Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cuộc đua rót vốn hàng tỉ đô la vào xe điện liệu có tạo nên xu hướng thị trường?

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Năm 2021 chứng kiến cơn bùng nổ của xe điện ở châu Âu, Trung Quốc, Mỹ với một số mẫu xe cháy hàng ngay sau khi mở bán. Bước sang năm 2022, hàng tỉ đô la được đổ vào công nghệ xe điện hay công nghệ sản xuất pin. Liệu xe điện có trở thành xu thế tiêu dùng hay không khi cả những thương hiệu lâu đời lẫn startup  đều cạnh tranh ráo riết.

Xe điện Model 3 được sản xuất tại một nhà máy của Tesla tại Thượng Hải, Trung Quốc, đang chuẩn bị lên đường sang châu Âu. Ảnh: Tesla Oracle.

Cuộc chuyển đổi công nghiệp lớn nhất trong lịch sử chủ nghĩa tư bản

Vào trung tuần tháng 12 năm ngoái, chỉ một tuần sau khi startup của Trung Quốc là Nio ra mắt mẫu ET5 - xe điện chạy được 1.000 km mỗi lần sạc và là đối thủ mới của Tesla Model 3 - thì Huawei cũng công bố chi biết về một mẫu mới cạnh tranh với Tesla Model Y.

Vốn nổi tiếng với điện thoại di động cũng như các sản phẩm viễn thông, Huawei nói sẽ không tự sản xuất ô tô. Hãng làm việc với các hãng xe về công nghệ sử dụng trên ô tô, như công nghệ lái tự động.

Ô tô đầu tiên với hệ thống HarmonyOS của Huawei sẽ là Aito M5 - một chiếc xe chạy bằng cả điện và xăng. Quá trình giao xe sẽ bắt đầu vào khoảng 20-2. Giá bán trước ưu đãi của Aito M5 từ khoảng 39.100 đô la, tức thấp hơn Tesla Model Y - mẫu xe điện Mỹ có giá khoảng từ 44.000 đô la sau khi đã hưởng ưu đãi.

Trong khi đó, ET5 của Nio có giá khởi điểm 51.250 đô la trước ưu đãi, trong khi thế hệ đàn anh ET7 sẽ khoảng từ 70.000 đô la.

Vào năm 2020, Nio nhận khoản đầu tư 1 tỉ đô la. Trong khi đó, tháng 4-2021 vừa qua, Huawei cho biết sẽ rót 1 tỉ đô la vào nghiên cứu các công nghệ xe điện và tự lái, đẩy nhanh các kế hoạch cạnh tranh với Tesla và Xiaomi.

XPeng, một startup khác từ Trung Quốc, đã ra mắt 4 mẫu xe điện, gồm hai mẫu sedan và hai mẫu SUV. XPeng cũng coi Tesla là đối thủ chính, và thậm chí, thuê một cựu nhân viên chuyên về công nghệ lái tự động của Tesla. Trong quý 2-2021, hãng đã đổ gần 200 triệu đô la vào nghiên cứu và phát triển, gấp đôi so với cùng kỳ 2020.

Vào năm ngoái, doanh số bán xe điện tăng vọt ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Nhu cầu mua xe điện mạnh mẽ đến mức các nhà sản xuất yêu cầu người mua phải đặt cọc trước hàng tháng. Và một số mẫu xe điện đã nhận được lượng đơn hàng lớn đến mức nhà sản xuất phải giao liên tục trong hai năm tới mới xong.

Xe điện đang tiến vào thời kỳ đột phá và được dự báo sẽ trở thành xu hướng phổ biến trong năm nay khi các nhà sản xuất ô tô bắt đầu bán các phiên bản chạy điện của một trong những dòng xe xăng yêu thích của người Mỹ: xe bán tải.

Sự xuất hiện của chúng đánh dấu sự chuyển động lớn nhất trong ngành công nghiệp ô tô kể từ khi Henry Ford, người sáng lập hãng xe Ford, giới thiệu dòng xe Model T nổi tiếng vào năm 1908, mở ra thời kỳ xe hơi được sản xuất hàng loạt với giá rẻ hơn.

Trên thực tế, xe điện vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường nhưng đang tăng trưởng nhanh chóng với gần 9% doanh số xe mới được bán trên toàn thế giới vào năm ngoái là xe điện, tăng từ tỉ lệ  2,5% vào năm 2019, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).

Công ty đầu tư Wedbush Securities ước tính ngành công nghiệp ô tô sẽ đầu tư 500 tỉ đô la trong 5 năm tới để chuyển đổi sang xe điện. Số tiền khổng lồ đó sẽ được dùng để trang bị lại và xây dựng nhà máy, đào tạo công nhân, viết phần mềm, nâng cấp các đại lý ... Chỉ tính riêng tại Mỹ, các công ty đang lên kế hoạch xây dựng hơn một chục nhà máy sản xuất xe điện và pin xe điện.

“Đó có lẽ là một trong những cuộc chuyển đổi công nghiệp lớn nhất trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản. Các khoản đầu tư rất lớn với sứ mệnh cũng rất lớn”, Scott Keogh, Giám đốc điều hành chi nhánh hãng Volkswagen (Đức) tại Mỹ, nói.

Theo thời gian, các thành phần pin xe điện như lithium, nickel và cobalt có thể được săn lùng ráo riết hơn cả dầu thô. Giá các loại vật liệu này hiện đang tăng chóng mặt, có thể hạn chế doanh số xe điện trong ngắn hạn do làm tăng giá thành của chúng.

Cơn bùng nổ xe điện đã và đang định hình lại ngành công nghiệp ô tô. Công ty hưởng lợi lớn nhất và là mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự của ngành công nghiệp ô tô hiện nay là hãng xe điện Tesla (Mỹ). Dưới sự chèo lái của Giám đốc điều hành Elon Musk, Tesla đã giao gần một triệu xe trong năm 2021, tăng 90% so với năm 2020.

Doanh số của Tesla vẫn còn nhỏ so với những gã khổng lồ xe hơi truyền thống nhưng lại dẫn đầu phân khúc có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Phố Wall định giá Tesla khoảng 1.000 tỉ đô la, cao gấp hơn 10 lần so với vốn hóa thị trường của hãng xe General Motors. Điều đó có nghĩa là Tesla, công ty đang xây dựng nhà máy ở bang Texas và Đức, có thể dễ dàng mở rộng doanh số.

Xe điện phân khúc cao cấp bán chạy

Hầu hết các nhà phân tích đều nhận thấy rằng xe điện chỉ thực sự cất cánh khi giá bán của chúng ngang bằng với xe chạy xăng trong vài năm tới. Nhưng trước các tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu và các lợi ích dễ nhận thấy của xe điện như dễ bảo trì, chi phí vận hành rẻ hơn, trải nghiệm lái xe thú vị, ngày càng có nhiều người thu nhập cao chuyển sang sử dụng xe điện.

Năm ngoái, mẫu xe sedan chạy điện Taycan của hãng Porsche có giá bán khởi điểm khoảng 83.000 đô la, đạt doanh số  41.000 xe, bán chạy hơn cả hơn mẫu xe 911 chạy xăng biểu tượng của hãng này. Hãng Mercedes-Benz đã bán được gần 100.000 xe hơi và xe van chạy điện vào năm ngoái, tăng 90% so với năm trước đó.

Ford sẽ sớm bắt đầu bán mẫu xe Lightning, phiên bản chạy điện của dòng xe bán tải truyền thống F-150 Lightning, vốn đứng đầu bảng xếp hạng doanh số bán xe ở Mỹ trong nhiều thập kỷ. Ban đầu, Ford lên kế hoạch có sản xuất 75.000 chiếc Lightning mỗi năm. Nhưng nhu cầu quá lớn khiến công ty đang chạy đua để tăng gấp đôi sản lượng, Lightning có giá bán từ 40.000 đến hơn 90.000 đô la tùy phiên bản. Ford đã ngừng nhận đặt mua trước mẫu xe này sau khi tích lũy được 200.000 đơn hàng.

"Chúng tôi sẽ có thể bán tất cả lượng xe Lightning mà chúng tôi có thể sản xuất", Hau Thai-Tang, Giám đốc nền tảng sản phẩm và hoạt động của Ford, nói.

Ngày càng có nhiều lựa chọn cho các mẫu xe bán tải và xe thể thao đa dụng (SUV) chạy điện dành cho những khách hàng không thích những chiếc xe điện tối giản của Tesla, vốn được yêu chuộng ở các thành phố ven biển và vùng ngoại ô.

Nếu chuỗi cung ứng không bị tắc nghẽn, doanh số xe điện trên toàn cầu đáng lẽ có thể còn cao hơn trong năm 2021, Volkswagen đã bán được khoảng 17.000 chiếc xe điện ID.4 dòng SUV tại Mỹ trong năm ngoái, nhưng có thể bán được gấp bốn lần con số đó nếu chuỗi cung ứng thông suốt, theo Scott Keogh, Giám đốc điều hành chi nhánh hãng Volkswagen (Đức) tại Mỹ.

Mike Sullivan, chủ sở hữu chuỗi đại lý xe hơi LAcarGUY (Mỹ), đã bán hết sạch xe ID.4 chỉ vòng vài tuần sau khi chúng được đưa đến các showrom. Ông nói: “Sau khi chúng tôi tiếp nhận ID.4, nó ngay lập tức trở thành mẫu xe bán chạy nhất. Nguồn cung sẽ tăng trong năm nay khi Volkswagen bắt đầu sản xuất ID.4 tại Chattanooga, bang Tennessee, thay vì nhập khẩu chúng từ Đức”.

Ở phân khúc cao cấp, xe điện có giá bán cạnh tranh so với xe chạy xăng và có thể giúp người mua tiết kiệm hàng ngàn chi phí bảo dưỡng và xăng dầu hàng năm. Xe điện không cần thay dầu và chi phí điện thường rẻ hơn xăng cho mỗi dặm hành trình.

Mễu xe điện sedan Model 3 của Tesla và mẫu xe sedan chạy xăng XF P250 của thương hiệu Jaguar có giá bán lẻ khoảng 46.000 đô la. Nhưng chi phí sở hữu xe Tesla trong 5 năm sẽ ít tốn kém hơn 16.000 đô la so với XF P250, theo tính toán của Công ty định giá xe Kelley Blue Book. Mẫu xe bán tải chạy điện Cybertruck của Tesla được cho là đã nhận được 1,2 triệu lượt đặt cọc mua dù chưa sản xuất.

Phiên bản chạy điện của mẫu xe bán tải F-150 Lightning được lắp ráp tại nhà máy của hãng Ford tại Dearborn, bang Michigan, Mỹ. Ảnh: The New York Times

Cuộc đua chưa có dấu hiệu giảm nhiệt

Vào tháng 12 năm ngoái, lần đầu tiên, doanh số xe điện bán chạy hơn xe chạy bằng động cơ diesel ở châu Âu. Theo Matthias Schmidt, một nhà phân tích độc lập ở Berlin (Đức), tại 18 nước, bao gồm cả Anh, hơn 20% doanh số xe mới là xe điện.

Vào năm 2015, hơn một nửa số doanh số xe mới của châu Âu chạy bằng động cơ diesel. Nhưng các biện pháp khuyến khích của chính phủ đối với xe điện và các biện pháp xử phạt tiền đối với các nhà sản xuất ô tô không đạt mục tiêu giảm phát thải carbon, đã thay đổi phương trình. Xe điện chiếm khoảng 4% doanh số xe mới vào năm ngoái ở Mỹ, tăng so với tỉ lệ 2% vào năm 2020 và được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong năm nay.

Hãng Ford cho biết đã bán được 13.169 xe điện trong tháng 1-2022, mức cao kỷ lục trong lịch sử ở phân khúc này của Ford và chỉ đứng sau doanh số xe điện của Tesla. Với triển vọng kinh doanh xe điện sáng sủa, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ford, Jim Farley tự tin tuyên bố nâng gấp đôi công suất xe điện trên toàn cầu của Ford, lên ít nhất 600.000 xe vào năm 2023.

Các hãng xe chậm ra mắt xe điện có thể chật vật cạnh tranh trong những năm tới. Toyota, công ty tiên phong trong lĩnh vực xe lai sạc điện (plug-in hybrid) chưa tung ra thị trường bất cứ mẫu xe thuần điện nào  cho đến cuối năm nay. Hãng này sẽ chưa ra mắt phiên bản chạy điện của dòng xe bán tải RAM để cạnh tranh với Lightning của Ford  cho đến năm 2024.

Trong khi đó, các đối thủ Trung Quốc như hãng xe SAIC, sở hữu thương hiệu xe MG của Anh, đang tận dụng sự thay đổi công nghệ để thâm nhập vào châu Âu và các thị trường khác. Các hãng xe điện non trẻ như Lucid, Rivian của Mỹ và Nio của Trung Quốc đang đi theo sách lược của Tesla.

Các tên tuổi xe hơi truyền thống sẽ phải vất vả vừa phát triển vừa tích lũy kinh nghiệm trong lĩnh vực xe điện. Năm ngoái, General Motors đã phải thu hồi hơn 140.000 chiếc xe chạy điện Chevrolet Bolt  trên toàn cầu để khắc phục các vấn đề ở pin có thể gây cháy.

Theo NYT, Bloomberg, CNBC

2 BÌNH LUẬN

  1. Xe điện là xu thế chuyển đổi chiến lược mang tầm vóc thế kỷ. Nếu nhanh chân thì sẽ chớp lấy thời cơ, Nếu chậm thì một lần nữa “trâu chậm uống nước đục”. Tuy nhiên cuộc chơi này sẽ không dễ dàng như trước đây đối với xe động cơ đốt trong. Bởi lẽ, động cơ đốt trong tiến hóa theo quy luật thông thường, từ thấp đến cao, đơn giản đến phức tạp. Trong khi xe điện sẽ tiến hóa với quy luật thần tốc nhờ vào những ưu việt công nghệ 4.0 ngày nay. Khác biệt ở chỗ, đây chính là cuộc chuyển đổi vĩ đại về thái độ sống. Người sử dụng sẽ sớm thay đổi từ thói quen “dùng xe/ chơi xe/ mê xe”… sang “tin/ yêu” xe thông qua “tính nhân bản” của nó. Lợi thế không chỉ thuộc về nhà sản xuất chiếm ưu thế về công nghệ/ thị trường, quan trọng hơn là biết chinh phục xu thế mới. Theo đó nhà sản xuất không chỉ biết chế tạo ra những chiếc xe mới, mà còn biết sáng tạo ra làn sóng văn hóa tiêu dùng mới, gắn với tính nhân văn, với tình yêu thiên nhiên, cuộc sống…

  2. Một số nhà công nghệ lớn đã bắt đầu triển khai đường lối này. Như Samsung, đã tuyên bố sẽ sản xuất smartphone làm từ rác thải của lưới đánh cá, một loại rác thải đang làm biển bị ô nhiễm nặng. VinFast cũng vậy, với giải thưởng VinFuture, hi vọng sẽ góp phần đánh thức nhận thức của nhân loại về một thế giới an toàn và đáng sống hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới