Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cuộc đua thị phần môi giới chứng khoán thêm ‘nóng’

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giao dịch trên thị trường chứng khoán hạ nhiệt phần nào đã làm thu hẹp đáng kể doanh thu từ mảng môi giới và hoạt động cho vay ký quỹ của công ty chứng khoán, điều này khiến ‘sức nóng’ trong cuộc chạy đua giành thị phần môi giới trên thị trường này càng thêm nóng.

‘Miếng bánh’ thị phần dần thu hẹp

Sau giai đoạn 2020-2021 bùng nổ, các chỉ số trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn sụt giảm mạnh từ quí 2-2022 do tác động tiêu cực từ xung đột Nga – Ukraine, lạm phát tăng cao trên toàn cầu, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới (điển hình là Ngân hàng Dự trữ liên bang Hoa Kỳ – Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ, các vụ khởi tố lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp lớn trong nước. Tất cả khiến tâm lý của nhà đầu tư cá nhân, vốn chiếm 90% cơ cấu nhà đầu tư trên TTCK, dần trở nên thận trọng hơn.

Kết quả, giá trị khớp lệnh bình quân mỗi phiên giai đoạn từ tháng 5-2022 tới nay giảm hơn 50% so với mức đỉnh, thậm chí có nhiều phiên dưới mức 10.000 tỉ đồng.

Dòng tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 sụt giảm mạnh so với hai năm trước. Ảnh: LÊ VŨ

Thị trường giao dịch ảm đạm khiến hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán thu hẹp. Theo đó, không ít công ty chứng khoán ghi nhận doanh thu môi giới quí sau thấp hơn so với quí liền trước.

Riêng quí 4-2022, tổng doanh thu hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán chỉ còn gần 3.000 tỉ đồng, giảm gần 55% so với giai đoạn bùng nổ trong quí 4-2021. Tính chung cả năm 2022, tổng doanh thu môi giới chỉ xấp xỉ 15.400 tỉ đồng, giảm gần 23% so với năm 2021.

Công ty cổ phần Chứng khoán VPS – đơn vị dẫn đầu về thị phần môi giới chứng khoán 8 quí liên tiếp – ghi nhận doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán lần lượt ở mức 550 tỉ đồng và 2.851,6 tỉ đồng trong quí 4 và cả năm 2022, lần lượt giảm 50% và giảm 9% so với cùng kỳ năm 2021.

Lãi từ các khoản cho vay và phải thu của VPS, vốn chiếm 15% doanh thu hoạt động, chỉ đạt 254,7 tỉ đồng trong quí 4-2022, giảm 20%.

Công ty cổ phần Chứng khoán SSI – đơn vị đứng thứ hai về thị phần môi giới chứng khoán – ghi nhận doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán lần lượt ở mức 318,8 tỉ đồng và 1.706,7 tỉ đồng trong quí 4 và cả năm 2022, lần lượt giảm 60% và giảm 32,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Lãi từ các khoản cho vay và phải thu của SSI đạt 345,3 tỉ đồng trong quý 4-2022, giảm 38%.

Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), đơn vị ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 4-2022 trong nhóm các công ty chứng khoán, cũng ghi nhận doanh thu môi giới chứng khoán và lãi từ các khoản cho vay và phải thu lần lượt giảm 56,9% và giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021.

Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư không chỉ tác động trực tiếp đến doanh thu môi giới của nhóm các công ty chứng khoán, mà còn khiến nhu cầu sử dụng các khoản vay ký quỹ (margin) để làm đòn bẩy tài chính cũng thu hẹp đáng kể, đặc biệt trong quí 4-2022. Theo đó, dư nợ margin cấp cho các khách hàng của VPS chỉ đạt gần 6.170 tỉ đồng tính tới 31-12-2022, giảm 4.400 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm.

Tương tự, nhiều công ty chứng khoán đã giảm hàng ngàn tỉ đồng dư nợ margin trong 3 tháng cuối năm như Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) với dư nợ margin ở mức 9.354 tỉ đồng tính tới 31-12-2022, giảm 6.545 tỉ đồng; SSI với dư nợ margin ở mức 11.057 tỉ đồng, giảm 4.515 tỉ đồng; Công ty cổ phần chứng khoán TPHCM (HSC) với dư nợ margin ở mức 7.378 tỉ đồng, giảm hơn 6.300 tỉ đồng.

Theo dự báo của FiinRatings, các công ty trong khối ngành chứng khoán sẽ tiếp tục giảm quy mô margin, thu hẹp quy mô kinh doanh trong năm 2023 so với năm 2022 nhằm chờ đợi tín hiệu tích cực hơn từ vĩ mô. FiinRatings cũng cho rằng ảnh hưởng từ kinh tế vĩ mô với mặt bằng lãi suất gia tăng khiến kênh chứng khoán trở nên ít hấp dẫn hơn trong năm 2023, một mặt kéo dòng tiền về kênh tiền gửi tiết kiệm, mặt khác khiến chi phí vốn gia tăng.

Cuộc cạnh tranh thị phần thêm ‘nóng’

Về thị phần của các công ty chứng khoán, thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) cho thấy VPS tiếp tục dẫn đầu về thị phần môi giới cổ phiếu, tuy nhiên thị phần của doanh nghiệp đã giảm từ mức 18,71% và quý 3-2022 xuống mức 14,81% vào quý 4-2022. SSI tiếp tục đứng thứ hai, nhưng thị phần giảm từ 11,05% xuống 9,84%.

Xếp sau hai doanh nghiệp trên là VNDirect với 7,51%, Mirae Asset với 6,31%, HSC với 6,19%, VCSC với 5,14%, MBS với 4,88%, TCBS với 3,73%.

Trong số các doanh nghiệp trên, VCSC có bước thăng tiến từ vị trí thứ tám vào quý 3 lên vị trí thứ sáu vào quý 4. Ngược lại, TCBS giảm từ vị trí thứ sáu vào quý 3 xuống vị trí thứ tám vào vị trí thứ tư.

MBS giữ nguyên vị trí thứ bảy với thị phần tăng nhẹ lên 4,88%. KIS cải thiện thị phần khá mạnh mẽ, từ 2,99% trong quý trước đó lên 3,48% trong quý vừa qua, đồng thời thăng hạng lên vị trí số chín.

VDSC lần đầu lọt nhóm 10 công ty có thị phần lớn nhất sàn HOSE sau một thời gian mở rộng thị phần, xếp vị trí thứ mười với 3,24%. Cái tên mà VDSC thế chân trong bảng xếp hạng là FPTS.

Tính chung chung cả năm 2022, 10 doanh nghiệp nắm giữ thị phần môi giới chứng khoán lớn nhất sàn HOSE vẫn là những cái tên quen thuộc, chỉ có sự thay đổi về vị trí. Cụ thể, VPS dẫn đầu với 17,38%, SSI đứng thứ hai với 9,84%. VNDIRECT và HSC giữ vững vị trí thứ ba và thứ tư với 7,88% và 5,72%.

Mirae Asset từ vị trí thứ bảy vươn lên thứ năm với với 5,47%. 5 công ty chứng khoán xếp sau lần lượt là TCBS, VCSC, MBS, FPTS, KIS.

Giữ được thị phần khi tổng quy mô giao dịch toàn thị trường thu hẹp khiến nhiều công ty chứng khoán đánh đổi bằng hiệu quả. Tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu riêng mảng môi giới đã giảm đáng kể.

Trong số 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị phần trên sàn HOSE, doanh thu môi giới giảm chưa đến 20%, nhưng lãi gộp mảng này giảm tới 28,2%. Biên lợi nhuận gộp mảng môi giới của VPS giảm từ 22% trong quý IV/2021 xuống còn 12% quý IV/2022. SSI chỉ gần hòa vốn ở mảng môi giới trong quý IV/2022, trong khi cùng kỳ năm trước, cứ mỗi 100 đồng doanh thu môi giới, chỉ cần bỏ ra 63 đồng chi phí.

Nhiều công ty khác cũng chấp nhận kinh doanh không đủ bù chi phí như Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI), Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS), hay Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS). Dù nguồn thu chính vẫn đến từ tự doanh trái phiếu, VPBankS đang thúc nguồn thu từ môi giới và cho vay ký quỹ. Riêng ở mảng môi giới, công ty này chấp nhận bỏ 10 đồng chi phí, dù nhận về chưa đến 6 đồng doanh thu.

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới