Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cuộc ‘quay về’ gian nan của các nhà xuất khẩu nội thất

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thị trường nội thất trong nước đang chứng kiến cuộc cạnh tranh rốt ráo giữa các thương hiệu nước ngoài cùng các doanh nghiệp Việt thuần xuất khẩu, trong bối cảnh hàng loạt thị trường mua hàng gặp khó khăn kéo dài.

Sự tham gia của ngày càng nhiều thương hiệu giúp người tiêu dùng trong nước có thêm nhiều lựa chọn về sản phẩm nội thất. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức rất lớn đối với cuộc trở về "sân nhà" của các doanh nghiệp xuất khẩu. Trên thực tế, doanh nghiệp nội địa đang có thế mạnh về phân khúc nội thất tầm trung và khá, trong khi sản phẩm phổ thông, giá rẻ thì đang rơi vào tay các nhà nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc.

Thị trường nội thất trong nước đang thu hút sự gia tăng của các thương hiệu ngoại và sự trở về của nhà xuất khẩu Việt Nam về ngành này. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Doanh nghiệp ngoại tăng tốc

Chưa đầy 2 tháng sau khi tổ chức khai trương cửa hàng nội thất Come Home đầu tiên tại Việt Nam tại Trung tâm thương mại SC VivoCity (TPHCM), thì nhà bán lẻ Thái Lan Central Retail gần đây tiếp tục khai trương cửa hàng nội thất thứ hai tại Việt Nam, đặt tại Hà Nội.

Với không gian trưng bày rộng lớn hơn 2.000m2 và thiết kế hiện đại tại tầng 3 Trung tâm thương mại Lotte Mall West Lake, Come Home mang đến cho người tiêu dùng thủ đô trải nghiệm mua sắm nội thất phong cách; nổi bật là khu vực trưng bày được thiết kế đặc biệt với các "ngôi nhà mô phỏng", đặc trưng của Hà Nội, được trang trí để thể hiện đúng phong cách và sở thích của khách hàng thủ đô.

Trước khi đưa thương hiệu nội thất này đến thị trường gần 100 triệu dân, nhà bán lẻ đến từ Thái Lan này đã mất khoảng 2 năm nghiên cứu, tìm hiểu với mục tiêu dẫn đầu thị trường trang trí nội thất Việt Nam. Để đạt được điều này chắc chắn nhà bán lẻ này không dừng lại với số lượng 2 cửa hàng nói trên.

Trong khi đó, Nitori – nhà bán lẻ nội thất lớn nhất của Nhật Bản – lên kế hoạch mở rộng sự hiện diện của mình ở nhiều nước châu Á, bao gồm Việt Nam, theo Nikkei Asia.

Với kế hoạch này, theo hãng tin Nikkei Asia, vào cuối tháng 9, Nitori đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Thái Lan, tọa lạc ở trung tâm mua sắm Central World thuộc thủ đô Bangkok.

Cửa hàng này nằm trong kế hoạch mở rộng ra nước ngoài của Nitori và tập trung vào châu Á. Chủ tịch Akio Nitori coi đây là cơ hội để duy trì chuỗi tăng trưởng doanh số đã kéo dài hơn ba thập kỷ của nhà bán lẻ Nhật Bản.

Thương hiệu nội thất Come Home đang được nhà bán lẻ Thái Lan Central Retail đẩy mạnh phát triển ở thị trường Việt Nam.

“Ai kiểm soát châu Á sẽ kiểm soát thế giới”, tỷ phú Akio Nitori nói, đồng thời không hề giấu diếm kế hoạch gửi quân đi khắp lục địa đông dân nhất thế giới. Đáng chú ý, Nitori có kế hoạch thâm nhập lần đầu vào 6 thị trường, trong đó có Việt Nam và Indonesia.

Đây là nhà phân phối sản phẩm nội thất lớn và được xem là đối thủ trực tiếp của thương hiệu nội thất toàn cầu Ikea.

Trong khi đó, với thương hiệu cao cấp đến từ châu Âu, thị trường gần 100 triệu dân trong nước tiếp tục chứng kiến sự xuất hiện của các thương hiệu mới. Cụ thể vào tuần qua, Modale - nhà phân phối nội thất châu Âu cao cấp đánh dấu bước phát triển tại Việt Nam với việc khai trương Flagship Showroom của Modale.

Tọa lạc tại The Global City - Trung tâm mới của TPHCM (quận Thủ Đức), Flagship showroom mang đến không gian nghệ thuật những không gian sống thu nhỏ từ phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp… Tại đây, khách hàng có cơ hội chiêm ngưỡng bộ sưu tập nội thất từ các thương hiệu hàng đầu thế giới như Elie Saab Maison, Dolce & Gabbana Casa... Tại Việt Nam, Modale hiện phân phối hơn 35 thương hiệu nội thất châu Âu.

Cuộc quay về của doanh nghiệp nội thất xuất khẩu

Cùng với sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp nước ngoài, thị trường nội thất trong nước cũng đang chứng kiến sự trở về "sân nhà" của các nhà thuần xuất khẩu ngành này của Việt Nam do thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ với KTSG Online, các doanh nghiệp thuần xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ nội thất cho rằng trong bối cảnh thị trường xuất khẩu như Mỹ, EU, Nhật Bản... ế ẩm kéo dài và tồn kho cao thì quay về thị trường nội địa với gần 100 triệu dân được cho là một giải pháp để gỡ khó khăn, bên cạnh mở thị trường mới như Trung Đông và Ấn Độ…

Đơn cử như Công ty TNHH Kettle Interiors Asia đồng thời quay về thị trường nội địa để phần nào gỡ gạc lượng đơn hàng sụt giảm mạnh. Ông Cao Văn Đồng, Tổng giám đốc công ty cho biết tham gia thị trường nội địa, công ty không mở cửa hàng mà chỉ kinh doanh qua thương mại điện tử và tận dụng cửa hàng trưng bày sản phẩm xuất khẩu tại nhà máy ở tỉnh Bình Dương nên không tốn kém nhiều chi phí.

Ngược lại nhờ tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân trong nước mà mỗi tháng công ty cũng tạo được doanh thu, đồng thời duy trì được việc làm cho hơn 400 người lao động.

Trên thực tế, các doanh nghiệp của ngành đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như thay đổi mẫu mã, mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ… để thích ứng với tình hình mới và đầy khó khăn hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp thuần xuất khẩu vì khó khăn thị trường tiêu thụ nên quay về "sân nhà" thông qua tham gia hội chợ trong nước.

Đáng chú ý, gần đây, lần đầu tiên một Hội chợ Đồ gỗ xuất khẩu phục vụ thị trường nội địa (TavicoHome Viefurn 365) được tổ chức tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, có quy mô trên 1.000 gian hàng với hơn 10.000 sản phẩm được trưng bày.

Bên cạnh "gỡ khó" cho doanh nghiệp trong ngành, ông Võ Quang Hà, Chủ tịch Tavico Group, cho biết TavicoHome Viefurn 365 còn làm tiền đề cho việc hình thành một địa điểm giới thiệu sản phẩm “gỗ Tây – giá Ta – không nơi nào bằng” phục vụ người tiêu dùng trong nước quanh năm. Hội chợ này cũng nhận được sự quan tâm của nhiều hiệp hội chế biến gỗ, các nhà thầu xây dựng lớn, các đơn vị thiết kế, các nhà phát triển bất động sản uy tín…

Sự kiện kết thúc vào đầu tháng 10 vừa qua với kết quả TavicoHome Viefurn 365 thu hút được hơn 7.500 lượt khách tham quan.

Đáng chú ý, sau 1 tuần diễn ra hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu hàng hóa, trao đổi và kết nối vẫn tiếp tục được diễn ra. Các đơn vị tham gia được tiếp tục duy trì trưng bày hàng hoá, giới thiệu cho khách hàng trong suốt 12 tháng (đến đầu tháng 10-2024) với ưu đãi miễn phí thuê mặt bằng.

Với dân số 100 triệu dân, tốc độ đô thị hóa nhanh, mỗi năm ước tính có tới 70-80 triệu m2 nhà ở được xây dựng, dẫn đến nhu cầu về các sản phẩm nội ngoại thất tăng cao là cơ hội cho các nhà sản xuất và thương mại đồ nội thất khai thác.

"Quay về thị trường nội địa là một trong những giải pháp hữu ích giúp các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ đa dạng hoá đầu ra, mở rộng cơ hội kinh doanh mới, gia tăng doanh thu, giảm rủi ro phụ thuộc vào xuất khẩu. Phát huy sức mạnh tổng hợp giữa thị trường nội địa tiềm năng và sự tăng trưởng liên tục của xuất khẩu", ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định.

Áp lực cạnh tranh cao ...

Trước đó nói về lý do chọn thời điểm khó khăn này để ra mắt Come Home, theo đại diện nhà bán lẻ Thái Lan Central Retail, là vì thị trường nội thất Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Theo số liệu của Central Retail, doanh thu thị trường này năm 2022 đạt gần 1,25 tỉ đô Mỹ và trong năm nay dự báo vượt mốc 1,4 tỉ đô la.

Đó là chưa kể thị trường đang trong xu hướng tăng trưởng rất nhanh, theo dự báo của Central Retail, mức tăng xấp xỉ 10%/năm cho giai đoạn 2023-2027. Trong đó, nội thất phòng khách là mảng tăng trưởng lớn nhất, doanh thu năm nay dự kiến sẽ đạt 523 triệu đô la. Tiếp theo là nội thất phòng ngủ và đồ trang trí cũng đang phát triển mạnh...

Nhìn chung, theo đơn vị này, dù kinh tế toàn cầu suy thoái và sức mua có giảm, song thị trường nội thất Việt Nam lại đang có nhu cầu lớn bởi xu hướng phong cách hiện đại và cá nhân hoá lên ngôi.

Sản phẩm trong nước chưa cạnh tranh với hàng nhập khẩu ở mảng bán lẻ, nhất là ở phân phúc bình dân mà chỉ đi vào phân khúc trung – cao cấp, hoặc vào một số công ty, công trình, dự án, trường học… Ở phân khúc phổ thông chỉ có các làng nghề, các doanh nghiệp nhỏ mới tham gia sản xuất hàng nội thất với quy mô nhỏ, còn các doanh nghiệp gỗ có quy mô lớn thường chỉ chú trọng xuất khẩu.

Trên thực tế Come Home không phải là thương hiệu nội thất Thái Lan đầu tiên ngắm đến thị trường Việt Nam. Index Living Home, một doanh nghiệp nội thất khác của xứ chùa vàng đến sớm hơn khá nhiều và phải ngậm ngùi rút lui nhưng cũng quay trở lại đáng chú ýtừ cuối năm 2019.

Sự trở lại này cho thấy tiềm năng to lớn và sức hấp dẫn của mảng trang trí nội thất Việt Nam, thu hút nhiều tay chơi trong nước và quốc tế muốn nhắm tới tầng lớp trung lưu đang gia tăng.

Sự xuất hiện thêm các thương hiệu ngoại mới cùng với sự quay trở về sân nhà của các doanh nghiệp thuần xuất khẩu thị trường nội thất trong nước được cho là khá sôi động và cạnh tranh gay gắt hơn với các doanh nghiệp ngành này trong nước.

Đáng chú ý những thương hiệu nội thất ngoại như Come Home, Nitori, Index Living Home, hay Ikea,... ngắm đến đối tượng khách hàng trung bình khá, khá được cho là cạnh tranh trực tiếp với nhiều thương hiệu nội thất trong nước hiện nay.

Trong khi đó dòng sản phẩm phổ thông, giá rẻ thì nhiều năm nay nội thất nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm ưu thế hoàn toàn.

Đồ nội thất sản xuât trong nước bị cạnh tranh mạnh với sản phẩm ngoại nhập và giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh minh họa: LH

Đáng chú ý, thị trường nội thất trong nước thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn khi mà nền kinh tế gần 100 triệu dân cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi thị trường xuất khẩu giảm sút mạnh. Do giảm thu nhập, mất việc làm nên nhiều người tiêu dùng trong nước cũng thắt chặt chi tiêu, hạn chế tối đa mua sắm những mặt hàng không thiết yếu như đồ nội thất.

Một số doanh nghiệp bán lẻ nhóm mặt hàng này với các thương hiệu phổ biến cũng cho biết tình hình kinh doanh trong 9 tháng qua bị sụt giảm mạnh, thu không đủ bù chi và đang phải xoay xở để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Trong khi đó, không ít doanh nghiệp bị đuối sức và không thể tiếp tục duy trì thuê mặt bằng. Điều này cũng lý giải vì sao hàng loạt cửa hàng nội thất với diện tích lớn ở các tuyến đường chuyên bán mặt hàng này phải đóng cửa.

Do đó, việc tham gia mạnh mẽ của các thương hiệu nước ngoài hiện nay và sắp tới sẽ được cho là gây sức ép lớn đến các doanh nghiệp nội thất nội địa trong nước. Trong khi đó, với các thương hiệu ngoại thì họ có nhiều tiềm lực tài chính và quản lý tốt để có thể vượt qua, thậm chí là tận dụng khó khăn này để phát triển điểm kinh doanh nhanh chóng hơn.

Đó là chưa kể lượng lớn khách hàng có thu nhập khá thường ưa chuộng phong cách trang trí nội thất được du nhập các nước vì thiết kế đẹp và phong cách hiện đại...

Còn với các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang đẩy mạnh thị trường nội địa trong bối cảnh thị trường xuất khẩu sụt giảm thì cho rằng tiếp cận thị trường với gần 100 triệu dân trong nước chủ yếu bán qua kênh thương mại điện tử. Bởi lẽ hàng hóa nội thất khá cồng kềnh, nếu mở cửa hàng vật lý thì đòi hỏi diện tích khá lớn, trong khi thị trường trong nước cũng không tốt để có thể đầu tư cửa hàng. Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường nội địa với các nhà xuất khẩu dường như chỉ là giải pháp tình thế để gỡ tình hình khó khăn hiện nay.

Đó là chưa kể nếu doanh nghiệp không nghiên cứu kỹ thị trường, xu hướng tiêu dùng mà chỉ lấy mẫu mã và nguyên liệu sản xuất ở các thị trường xuất khẩu áp vào thị trường nội địa thì rất khó tồn tại. Bởi lẽ văn hóa, thị hiếu tiêu dùng của mỗi quốc gia, khu vực rất khác nhau. Tùy đặc điểm, văn hóa và khí hậu của quốc gia, vùng miền mà nhà sản xuất sử dụng nguyên vật liệu phù hợp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới