Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cuộc đua tốc độ trong thị trường giao nhận trị giá tỉ đô la

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, thị trường bưu chính, chuyển phát hàng hóa cũng tăng trưởng mạnh mẽ và dự báo sẽ đạt doanh thu gần 5 tỉ đô la vào năm 2030 (gấp đôi hiện tại). Hiện thị trường này có gần 800 doanh nghiệp tham gia. Để thu hút khách hàng, các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm mọi cách để giảm thời gian giao hàng, tốc độ giao hàng nhanh và giá cả cạnh tranh hơn.

Nhân viên Viettel Post đi giao hàng. Ảnh: DNCC

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu dịch vụ bưu chính, chuyển phát của Việt Nam năm 2022 ước đạt 52.300 tỉ đồng, tăng hơn 16% so với năm 2021. Hiện thị trường có gần 800 doanh nghiệp bưu chính, trong đó số doanh nghiệp mới ra nhập thị trường tăng 12% trong năm 2022.

Còn theo Allied Market Research, thị trường bưu chính chuyển phát Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hơn 24% mỗi năm trong giai đoạn 2022-2030 và ước đạt doanh thu khoảng 114.680 tỉ đồng vào năm 2030 (gần 5 tỉ đô la Mỹ).

Cuộc đua ứng dụng công nghệ

Trước áp lực cạnh tranh, thời gian qua chất lượng dịch vụ bưu chính chuyển phát được cải thiện nhờ các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực. Hiện doanh nghiệp nào có tốc độ chuyển hàng nhanh hơn, giá cạnh tranh hơn sẽ chiếm ưu thế.

Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) là một doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực bưu chính chuyển phát. Tham gia thị trường sau nhiều doanh nghiệp lớn có tên tuổi nên GHTK đã chọn hướng đi là công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực bưu chính - đẩy mạnh số hoá và ứng dụng dữ liệu để cung cấp dịch vụ.

Chính nhờ chọn hướng đi này mà sau 10 năm tham gia thị trường, doanh nghiệp này đã đóng góp 16,44% doanh thu toàn ngành. Đến năm 2022, GHTK cán mốc giao nhận 1 tỉ đơn hàng, phục vụ hơn một triệu nhà bán lẻ trực tuyến trên toàn quốc với hệ thống hơn 1500 bưu cục, hơn 2500 xe tải cùng hơn 30.000 người giao hàng.

Ra đời năm 2013, GHTK định vị là công ty công nghệ, phục vụ dịch vụ hậu cần thương mại điện tử, lấy nhà bán lẻ trực tuyến làm khách hàng mục tiêu. Ưu thế của GHTK là tốc độ nhanh, mạng lưới phủ sóng rộng trên toàn quốc và đặc biệt là thế mạnh trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới phục vụ cho hoạt động bưu chính.
Xuất phát từ nhu cầu tiết kiệm, logic của GHTK rất đơn giản là tối ưu tốc độ nhanh dựa trên lợi thế về công nghệ. Ngay từ ngày mới thành lập với vài chục người giao hàng phục vụ vài chục cửa hàng, GHTK đã có vị trí giám đốc công nghệ để nghiên cứu trải nghiệm người dùng và phát triển sản phẩm nhằm chuẩn hóa, hệ thống hóa cách thức làm việc, quản lý nhân sự, vận hành và chất lượng dịch vụ… đều được xử lý trên thiết bị di động. Nhờ đầu tư mạnh cho công nghệ, tất cả tương tác, giao dịch diễn ra mỗi ngày trên hệ thống GHTK đều được xử lý ngay tức thì theo thời gian thực.

Cũng là một startup trong lĩnh vực bưu chính, do sinh sau đẻ muộn so với một số doanh nghiệp lớn có thâm niên trên thị trường nên Giao Hàng Nhanh chọn cách cạnh tranh thu hút khách bằng cải thiện tốc độ giao hàng. Sau 10 năm tham gia thị trường, hiện Giao Hàng Nhanh đã có mạng lưới hơn 1000 xe tải và 20 kho trung chuyển. Công ty này còn đầu tư quy trình phân loại hàng hóa tự động đạt đến 2 triệu đơn/ngày, tiết kiệm 600 nhân công và rút ngắn thời gian từ 180 phút chỉ còn 30 phút.

Để củng cố vị thế cạnh tranh, Giao Hàng Nhanh tập trung khai thác công nghệ, tạo sự khác biệt bằng chiến lược hiện đại hóa toàn diện hạ tầng và quy trình giao nhận. Cụ thể, Giao Hàng Nhanh mang đến cho người dùng và đối tác giải pháp giao hàng, thu hộ trọn gói với tốc độ nhanh chóng và cước phí cạnh tranh. Chỉ với vài thao tác đơn giản trên phần mềm cài trên điện thoại thông minh, chủ cửa hàng có thể quản lý tốc độ, giá cả, phí thu hộ, tình trạng kiện hàng và nhân viên giao nhận.

Sau 10 năm hoàn thiện ba yếu tố công nghệ - quy trình - mạng lưới, Giao Hàng Nhanh hiện tối ưu tốc độ, cước phí giao nhận trên toàn quốc. Cụ thể, đơn hàng giao nội thành chỉ trong 24h. Đơn liên tỉnh giao trong 48h. Mức phí công khai hiện tại chỉ từ 15.500 đồng một đơn hàng.

Trước sự năng động và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để cạnh tranh thu hút khách hàng của các startups, thời gian gần đây hai doanh nghiệp lớn về bưu chính có thâm niên trên thị trường cũng tăng cường đẩy mạnh số hóa. Hai doanh nghiệp lớn này đạt doanh thu trong năm 2022 như sau: VietnamPost đạt tổng doanh thu hơn 27.325 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 517 tỉ đồng; Viettel Post đạt tổng doanh thu khoảng 21.235 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 390 tỉ đồng.

Là doanh nghiệp bưu chính nội địa lớn có thâm niên trong ngành, song gần đây VietnamPost cũng nhận thức chuyển đổi số là giải pháp sống còn để thích ứng với bối cảnh thị trường bưu chính có sự biến động không ngừng và cạnh tranh khốc liệt. Chuyển đổi số cũng là giải pháp để VietnamPost thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2025 với mục tiêu doanh thu đạt 55.000 - 60.000 tỉ đồng.

Xác định việc ứng dụng công nghệ vào tổ chức sản xuất có ý nghĩa sống còn, VietnamPost đã xác định mọi hoạt động của doanh nghiệp này sẽ lấy công nghệ làm nền tảng - đây là công cụ, giải pháp thúc đẩy hiện đại hóa sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng.

Để đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn hàng và giao hàng, VietnamPost đã mở rộng hệ thống dây chuyên khai thác, chia chọn tự động tại các trung tâm khai thác vận chuyển với công suất hàng chục nghìn bưu gửi/giờ. Các dây chuyền này có thể chia chọn hàng hóa chi tiết đến tận cấp huyện, xã thông qua việc đọc mã vạch và phân tích hình ảnh bưu gửi, đồng thời tích hợp với các hệ thống công nghệ của VietnamPost xây dựng quy trình liên hoàn, tối ưu từ công đoạn chấp nhận, khai thác, chia chọn đến phát hàng hóa tại địa chỉ khách hàng.

VietnamPost đang triển khai gần 30 hệ thống, phần mềm, ứng dụng CNTT, tập trung vào các khâu chấp nhận - theo dõi - phát hàng; chăm sóc khách hàng; đối soát, thanh toán… Xác định kết nối mạng lưới là yếu tố quan trọng để rút ngắn thời gian và giảm chi phí vận chuyển, Vietnam Post cũng tăng cường đầu tư mở rộng mạng lưới phục vụ và hệ thống hạ tầng hiện đại.

Cung cấp thông tin tại một sự kiện được tổ chức gần đây, ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Vietnam Post cho biết, đơn vị này đã đưa vào vận hành trung tâm vận chuyển và kho vận khu vực phía Bắc tại Hà Nội. Qua đó, hoàn thiện hệ sinh thái khép kín gồm 7 trung tâm kho bãi cấp vùng, 700 trung tâm cấp huyện và 10.600 điểm cung cấp dịch vụ, giao nhận hàng hóa cấp xã hiện đại...

Cũng là một doanh nghiệp lớn, Viettel Post cũng là một doanh nghiệp nội địa lớn trong thị trường bưu chính. Doanh nghiệp này hiện sở hữu hơn 8.200 điểm cung cấp dịch vụ, 40.000 nhân sự và hệ thống kho trải dài trên 63 tỉnh thành với 105 trung tâm khai thác...

Trước áp lực cạnh tranh, năm 2022, Viettel Post cũng đã tập trung vào đầu tư hạ tầng mạng lưới và công nghệ, tối ưu quy trình vận hành. Theo đó, thời gian giao hàng được rút ngắn hơn tới 30% so với trước đây.

Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Hoàng Trung Thành, tổng giám đốc Viettel Post cho biết, doanh nghiệp này phải thiết kế, quy hoạch lại hạ tầng mạng lưới đầu tư cả phần cứng, phần mềm và hệ thống quy trình, như hệ thống chia chọn hàng hóa tự động... Viettel Post sẽ xây dựng các trung tâm kho bãi lớn tại các địa phương. Với khoảng 1.500 bưu cục và đội ngũ bưu tá cũng phải thiết kế lại; hoàn thiện quy trình vận hành để đảm bảo hàng hóa được xử lý nhanh nhất và theo dõi được hành trình của hàng hóa.

Hệ thống kho hàng của một doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát. Ảnh: DNCC

Hợp tác để nâng cao chất lượng dịch vụ

Ngoài việc tăng cường ứng dụng công nghệ, thiết lập thêm hệ thống kho bãi... để nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tính cạnh tranh, thu hút thêm khách hàng, các đơn vị bưu chính còn tăng cường hợp tác trong thời gian gần đây.

Cụ thể, Vietnam Post đã hợp tác với các cơ quan chính phủ để nhận vận chuyển, trả kết quả đến tận nhà cho khách hàng sử dụng các dịch vụ công. Đến nay đã có hơn 32 triệu hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, 12,3 triệu thẻ căn cước công dân được Vietnam Post chuyển phát đến người dân...

Còn Viettel Post vừa phối hợp cùng Vietnam Airlines cung cấp giải pháp vận chuyển trong các khu công nghiệp tại Bắc Ninh. Hai doanh nghiệp lớn này muốn thiết lập hợp tác để tận dụng tối đa năng lực hạ tầng của bưu chính và hàng không để cung cấp dịch vụ logictics nhanh hơn cho các doanh nghiệp.

Với việc hợp tác này, tại Bắc Ninh, hàng hóa di chuyển qua luồng vận hành của Viettel Post có thể chuyển phát đến khách hàng tại Hà Nội và TP.HCM chỉ trong khoảng thời gian 6 tiếng - giảm từ 50 - 70% thời gian so với trước đây. Tại các địa chỉ khác trên toàn quốc, Viettel Post cũng cam kết vận chuyển giao hàng trong 24 giờ.

Đối với nhu cầu vận chuyển quốc tế, Viettel Post cung cấp 5 tuyến kết nối từ Việt Nam đến Australia, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản với thời gian vận chuyển trung bình chỉ từ 6 - 7 tiếng.

Với giải pháp do Viettel Post và Vietnam Airlines hợp tác cung cấp, các doanh nghiệp tại Bắc Ninh sẽ tiết kiệm được 30% chi phí vận hành, nhân sự, vận hành kho, thông quan… so với tự vận hành và tối ưu lên đến 30% thời gian so với cách làm truyền thống trước đây.

Ngoài hợp tác giữa 2 doanh nghiệp trên, cuối năm 2022, EMS Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với Grab Việt Nam triển khai nhóm dịch vụ chuyển phát siêu tốc, nhắm đến đối tượng chuyển phát thương mại điện tử ở nội thành một số thành phố. Trong đó bưu gửi được chuyển phát đến người nhận trong vòng 30 phút đến 4 giờ sau khi nhận hàng, tùy theo gói dịch vụ.

Khi sử dụng dịch vụ này, người gửi sẽ đặt giao hàng qua ứng dụng của EMS Việt Nam, lực lượng tham gia nhận và phát hàng sẽ là các đối tác tài xế GrabExpress. Thời gian đầu dịch vụ thực hiện trước ở khu vực nội thành của Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Trong năm 2023, dịch vụ này được mở rộng cung cấp tại nội thành 19 tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc.

Theo các chuyên gia, chi phí bưu chính, chuyển phát tại Việt Nam vẫn còn cao. Tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics” do Bộ Công thương tổ chức gần đây, theo tính toán, chi phí logistics ở Việt Nam hiện nay ở mức cao so với thế giới, chiếm khoảng 21%-25% GDP. Bên cạnh chi phí cao, thời gian giao hàng thương mại điện tử hiện nay còn khá dài. Tại hội thảo, ông Phan Xuân Dũng, Giám đốc kinh doanh Ninja Van Việt Nam, cho biết thời gian giao hàng tối đa tại Việt Nam đang khoảng 72 giờ. Trong khi đó, tại Trung Quốc – quốc gia có diện tích lớn gấp 30 lần Việt Nam – có mức giao hàng tối đa chỉ khoảng 48 giờ.

Hiện nay, bưu chính nổi lên như là ngành hậu cần cho sự phát triển của kinh tế - xã hội. Các công ty bưu chính truyền thống với thế mạnh mạng lưới rộng khắp, cơ sở hạ tầng lớn và đội ngũ nhân viên đông đảo đang đồng hành cùng các công ty khởi nghiệp với thế mạnh về công nghệ, sự năng động và tham vọng phát triển nhanh khi sử dụng nền tảng kinh tế chia sẻ để tham gia cung ứng dịch vụ. Các công ty bưu chính với cách thức cung ứng dịch vụ truyền thống, chậm đổi mới, đang mất dần thị phần vào tay các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ còn non trẻ về kinh nghiệm nhưng sớm ứng dụng nhiều công nghệ, nền tảng vào hoạt động cung ứng dịch vụ.

Sự xuất hiện của các startup trong lĩnh vực bưu chính đã làm cho thị trường này trở nên sôi động và buộc các dông ty bưu chính truyền thống phải năng động hơn. Cuộc đua tốc độ giao hàng nhanh và giảm giá dịch vụ giữa các doanh nghiệp trên thị trường này được kỳ vọng làm cho dịch vụ bưu chính sẽ tốt hơn trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới