Thứ Bảy, 28/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cuộc đua số hóa: động lực và áp lực của công ty chứng khoán

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cuộc cạnh tranh “số hóa” trong lĩnh vực chứng khoán đang tạo động lực phát triển cho công ty chứng khoán, đồng thời tạo ra nhiều lợi ích cho nhà đầu tư.

Khách hàng có thể dễ dàng truy cập vào tài khoản chứng khoán của DNSE ngay trên màn hình chính của Ví điện tử ZaloPay. Ảnh minh hoạ: H.T

Cuộc đua “số hoá” trên thị trường chứng khoán

Khoảng 20 năm trước, đầu tư chứng khoán ở Việt Nam là cuộc đua ai nhanh tay hơn đưa được lệnh giấy vào quầy giao dịch. Ngày nay, trải nghiệm đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam đã hoàn toàn khác, đặc biệt với sự hỗ trợ của công nghệ.

Năm 2020, Công ty chứng khoán DNSE tiên phong mở tài khoản định danh e-KYC số hóa 100%, sau đó hầu hết các công ty chứng khoán khác đều đã triển khai tính năng này. Bước chuyển e-KYC tạo ra cách thức vận hành mới, khi việc mở tài khoản của khách hàng không cần phải thực hiện trực tiếp tại quầy. Điều này giúp cả công ty chứng khoán và nhà đầu tư hoàn toàn nắm quyền chủ động, tiết kiệm về thời gian và chi phí.

Các nền tảng giao dịch của các công ty chứng khoán đã có những bước phát triển nhảy vọt về công nghệ, trong đó, xu hướng phát triển các ứng dụng trên điện thoại thông minh (Mobile App) đã tạo cú hích trong cuộc đua số của các công ty chứng khoán. Chỉ với một chiếc điện thoại hay Tablet được kết nối wifi cùng tài khoản đã mở, nhà đầu tư có thể bắt đầu giao dịch mua bán cổ phiếu ở bất cứ nơi đâu.

Ứng dụng giao dịch được tích hợp các tính năng thông minh và cần thiết như cập nhật thông tin theo thời gian thực, phân tích kỹ thuật, đặt lệnh nhanh chóng… giúp trải nghiệm đầu tư của khách hàng tối ưu hơn. Ứng dụng giao dịch giúp đơn giản hóa câu chuyện đầu tư khi khách hàng không còn phải đến trực tiếp các sàn giao dịch hay công ty chứng khoán, tiến hành đặt lệnh mua/bán cổ phiếu thông qua môi giới, chuyên viên kỹ thuật hay liên hệ bằng gọi điện thoại như trước.

Tầm nhìn và tư duy quốc tế về công nghệ được nhiều công ty chứng khoán áp dụng để tăng “hàm lượng” chuyển đổi số, mở lối đưa nhiều giải pháp công nghệ hỗ trợ và tư vấn cho nhà đầu tư. Chẳng hạn, DNSE cung cấp tính năng AI Broker (Môi giới ảo) sử dụng công nghệ máy học (machine learning) và trí tuệ nhân tạo (AI) để lọc, tổng hợp các thông tin về cổ phiếu cũng như doanh nghiệp và gửi thông báo cá nhân hóa theo đúng nhu cầu của nhà đầu tư. Khác với môi giới truyền thống, môi giới bằng AI Broker giữ được tính khách quan, không bị chi phối bởi cảm xúc, có khả năng phục vụ số lượng lớn nhà đầu tư cùng một thời điểm.

Ngoài ra, tính năng Margin Deal cho người dùng nắm rõ lãi và lỗ trên từng giao dịch thay vì gộp thành giá trung bình – đây cũng là hệ thống tiên phong của công ty chứng khoán nhằm hỗ trợ quản lý rủi ro, giúp tránh tối đa cross – sell cổ phiếu tốt trong danh mục khi tài khoản bị call – margin (bán giải chấp). Trong khi đó, một số công ty chứng khoán khác cung cấp sản phẩm i-Invest, dựa trên dữ liệu giao dịch, các chỉ số tài chính, định giá để đưa ra các mã cổ phiếu theo yêu cầu của nhà đầu tư hoặc dịch vụ copy trading, cho phép nhà đầu tư sao chép giao dịch của nhà đầu tư khác…

Trước DNSE, một số đơn vị đã rục rịch đầu tư ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào chứng khoán Việt. Chẳng hạn, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) chính thức mở cổng đăng nhập cho nhà đầu tư trải nghiệm hệ thống iBroker (môi giới ảo) vào năm 2019. Cùng năm, công ty công nghệ DATX Việt Nam ra mắt với việc ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn và AI vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều công ty chứng khoán khác cũng tập trung ứng dụng công nghệ 4.0 vào đầu tư chứng khoán.

Ông Nguyễn Phúc Nguyên, Giám đốc công nghệ thông tin của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), đánh giá công nghệ phát triển đã ảnh hưởng sâu rộng đến ngành chứng khoán, làm thay đổi hành vi của nhà đầu tư, tạo ra một cuộc chạy đua giữa các công ty chứng khoán.

Nếu như trước đây, khách hàng phải đến công ty chứng khoán để đặt – chốt lệnh, thì hiện không còn ai đến công ty chứng khoán để viết phiếu lệnh, khách hàng cũng không sử dụng nhiều máy tính mà sử dụng điện thoại di động để thực hiện toàn bộ giao dịch.

“Công nghệ đã mở ra cánh cửa cho giao dịch chứng khoán trực tuyến, cho phép nhà đầu tư tự do truy cập thị trường mọi lúc mọi nơi thông qua nền tảng trực tuyến và ứng dụng di động”, ông Nguyên nói tại một talkshow về công nghệ “biến hóa” trải nghiệm khách hàng.

Còn bà Phạm Thị Thanh Hoa, Tổng giám đốc DNSE – một trong những đơn vị đầu tiên trên thị trường ứng dụng mô hình vận hành không môi giới và không phí giao dịch – cho biết nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nhân viên môi giới, do hiểu biết và kinh nghiệm hạn chế. Nhưng với việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động giao dịch dần phổ biến thì số lượng nhà đầu tư có kiến thức, kinh nghiệm, có thể giao dịch một cách chủ động ngày càng nhiều.

“Trong đầu tư thì bản lĩnh, làm chủ cảm xúc là những điều tối quan trọng nếu muốn tham gia thị trường lâu dài. Tư vấn từ môi giới không thể tránh khỏi những quyết định mang tính cá nhân, chủ quan và cảm tính. Trong khi đó, với sự phát triển của công nghệ, dữ liệu, thông tin thị trường được hệ thống của công ty chứng khoán xử lý với tốc độ, độ chính xác cao, cập nhật liên tục, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tiếp cận một cách tiện lợi, tiết kiệm thời gian, chủ động đánh giá, ra quyết định” bà Hoa nói và cho biết một môi giới chỉ có thể phục vụ tối đa 30-50 khách hàng một lúc, còn hệ thống tư vấn bằng công nghệ hoàn toàn có thể phục vụ hàng chục nghìn khách hàng.

Thay vì tư vấn thông qua nhân viên môi giới, doanh nghiệp nơi bà đang công tác sẽ hỗ trợ khách hàng bằng môi giới ảo (AI Broker) – được tích hợp thuật toán – để tự động lọc, cập nhật thông tin súc tích nhất về mã cổ phiếu, tin vĩ mô…

“AI Broker gợi ý ý tưởng đầu tư dựa trên mã cổ phiếu khách hàng quan tâm, giúp họ tiết kiệm được thời gian mà vẫn nhận được thông tin sát, cập nhật nhất theo nhu cầu cá nhân”, bà Hoa nói với KTSG Online.

Một chiến lược nữa để tiếp cận khách hàng được doanh nghiệp đẩy mạnh, đó là phối hợp với các đối tác về dữ liệu, thông tin tài chính. Thông qua việc tích hợp API với các đơn vị này, nhà đầu tư được trải nghiệm đầu tư chứng khoán “một chạm”, không cần chuyển đổi nền tảng. Ví dụ, sau khi khách hàng theo dõi phân tích chuyên sâu về chứng khoán trên FiinTrade, họ có thể trực tiếp giao dịch trên FiinTrade, không cần chuyển đổi sang ứng dụng của DNSE.

Làm gì để thích ứng với bối cảnh mới?

Trong bối cảnh công nghệ tạo ảnh hưởng sâu rộng đến ngành chứng khoán, làm thay đổi hành vi của nhà đầu tư thì bản thân các công ty chứng khoán và đơn vị tư vấn đầu tư, ông Nguyễn Phúc Nguyên chi rằng phải có sự hỗ trợ nhà đầu tư để trình độ số hoá của khách hàng tăng lên, giúp nhận thức được những lợi ích và rủi ro mang đến cho mình. Đồng thời, cần có những kênh đơn giản để những khách hàng chưa kịp nâng cấp trình độ có thể tiếp tục sử dụng các dịch vụ.

Với bản thân BVSC, ông Nguyên cho biết với đặc trưng là đơn vị hoạt động lâu năm trên thị trường nên có một lượng lớn khách hàng lớn tuổi. Với tập khách hàng này, họ ít có khả tiếp cận với công nghệ mới như khách hàng gen Z, nên các công ty chứng khoán sẽ phải cung cấp một dịch vụ khác như tiếp cận người với người, gặp gỡ chuyên viên, chuyên gia…

“Tại thời điểm đấy, chúng ta phải áp dụng công nghệ theo một cách khác để nâng cấp những chuyên viên tư vấn đầu tư về mặt chất lượng, để phục vụ tốt hơn cho tập khách hàng lớn tuổi”, ông Nguyên lưu ý.

Nhìn chung, trong một thị trường ngày càng cạnh tranh và đa dạng, đầu tư công nghệ của các công ty chứng khoán là một cuộc đua rất lớn để cung cấp những dịch vụ và công nghệ tiên tiến nhất giúp thu hút và giữ chân nhà đầu tư.

Để đạt hiệu quả cho các bên, ông Nguyên cho rằng, khách hàng có xu hướng ngày càng quan tâm đến hiệu quả thực chất của đầu tư. Ngoài ra, khách hàng không chỉ quan tâm công ty chứng khoán ở đâu mà còn quan tâm dịch vụ chứng khoán nhiều hơn. Theo đó, nơi nào có dịch vụ tốt và hiệu quả thì họ sẽ quan tâm.

“Đây là điểm mấu chốt để phân biệt công ty chứng khoán này với công ty chứng khoán khác”, ông Nguyên lưu ý.

Thực tế, công nghệ sẽ giúp nhà đầu tư đầu tư an nhàn hơn, nhưng công nghệ không thể thay thế con người trong đầu tư chứng khoán. Đây là điều mà nhà người trên thị trường đang lầm tưởng.

“Công nghệ có thể phát triển để học thói quen đầu tư của nhà đầu tư, nắm bắt tín hiệu, cơ hội thị trường. Nhưng không thể giúp nhà đầu tư nhận biết nhận biết tình hình vĩ mô như thế nào, báo cáo tài chính doanh nghiệp có sai hay không, đánh giá mức độ trung thực của báo cáo tài chính, những xu thế, tác động khác mà công nghệ không thể xác định được. Đôi khi công nghệ chỉ nhìn thấy được cục bộ, nhưng toàn bộ thì công nghệ không dự đoán được, quyết định được thay cho con người”, đại diện BVSC lưu ý

Với một thị trường mà nhiều mã chứng khoán có tính “realtime”, nhảy múa liên tục, có những tín hiệu bất ngờ xuất hiện, vị này cho rằng công nghệ có thể tìm ra có những điểm mua, “gap” chênh lệch cho nhà đầu tư. Đôi khi, dựa vào danh mục cổ phiếu nhà đầu tư đang có, với nền tảng công nghệ tốt sẽ mang lại cho nhà đầu tư những tin tức, cập nhật tức thời, cá nhân hoá cho danh mục đầu tư của họ.

“Công nghệ sẽ mang lại sự trợ giúp rất lớn cho những nhà đầu tư biết sử dụng công nghệ để nhìn thấy cơ hội từ sớm, và hành trình đầu tư trở nên an nhàn hơn”, ông Nguyên khẳng định.

Còn bà Phạm Thị Thanh Hoa thừa nhận việc ứng dụng những công nghệ như: mở tài khoản e-KYC trực tuyến, nạp – rút tiền 24/7, hệ thống quản trị rủi ro theo từng giao dịch (Margin Deal), môi giới ảo (AI Broker)… đã giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận những nhà đầu tư trẻ nhờ những lợi thế riêng. Chẳng hạn, hệ thống quản trị giao dịch ký quỹ theo từng gói vay (Margin Deal) cho phép nhà đầu tư tính toán lãi lỗ một cách chi tiết, để họ có thể quản trị rủi ro theo từng khoản vay, thay vì quản trị giao dịch ký quỹ theo từng tài khoản – vốn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Bảo mật – yếu tố sống còn với nhà cung cấp dịch vụ đầu tư

Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, đại diện các công ty chứng khoán đánh giá bảo mật sẽ là yếu tố mang tính chất sống còn với các đơn vị. Theo đó, các công ty chứng khoán có đặc thù dữ liệu là realtime (thời gian thực), giao dịch tức thời nên hậu quả sẽ rất khủng khiếp nếu xảy ra rủi ro về bảo mật.

Ngoài ra, xuất hiện không ít đối tượng lừa đảo liên lạc với nhà đầu tư, mời tham gia các hội – nhóm, khóa học đầu tư chứng khoán. Sau khi nhà đầu tư đồng ý, các đối tượng đề nghị kết bạn qua ứng dụng Zalo và tiếp tục giới thiệu những cơ hội đầu tư sinh lời cao, được mua các mã cổ phiếu trên các sàn chứng khoán tại Việt Nam với giá thấp hơn giá đang giao dịch trên thị trường.

Tin tưởng các đối tượng, nhiều nhà đầu tư đã chuyển số tiền lớn vào tài khoản giao dịch hoặc ứng dụng, nên rất dễ bị thao túng tâm lý và phải chuyển tiền thêm để không bị mất số tiền đã nộp trước đó. Khi thấy nhà đầu tư không còn khả năng chuyển tiền, các đối tượng vô hiệu hóa tài khoản hoặc khiến cho tài khoản không đăng nhập được, nhằm chiếm đoạt số tiền đã nạp vào tài khoản.

Với bối cảnh trên, ông Nguyễn Phúc Nguyên cho rằng các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, cũng như các nhà cung cấp dịch vụ khác phải xây dựng hàng rào phòng chống tấn công và hàng rào liên quan đến bảo mật khi bắt đầu cung cấp dịch vụ trực tuyến.

Bên cạnh đó, có một lĩnh vực khác khó hơn mà công ty chứng khoán tập trung là hỗ trợ khách hàng hiện tại. Tức giúp khách hàng tự bảo vệ họ tốt hơn qua các sản phẩm, hình thức giao dịch, cũng như các trao đổi với khách hàng.

“Đôi khi khách hàng click phải một cái link bị ăn cắp mật khẩu rất nhiều. Thậm chí việc tấn công cũng rất đơn giản chỉ là việc mua một mã chứng khoán không phải chuyển tiền ra, về mặt thực tế là họ không lấy tiền ra nên soi khó nhưng họ có thể tác động lên giá một cổ phiếu nào đấy hoặc theo một cách khác. Đây là những nguy cơ hiện hữu với khách hàng”, ông Nguyên cảnh báo.

Với nhà đầu tư, ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dữ liệu và công nghệ tài chính WiGroup, lưu ý hai yếu tố.

Về kiến thức, đối tượng này cần được bổ sung kiến thức về công nghệ cơ bản. Chẳng hạn, “AI là gì?”, “Những vấn đề, sai sót AI thường mắc phải trong quá trình vận hành?”.

Về thông tin, nhà đầu tư nên lựa chọn các đơn vị đầu ngành, có nhiều năm kinh nghiệm và sở hữu uy tín lớn, thay vì chỉ tập trung vào chi phí tư vấn – giao dịch – sử dụng dịch vụ.

“Việc tập trung quá nhiều vào chi phí có thể khiến nhà đầu tư vô tình lựa chọn những đơn vị sơ hữu hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, bài bàn, qua đó tạo ra rủi ro cho chính mình”, ông Báu nói với KTSG Online.

Về phía các cơ quan quản lý, đại diện WiGroup mong muốn những đơn vị này sớm đưa ra định nghĩa rõ ràng về “công ty chứng khoán công nghệ” và “nền tảng công nghệ”. Đồng thời, yêu cầu các công ty chứng khoán phải chia sẻ rõ về ưu/nhược điểm của nền tảng công nghệ đang triển khai.

“Điều này giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn cảnh về đơn vị cung cấp dịch vụ và công nghệ”, ông Báu lý giải.

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới