Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cuộc đối đầu giữa các ông lớn công nghệ và Lina Khan

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các tập đoàn công nghệ lớn gồm Amazon, Microsoft, Apple, Google và Meta đang dùng vị thế độc tôn để chèn ép, không cho đối thủ nào đặt chân vào thị trường họ đang chiếm lĩnh. Lina Khan, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), năm nay mới 34 tuổi đang muốn trói bớt tay chân của các gã khổng lồ này lại. Liệu cô có thay đổi được quan điểm của xã hội Mỹ về độc quyền để làm điều đó?

Lina Khan.

Tất cả từ một bài báo

Sự nghiệp hiện nay của Lina Khan bắt đầu từ một bài báo cô viết vào năm 2017, khi cô mới 28 tuổi, đang là một sinh viên luật tại Đại học Luật Yale. Bài viết đăng trên tạp chí của trường mang tựa đề “Mâu thuẫn chống độc quyền của Amazon” gây xôn xao dư luận, vì cô tấn công trực diện vào quan điểm chống độc quyền của Mỹ từng phổ biến từ thập niên 1970. Quan điểm này cho rằng, để xác định một doanh nghiệp có lạm dụng vị thế độc quyền hay không cần xét đến lợi ích của người tiêu dùng; nếu giá giảm, lợi ích của người tiêu dùng được bảo đảm thì không cần áp dụng luật lệ chống độc quyền đối với doanh nghiệp đó.

Trong thực tế, Amazon vừa xây dựng nền tảng thương mại điện tử cho các nhà bán lẻ vào lập chợ, vừa đóng vai trò bán lẻ, tức vừa đá bóng vừa thổi còi. Sự lớn mạnh của Amazon dẫn đến cái chết của hàng trăm ngàn cửa hàng nhỏ lẻ, những ai chịu lép vế đem hàng lên Amazon để bán thì phải chịu đủ điều ràng buộc từ Amazon, kể cả các o ép nếu Amazon có bán cùng sản phẩm như họ. Thế nhưng các cơ quan quản lý liên bang của Mỹ nhiều năm liền để yên cho Amazon vì lập luận người tiêu dùng đang hưởng lợi, được mua hàng với giá rẻ hơn, thuận tiện hơn, giao hàng ngày càng nhanh hơn.

Lina Khan không đồng tình với lập luận này. Trong bài viết dài 93 trang, cô cho rằng không nên để Amazon thoát tội độc quyền chỉ vì khách hàng Amazon hài lòng; nếu không áp dụng luật chống độc quyền với các doanh nghiệp vận hành kiểu Amazon, chúng sẽ thu tóm quyền lực cho phép chúng ngày càng có quyền kiểm soát mọi ngóc ngách của nền kinh tế.

Tính đến tháng 9-2018, bài viết có 146.255 lượt truy cập, một con số khổng lồ đối với một bài viết mang tính học thuật và khô khan. Dư luận phân hóa, một bên khen ngợi hết lời cho đây là bước đột phá trong luật lệ chống độc quyền, lập luận sắc sảo; một bên chê trách quan điểm chống độc quyền của cô sẽ dẫn đến những thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và người tiêu dùng.

Không nên để Amazon thoát tội độc quyền chỉ vì khách hàng Amazon hài lòng; nếu không áp dụng luật chống độc quyền với các doanh nghiệp vận hành kiểu Amazon, chúng sẽ thu tóm quyền lực cho phép chúng ngày càng có quyền kiểm soát mọi ngóc ngách của nền kinh tế.

Lina Khan sinh ra ở London trong một gia đình có bố mẹ là người gốc Pakistan. Lúc cô 11 tuổi, gia đình cô sang định cư ở Mỹ. Sau bài báo, cô ra trường, làm cho một số cơ quan, kể cả giảng dạy tại Đại học Luật Columbia trước khi được Tổng thống Joe Biden đề cử làm ủy viên Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) vào năm 2021.

Sau khi Thượng viện Mỹ phê chuẩn việc đề cử này vào tháng 6-2021, ông Biden bổ nhiệm cô làm Chủ tịch FTC năm cô mới 32 tuổi. Ngay sau khi Lina Khan được bổ nhiệm, cả Amazon lẫn Facebook đều nộp đơn cho FTC yêu cầu tân chủ tịch phải tự rút khỏi các vụ điều tra, kiện tụng liên quan đến họ do trong quá khứ đã từng thể hiện những quan điểm phê phán họ nên không thể giữ sự khách quan trong quản lý. Khan từ chối thẳng thừng.

Trong vai trò Chủ tịch FTC, Lina Khan được kỳ vọng sẽ biến ý tưởng mang tính cách mạng của cô về chống độc quyền thành hiện thực; buộc các tập đoàn công nghệ lớn phải giảm bớt quy mô ảnh hưởng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ khác gia nhập thị trường.

Không dễ đụng độ các ông lớn

Tuy nhiên, trong trường hợp Lina Khan, nhiều người cũng nhận định một người khởi xướng một cuộc cách mạng chưa hẳn là người thích hợp nhất để lãnh đạo nó. Nên nhớ mặc dù FTC là cơ quan của Chính phủ Mỹ có nhiệm vụ thực thi luật chống độc quyền, nó không thể tùy tiện phán công ty này hay công ty kia là đang vi phạm luật chống độc quyền.

Một trong những con đường thực thi luật là kiện công ty mà FTC cho là có vi phạm ra tòa; FTC lo các vụ kiện dân sự, còn Cục Chống độc quyền của Bộ Tư pháp lo các vụ kiện dân sự lẫn truy tố hình sự. FTC có 5 ủy viên do Tổng thống Mỹ đề cử và Thượng viện Mỹ phê chuẩn nhiệm kỳ 7 năm; trong đó có một ủy viên đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch do Tổng thống Mỹ chọn lựa.

Ở các vụ kiện do FTC dưới quyền Lina Khan khởi xướng, kết quả chưa rõ ràng. Tháng 7 năm ngoái FTC kiện Meta, công ty mẹ của Facebook, cho rằng vụ Meta sáp nhập công ty chuyên về thực tế ảo Within Unlimited là vi phạm luật chống độc quyền nên kiện để ngăn lại, nhưng đầu năm nay tòa xử Meta thắng.

Thất bại này là một cú đấm vào lập trường của Lina Khan khi cho rằng để hạn chế độc quyền ở Meta cần cấm hãng này mua bất kỳ đối thủ nào như một cách triệt tiêu cạnh tranh. Ở một vụ khác, khi FTC kiện không cho hãng làm chip Nvidia mua lại hãng thiết kế chip Arm, Nvidia đồng ý hủy thương vụ trị giá 40 tỉ đô la này.

Phong cách của Lina Khan được đánh giá là “táo bạo”, “luôn ở thế tấn công”, “cấp tiến”… tùy góc nhìn mà xác định đây là những lời khen hay chê bai. Chẳng hạn khi Elon Musk mua lại Twitter, trong vòng 10 tuần FTC liên tục gửi hàng chục công văn cho Twitter đòi giải trình, với 350 yêu cầu cụ thể. Nghị sĩ Hạ viện Mỹ cho rằng làm như thế là tạo gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp. Hai ủy viên FTC thuộc đảng Cộng hòa đã từ chức, FTC giờ chỉ còn 3 ủy viên, tất cả là do phe Dân chủ đề cử.

Kể từ khi Lina Khan làm Chủ tịch, FTC đã phạt các doanh nghiệp Mỹ hàng trăm triệu đô la, ngưng nhiều vụ sáp nhập trong lĩnh vực công nghệ, y tế và hợp đồng quốc phòng. Trong một vụ dàn xếp thuộc loại lớn nhất từ trước tới nay, hãng làm video game Epic Games chịu nộp phạt 520 triệu đô la vì đã dụ dỗ người chơi mua vật phẩm mà không hề hay biết.

Một trong những cuộc chiến “dữ dằn” của FTC là về “quyền sửa chữa”, tức người tiêu dùng phải được quyền sửa chữa các thiết bị họ mua thay vì phải mua mới. FTC triển khai các quy định chống lại những doanh nghiệp công nghệ muốn hạn chế người tiêu dùng tự sửa chữa, trong khi Apple, Microsoft, Amazon và Google đều vận động hành lang để bóp chết dự luật về quyền sửa chữa từ trứng nước.

Hiện nay, câu chuyện thời sự là vụ FTC kiện Microsoft để ngăn cản hãng này mua lại Activision Blizzard trong một thương vụ trị giá 69 tỉ đô la. Activision là hãng làm ra các video game nổi tiếng như Call of Duty hay Candy Crush hiện có chừng 370 triệu người dùng thường xuyên. Nếu sáp nhập vào Microsoft, nơi sản xuất nền tảng chơi game Xbox, FTC cho rằng sẽ tạo ra rủi ro chủ mới ép không cho Activision làm game cho các nền tảng khác như PlayStation của Sony hay Nintendo. Microsoft cãi, họ không có động lực kinh tế để hạn chế kiểu đó.

Lâu nay cơ quan quản lý thường cho phép các vụ sáp nhập hai công ty có hoạt động ở hai lĩnh vực tuy liên quan nhưng không giống nhau và chỉ hạn chế cho sáp nhập các đối thủ cạnh tranh ở cùng một lĩnh vực.

Kết quả vụ kiện sẽ phần nào cho thấy quan điểm chống độc quyền của Lina Khan thắng thế ở thị trường Mỹ hay vẫn còn chưa được chấp nhận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới