Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cuộc đua ‘xanh hóa’ dịch vụ trong thương mại điện tử

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thời gian gần đây, thương mại điện tử phát triển đã tạo thuận tiện hơn cho người dùng, thúc đẩy nên kinh tế số. Song, thương mại điện tử phát triển kéo theo việc sử dụng các phương tiện giao thông như xe máy, xe ô tô giao hàng nhiều hơn. Bên cạnh đó việc sử dụng bao bì đóng gói, túi nylon và dụng cụ ăn uống dùng một lần nhiều hơn... gây ô nhiễm môi trường. Do đó đang có xu hướng xanh hóa trong thương mại điện tử.

Như vậy, thương mại điện tử Việt Nam sau cuộc đua tốc độ, giao hàng nhanh đang hướng tới một cuộc đua mới về dịch vụ xanh, sản phẩm xanh.

Grab triển khai giao hàng bằng xe máy điện. Ảnh: DNCC

Sử dụng xe điện để giao hàng

Thời gian gần đây, một hình ảnh rất dễ bắt gặp trên đường phố Hà Nội và Sài Gòn là người giao hàng (shipper) sử dụng xe máy điện thay cho xe máy vì nhiều doanh nghiệp chuyển sang sử dụng loại xe này.

Cuối tháng năm vừa qua, Gojek (nền tảng công nghệ đa dịch vụ theo yêu cầu) và thương hiệu xe máy điện Việt là Dat Bike đã công bố hợp tác thí điểm sử dụng xe máy điện để phục vụ các nhu cầu đi lại, giao hàng, giao đồ ăn của người dùng Gojek tại Việt Nam. Với quan hệ hợp tác này, Gojek trở thành hãng gọi xe công nghệ đầu tiên tại Việt Nam triển khai vận chuyển hành khách bằng xe máy điện (trước đây các hãng chỉ dùng xe máy điện để vận chuyển đồ ăn, giao hàng).

Trong khuôn khổ hợp tác, Dat Bike sẽ cung cấp cho các đối tác tài xế Gojek dòng xe Dat Bike Weaver++ để thực hiện các dịch vụ chở khách, giao đồ ăn và giao hàng. Việc sử dụng xe điện Dat Bike có thể giúp các đối tác tài xế Gojek hạ thấp chi phí nhiên liệu tới hơn 4 lần so với xe xăng, tiết kiệm chi phí hoạt động, góp phần bảo vệ môi trường bằng việc ngưng xả thải.

Dat Bike Weaver++ có vận tốc tối đa 90km/h với quãng đường đi được 200km cho mỗi lần sạc đầy trong 3 giờ. Tại TP.HCM, các đối tác có thể sạc pin miễn phí ở hàng chục điểm sạc cộng đồng. Bên cạnh đó, Weaver++ còn được lắp sẵn cổng sạc nhanh để có thể sạc nhanh 100km đầu tiên trong 1 giờ tại bất kỳ ổ điện gia dụng nào và chỉ trong 20 phút tại trạm sạc nhanh của Dat Bike.

Ông Sumit Rathor, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam, cho biết sự hợp tác giữa Gojek Việt Nam với Dat Bike là một bước đi quan trọng hỗ trợ những nỗ lực không ngừng của Gojek trong việc giảm lượng khí thải và chuyển đổi phương tiện vận hành sang 100% xe điện. Hy vọng mối quan hệ hợp tác này sẽ góp phần chung tay với Chính phủ trong các mục tiêu chung về giảm phát thải, hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.

Trước Gojek, một nền tảng đa dịch vụ khác là Grab cũng đã triển khai thêm dòng xe 2 bánh điện để cung cấp dịch vụ. Cụ thể, cuối tháng 2 vừa qua, Grab đã thông báo đến các đối tác tài xế về việc khuyến khích tài xế sử dụng dòng xe này them gia vận chuyển hàng hóa, thực phẩm bên cạnh dòng xe máy chạy xăng như thông thường. Grab cho biết đây là nỗ lực nhằm mang lại cho đối tác tài xế thêm đơn hàng từ những người dùng ưa chuộng “lối sống xanh”, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí, bảo vệ môi trường.

Tháng 5 vừa qua, Grab cũng thử nghiệm sử dụng xe máy điện của một nhà sản xuất Việt Nam là Selex Motor để giao hàng tại TP.HCM. Trong đợt triển khai thử nghiệm này, một nhóm đối tác tài xế GrabExpress sẽ sử dụng xe điện Selex Camel (có thể đi tới 150km cho một lần nạp đầy pin) và dịch vụ đổi pin của Selex để giao hàng trên khắp địa bàn thành phố.

Khi pin hết dung lượng, các tài xế có thể tìm và đổi pin tiện lợi tại các trạm đổi pin tự động thông qua ứng dụng đổi pin Selex và 24 điểm đổi pin tự động trên toàn TPHCM. Giải pháp đổi pin giúp giải quyết triệt để vấn đề bất tiện trong sạc pin - thay vì chờ sạc pin, có thể đổi pin tại các trạm đổi pin của Selex với thời gian chỉ vài phút. Chi phí đổi pin thấp hơn giá xăng từ 25-35% tính trên cùng một quãng đường đi được.

Nằm trong khuôn khổ hợp tác chung giữa GrabExpress và Selex Motors được bắt đầu từ tháng 7-2022, với mục tiêu ứng dụng hệ sinh thái xe máy điện Selex trong các dịch vụ của GrabExpress, hai bên đã phối hợp triển khai thử nghiệm dịch vụ giao hàng bằng xe máy điện đối với một nhóm đối tác tài xế GrabExpress tại Hà Nội. Trong một tháng thử nghiệm tại Hà Nội, nhóm đối tác tài xế GrabExpress đã di chuyển hơn 30.000 km bằng xe máy điện Selex, ước tính giảm hơn 3,4 tấn khí thải CO2 ra môi trường.

Trên thị trường, Selex Motors không phải đơn vị duy nhất nhắm đến thị trường giao vận xanh. Tháng 9 năm ngoái, VinFast đã  hợp tác cùng Ahamove để ra mắt dịch vụ vận chuyển bằng xe máy điện AhaFast.

Theo đó, 100 xe VinFast Feliz S được chuyển giao cho Ahamove để triển khai dịch vụ AhaFast tại Đà Nẵng. Ngoài 200 xe đã mua từ VinFast, Ahamove đang xúc tiến hợp đồng thuê 1.000 xe máy điện từ Công ty GSM để mở rộng hoạt động kinh doanh sang các tỉnh thành khác.

Mục tiêu của Ahamove là đưa 10.000 xe máy điện vào hoạt động từ năm 2025, thay thế dần xe xăng và các loại xe không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Ngoài ra, VinFast cũng bắt tay với Ahamove cho ra mắt dịch vụ cho thuê xe máy điện, hướng tới khách du lịch. Từ tháng tư vừa qua, khách du lịch, người dân Đà Nẵng có thể đặt thuê xe máy điện tại website hay ứng dụng.

Trong lĩnh vực giao hàng, Bưu Điện Việt Nam (Vietnam Post) là doanh nghiệp đầu tiên thuê 70 xe Benly e của hãng Honda để triển khai thí điểm dự án sử dụng xe máy điện giao hàng. Theo đó từ đầu năm 2022, bưu tá, nhân viên giao hàng đi phát thư báo, bưu phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội của Bưu Điện Việt Nam sử dụng xe điện Honda Benly e. Bưu điện Việt Nam là doanh nghiệp bưu chính đầu tiên tại Việt Nam sử dụng xe máy điện vào hoạt động giao hàng.

Ông Đinh Như Hạnh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, chia sẻ việc sử dụng xe máy điện vào giao hàng là hành động thiết thực, thể hiện sự quyết tâm của Bưu điện Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường.

Lazada triển khai giao hàng bằng xe máy điện. Ảnh: DNCC

Những mục tiêu phía trước

Tham gia thảo luận chuyên đề “Xanh hóa logistics – Hướng đi quan trọng cho sự phát triển bền vững” được tổ chức mới đây, ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban nghiên cứu phát triển và thương hiệu, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, cho biết logistics là một ngành dịch vụ tiêu thụ năng lượng và phát sinh khí thải lớn. Do đó, việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics song song với tiết kiệm năng lượng và chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường là một nhiệm vụ lớn của doanh nghiệp.

Mục đích của logistics xanh là tối ưu hóa mối liên hệ giữa việc vận hành kho, phân phối hàng hóa và môi trường tự nhiên, phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm giảm tính sẵn có và chất lượng tài nguyên. Cốt lõi của xu hướng này là việc áp dụng các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm tổn thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị mà vẫn bảo đảm nhu cầu, mục tiêu đặt ra đối với quá trình sản xuất và đời sống. Chính vì vậy, logistics xanh là mục tiêu đang được nhiều quốc gia trên thế giới theo đuổi.

Ông Lê cho hay, thời gian qua, nhằm đáp ứng những yêu cầu về hiện đại hóa theo hướng giảm phát thải, sử dụng năng lượng sạch, Bưu điện Việt Nam đã và đang đẩy mạnh phát triển hệ thống chuỗi cung ứng theo mô hình hạ tầng xanh kết hợp với kỹ thuật số hóa, tích cực sử dụng các vật liệu có thể tái chế hay các vật liệu sử dụng năng lượng mặt trời vào các hoạt động của mình. Đặc biệt là trong quy trình dán nhãn, đóng gói, góp phần phát triển ngành logistics thân thiện với môi trường, tối ưu chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế cho biết, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước đạt 10,3 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tại Diễn đàn "Hoàn tất đơn hàng 2023-Hướng tới thương mại điện tử xanh" do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 7 tại Hà Nội, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cho biết, tuy thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhưng đã và đang bộc lộ rõ nhiều yếu tố không bền vững, đặc biệt là những tác động xấu tới môi trường bao gồm khâu giao hàng (xe chạy trên đường thải lượng lớn khí carbon) và khâu đóng gói (hộp carton, bao bì nilon, màng xốp hơi, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần).

Cũng nói về mặt trái của thương mại điện tử tại diễn đàn trên, ông Nguyễn Thanh Hưng, Hội đồng tư vấn cấp cao về thương mại điện tử, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng có quá nhiều bao bì nhựa và nilon được sử dụng.

Theo ông Hưng, thời gian qua, thương mại điện tử phát triển khá nhanh với tốc độ tăng trưởng 25% mỗi năm. Dự kiến quy mô thị trường đạt 49 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025. Tuy nhiên, đã đến lúc phải nghĩ đến phát triển thương mại điện tử bền vững.

Thực tế cho thấy đi liền với sự tăng trưởng đột phá, thương mại điện tử cũng gia tăng gánh nặng cho môi trường bởi mỗi ngày các sàn thương mại điện tử vận chuyển, giao nhận hàng trăm nghìn đơn, kiện hàng, phát thải ra môi trường rất lớn, đòi hỏi phải đầu tư vào vận chuyển xanh và bao bì bền vững.

Nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Company cũng chỉ rõ, việc tối ưu hóa hoạt động vận chuyển trong thương mại điện tử như giảm quãng đường di chuyển của các phương tiện giao nhận, sử dụng các vật liệu tái chế, thân thiện để đóng gói hàng hóa… sẽ góp phần cắt giảm được 30-40% lượng khí phát thải trong lĩnh vực này.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp thương mại điện tử và bưu chính, chuyển phát đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo nhằm giảm tác động tiêu cực tới môi trường, điển hình như: Lazada, Grab hay Bưu điện Việt Nam. Các biện pháp bao gồm: tiết giảm số lượng thùng carton và chuyển sang dùng 100% bao bì có thể tái chế được hay giảm rác thải nhựa dùng một lần; khuyến khích khách hàng chờ giao hàng chậm để kết hợp các đơn hàng để ít hại môi trường, thay vì đẩy mạnh quảng bá hình thức giao hàng ngay và luôn để cạnh tranh với nhau…

Chia sẻ kinh nghiệm giảm rác thải trong khâu đóng gói hàng hóa tại một sự kiện gần đây, ông Vũ Quốc Thịnh, Tổng Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam cho biết, hành trình đơn hàng từ nhà sản xuất đến người bán hàng đi qua từ 20 - 30 bước. Hàng hóa hiện nay đa dạng nhưng quy chuẩn đóng gói không nhiều. Do vậy, Lazada đã sử dụng hệ thống xác định kích thước bao bì tự động để tiết giảm rác thải. Sử dụng bao bì có chứng nhận FSC hay tái sử dụng thùng carton làm vật liệu chèn lót.

Cũng tại một sự kiện được tổ chức gần đây, Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam Vũ Thị Minh Tú cho biết, năm 2023, Lazada triển khai dự án “Giao hàng xanh”, đưa 100 xe máy điện vào hoạt động. Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu rác thải trong quá trình đóng gói và vận chuyển, Lazada đưa ra sáng kiến tái chế giấy, áp dụng công nghệ thông minh, giảm vật liệu nhựa…

“Lazada đã phát hàng cẩm nang Đóng gói hàng hóa hiệu quả, thân thiện với môi trường với những lời khuyên hữu ích giúp các nhà bán hàng tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu các rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đồng thời giảm thiểu rác thải ra môi trường”, bà Vũ Thị Minh Tú cho hay.

Được biết, hiện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng đang đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá gương điển hình, ứng dụng sản phẩm tái chế, ít gây hại môi trường để lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ngoài những nỗ lực của Hiệp hội, doanh nghiệp, trong các chiến lược về phát triển thương mại điện tử hay cả những quy định liên quan về pháp luật thương mại điện tử của Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến điều khoản doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, doanh nghiệp thương mại điện tử phải tuân thủ các yêu cầu về môi trường.

Đồng tình với quan điểm yếu tố “xanh” còn vắng bóng trong các văn bản pháp luật liên quan đến thương mại điện tử Việt Nam, tại Diễn đàn "Hoàn tất đơn hàng 2023-Hướng tới thương mại điện tử xanh" ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong chiến lược phát triển ngành bưu chính đến năm 2025 đặt ra 5 mục tiêu và 8 giải pháp nhưng yếu tố “xanh hóa”, “bảo vệ môi trường” chưa có trong chiến lược này.

Ông Trung cũng cho hay ông mới tham dự Diễn đàn bưu chính thế giới, các nước phát triển như Pháp, Anh nói về bưu chính xanh. Còn với các nước đang phát triển, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức. Vụ trưởng Vụ Bưu chính cũng cho biết, sẽ kiến nghị đưa nội dung bưu chính xanh vào luật. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả ngay cần phải đưa yếu tố tuân thủ bảo vệ môi trường vào quy định cấp phép cho doanh nghiệp thương mại điện tử.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới