang chuyển đổi từ gia công (chỉ nhận làm một quy trình trong khâu sản xuất phần mềm) sang bán sản phẩm hoàn thiện ra nước ngoài.

Số liệu từ VINASA, cho biết năm 2003, ngành phần mềm Việt Nam ở giai đoạn phát triển đầu tiên. Toàn ngành lúc đó chỉ có doanh thu 500 triệu đô la Mỹ với khoảng 5.000 nhân lực. Đến năm 2022 (chưa có số liệu năm 2023), ngành này đạt doanh thu 148 tỉ đô la với tổng nhân lực trên 1,2 triệu người, gấp hơn 300 lần về doanh thu và gấp 240 lần về quy mô nhân lực.

Còn tại lễ trao giải thưởng Sao Khuê 2023, ông Nguyễn Mạnh Hùng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng việc ngành phần mềm trong 20 năm tăng trưởng gần 300 lần có thể được xem là một câu chuyện thần kỳ.

Ông Đỗ Cao Bảo, thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT đã thông tin trên trang cá nhân của mình, chia sẻ rằng trong nhóm sản phẩm công nghiệp, dịch vụ phần mềm có giá trị gia tăng cao, lên đến 84%.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhu cầu chuyển đổi số đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu, thị trường quốc tế còn rất nhiều dư địa cho các công ty công nghệ Việt Nam. Doanh thu của ngành này năm 2022 ước đạt 148 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng trên 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu công nghiệp công nghệ số vào năm 2022 ước đạt 136 tỉ đô la, mục tiêu của năm 2023 dự kiến sẽ đạt 137 tỉ đô la.

Số lượng doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam hiện trên 70.000, trong đó, lực lượng kỹ sư là 550.000. Có khoảng 1.400 doanh nghiệp công nghệ số có sản phẩm vươn ra thị trường nước ngoài. Tổng doanh thu tại thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin tính đến hết năm 2022 mới chỉ đạt hơn 2,2 tỉ đô la. Các chuyên gia cho rằng hiện các doanh nghiệp phần mềm, công nghệ số của Việt Nam có cơ hội lớn ở thị trường quốc tế. Song, một trong những rào cản lớn của ngành phần mềm trong thời gian tới là thiếu hụt kỹ sư và cần phải cấp bách khắc phục tình trạng này.

Theo VINASA, Việt Nam thiếu 150.000 - 200.000 nhân lực CNTT giai đoạn 2022-2025. Còn theo DxReports công bố năm 2023, Việt Nam có 400.000 kỹ sư công nghệ thông tin và 50.000 sinh viên ngành này tốt nghiệp mỗi năm, nhưng chỉ có 30% lực lượng nhân sự này đáp ứng được yêu cầu công việc. Nhân lực ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam chỉ chiếm 1,1% tổng số lượng lao động, một tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia mạnh về công nghệ như Mỹ, Hàn Quốc hay Ấn Độ.

Theo Báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2023 của nền tảng chuyên tuyển dụng nhân sự công nghệ thông tin TopDev, đến 2025 Việt Nam sẽ cần đến 700.000 nhân lực trong ngành công nghệ thông tin. Trong khi đó, số lượng lập trình viên hiện tại của Việt Nam mới đạt khoảng 530.000 người, tức thiếu gần 200.000 người. Trong hơn 57.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm chỉ khoảng 30% đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn thực tế mà doanh nghiệp đặt ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới