(KTSG Online) – Năm ngoái, thị trường lao động Mỹ chứng kiến làn sóng nghỉ việc chưa có tiền lệ, đến nỗi báo chí Mỹ gọi hiện tượng này bằng thuật ngữ “Great Resignation” hay “Big Quit” (hiểu nôm na là hiện tượng người lao động tự nguyện nghỉ việc hàng loạt).
Nhưng thực tế, ngoại trừ một bộ phận quyết định nghỉ hưu sớm hoặc chưa muốn đi làm trở lại nhờ khoản tiết kiệm lớn tích lũy trong đại dịch, phần lớn những người nghỉ việc không nghỉ hẳn mà nhảy sang làm các công việc khác có mức lương, phúc lợi tốt hơn và các điều kiện làm việc thoải mái hơn, tức là họ đang trải một cuộc "đại nâng cấp" (Great Upgrade), theo nhận định của Bharat Ramamurti, Phó giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ.
Một số lượng kỷ lục người lao động Mỹ đã bỏ việc vào năm ngoái và trong số 68,9 triệu người nghỉ việc trong năm 2021 có đến 47,4 triệu người tự nguyện làm như vậy.
Mặc dù số cơ hội việc làm hiện nay ở Mỹ đạt đến các mức cao nhất trong lịch sử, nhưng nhiều lao động quyết định không bao giờ quay trở lại làm việc nữa. Hàng triệu người đã hoàn toàn rời bỏ lực lượng lao động để chăm sóc gia đình, nghỉ hưu sớm, sống bằng tiền tiết kiệm hoặc đánh giá lại cuộc sống trong thời kỳ dịch bệnh.
Thách thức hiện nay đối với các nhà tuyển dụng ở Mỹ là làm thế nào để lôi kéo họ đi làm việc trở lại. Điều này sẽ không dễ dàng và sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều.
Theo ước tính của các nhà kinh tế tại Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, khoảng 2,5 triệu người đã biến mất khỏi lực lượng lao động Mỹ, với khoảng 800.000 người đã nghỉ hưu sớm vì nhiều người trong số họ đã xây dựng được nền tảng tài chính an toàn nhờ vốn chủ sở hữu nhà ở và danh mục đầu tư cổ phiếu của họ tăng mạnh trong thời kỳ dịch bệnh. Điều này có nghĩa là chỉ còn 1,7 triệu người để các nhà tuyển dụng thu hút trở lại thị trường việc làm, với nhiều người trong số đó đang ở độ tuổi từ 25-54, tức còn nhiều năm phía trước để làm việc.
Vậy điều gì khiến họ vẫn ở nhà khi mà cơ hội việc làm đang thừa mứa? Các nhà kinh tế của Goldman Sachs giải thích trong một báo cáo: “Họ có những mối lo ngại liên quan đến Covid-19, họ có một vùng đệm tài chính, hoặc lối sống của họ đã thay đổi. Một số người có khả năng quay trở lại làm việc nếu đà lây lan của dịch bệnh lắng xuống hoặc các thuốc điều trị Covid-19 giúp giảm các rủi ro sức khỏe. Những người khác có khả năng quay trở lại thị trường lao động khi họ cạn kiệt tiền tiết kiệm”.
Báo cáo của Goldman Sachs ước tính một triệu người Mỹ sẽ tái gia nhập lực lượng lao động trong năm nay, nâng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động lên mức lành mạnh hơn nhưng cũng chỉ đạt 62,6% vào cuối năm nay, kém so với tỷ lệ ổn định 63% trước đại dịch. Nhiều lao động Mỹ được kỳ vọng sẽ quay trở lại thị trường việc làm trong những năm tới.
“Mặc dù vậy, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm cho thấy tuyển dụng lao động sẽ khó khăn hơn”, các nhà kinh tế của Goldman Sachs nhận định.
Sau khi nghỉ việc, nhiều lao động Mỹ chắc chắn sẽ không quay trở lại công việc, mức tiền lương và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống mà họ có trước đây. Trên thực tế, hàng triệu người được gọi là "người bỏ việc" không hề rời bỏ lực lượng lao động mà thực ra đã “nâng cấp” công việc.
Tháng trước, Bharat Ramamurti, Phó giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ, gọi hiện tượng này là "cuộc nâng cấp vĩ đại" (Great Upgrade).
Ông viết trên Twitter: Người lao động Mỹ nghỉ việc để chuyển sang các công việc mới được trả lương bổng tốt hơn. Đó không phải là cuộc "đại từ chức" mà là cuộc "đại nâng cấp”.
Các doanh nghiệp Mỹ đang trả lương cao hơn, đưa ra các khoản thưởng nóng sau khi ký hợp đồng và điều chỉnh lịch làm việc để thu hút và giữ chân nhân tài. Hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Mỹ cam kết hỗ trợ trả nợ thời sinh viên cho người lao động, với hy vọng giữ chân những nhân viên giỏi, không để họ nhảy sang làm việc ở các doanh nghiệp khác.
Nela Richardson, nhà kinh tế trưởng ở Công ty cung cấp dịch vụ và phầm mềm quản lý nguồn nhân lực ADP, nói: “Chúng tôi đang chứng kiến rất nhiều sự xáo trộn trên thị trường việc làm. Nhưng có một điều chúng tôi nhận thấy là số lượng công việc tuyển dụng đang cao hơn. Người lao động không rời bỏ thị trường việc làm mà họ sẽ chuyển sang các công việc khác trong cùng ngành”.
Cơ hội cho người lao động Mỹ chưa bao giờ lớn hơn vào lúc này và những người nhảy việc đang có mức lương bổng và các điều kiện làm việc tốt hơn trước đây.
Richardson cho biết thêm: "Số công việc tuyển dụng đang ở mức cao kỷ lục. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy mức lương sau khi nhảy việc cũng cao kỷ lục. Các công ty đang tăng lương bổng để thu hút nhân tài".
Chẳng hạn, hôm 7-2, Tập đoàn Amazon thông báo tăng mức chi trả thù lao tiền mặt cơ bản tối đa hàng năm cho khối nhân viên văn phòng và công nghệ từ mức 160.000 đô la lên mức 350.000 đô la.
Hiện nay, mức chi trả lương cho nhiều kỹ sư, quản lý cấp cao và nhà phân tích ở Amazon thấp hơn khoảng 15% so với các “ông lớn” công nghệ khác ở Mỹ.
Báo cáo về thị trường việc làm được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 4-2 cho thấy tăng trưởng lương hàng năm ở Mỹ đạt mức 5,7% trong tháng 1, với mức lương trung bình của lao động ở các doanh nghiệp tư nhân Mỹ đạt 31,63 đô la/giờ.
Tất nhiên, lạm phát đã bào mòn hết mức tăng này nhưng đó là tốc độ tăng lương lớn nhất trong nhiều năm đối với lao động Mỹ.
Song đối với nhiều lao động Mỹ, quyết định nhảy việc không chỉ là vấn đề tiền lương. Họ có thể không hài lòng với công việc cũ và nhảy việc để được đối xử tốt hơn, được sắp xếp lịch làm việc thoải mái hơn và hưởng phúc lợi cao hơn.
Hiện tại, người lao động Mỹ đang cầm trịch cuộc chơi. Các nhà tuyển dụng lớn nhỏ đều đang cạnh tranh quyết liệt để tuyển dụng nhân viên. Họ cung cấp điều kiện làm việc tốt hơn và nhiều cơ hội phát triển chuyên môn hơn để lấp đầy gần 11 triệu vị trí tuyển dụng đã mở trong tháng 12 năm ngoái.
Với sự mất cân bằng như vậy giữa người sử dụng lao động và người lao động đang tìm kiếm sự nâng cấp, Richardson tin rằng kỷ nguyên trao quyền cho người lao động sẽ còn kéo dài.
Bà nói: "Nhà tuyển dụng luôn là người cầm lái. Họ là người quyết định cơ hội, mức lương, kỹ năng, nội dung công việc, giờ làm việc. Nhưng họ đang lắng nghe người lao động hơn bao giờ hết”.
Theo CNN