(KTSG Online) - Bất chấp các cảnh báo cho rằng chiến sự ở Ukraine và các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19 ở Trung Quốc sẽ khiến chi phí vận tải biển tăng thêm, diễn biến thực tế trong những tháng gần đây cho thấy giá cước vận tải container ở các tuyến giao thương chính trên toàn cầu đang giảm khá nhanh dù vẫn còn ở mức cao so với hồi đầu năm ngoái. Xu hướng giảm này dự báo kéo dài đến cuối năm khi Mỹ bước vào mùa mua sắm cao điểm.
Chuỗi cung ứng toàn cầu năm 2022 vẫn tiềm ẩn nhiều rắc rối
Cước vận tải biển từ Trung Quốc đến Đông Nam Á tăng gấp 10 lần
Sau một năm liên tục tăng lên các mức cao mới, giá cước vận chuyển container giao ngay khắp các tuyến đường biển quan trọng trên thế giới đang trên đà suy giảm trong những tháng đầu năm 2022, bắt đầu từ tháng 1. Các chuyên gia cho rằng đà suy giảm này là do nhiều yếu tố và họ đang tự hỏi liệu có phải cước vận tải biển đã lập đỉnh do nhu cầu giảm ngay cả trước khi các hãng tàu biển lớn gia tăng công suất vào năm 2023 và các năm sau đó nhờ các đội tàu đóng mới đi vào hoạt động.
“Chúng ta đang chứng kiến giá cước vận tải biển suy giảm sâu trong 3 tháng vừa qua do doanh số suy giảm và hàng tồn đầy ắp khi chúng ta bước vào mùa mùa kinh doanh trầm lắng theo thông lệ sau Tết Nguyên đán của Trung Quốc”, Shabsie Levy, Giám đốc điều hành Shifl, một nền tảng công nghệ chuyên hỗ trợ dịch vụ giao nhận, cho biết.
Zac Rogers, giáo sư chuyên ngành quản lý chuỗi cung ứng ở Đại học bang Colorado cho biết nhiều nhà bán lẻ ở Mỹ vẫn còn nhiều hàng dự trữ do họ đã tăng cường nhập hàng trong những tháng trước ngay cả khi chuỗi cung ứng còn tắc nghẽn hơn cả thời điểm hiện tại.
Giá cước vận tải biển giao ngay ở các tuyến xuyên Thái Bình Dương giữa Trung Quốc, bờ Tây và bờ Đông nước Mỹ đã giảm 50% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3-2022.
Chỉ số giá cước container thế giới của Công ty tư vấn Drewry Shipping Consultants cũng xác nhận xu hướng giảm giá cước là do nhiều yếu tố tác động cùng lúc. Tuần trước, công ty này cho biết dù giá cước container toàn cầu (giá cước vận chuyển container trung bình ở 8 tuyến giao thương đường biển lớn của thế giới) đã giảm gần 4% chỉ trong 1 tuần và giảm 12% trong tháng qua nhưng vẫn còn cao hơn hơn 2/3 so với cách đây 1 năm.
Drewry Shipping Consultants lưu ý giá cước ở các tuyến xuyên Thái Bình Dương đã giảm trong tuần thứ 5 liên tiếp, với giá cước vận chuyển container đến Mỹ giảm trung bình từ 6-8%.
Hôm 7-4, giá cước vận chuyển container 40 feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) sang Los Angles (Mỹ) là 8.824 đô la, giảm 20% so với mức 10.986 đô la hồi đầu tháng 3.
Trong khi giá cước vận chuyển container giao ngay giảm do khối lượng hàng vận chuyển giảm và lạm phát tăng cao ở Mỹ, các nhà phân tích của Shifl cũng chỉ ra rằng các đợt phong tỏa kiểm soát Covid-19 gần đây ở các trung tâm sản xuất lớn của Trung Quốc cũng góp phần đẩy nhanh đà giảm giá này.
Trung Quốc đã triển khai nhiều đợt phong tỏa ở nhiều nơi khác nhau trên cả nước, ảnh hưởng đến hoạt động ở các cảng phía bắc vào cuối năm 2021 và sau đó là cảng Ninh Ba-Chu Sơn ở tỉnh Chiết Giang vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, đợt phong tỏa lớn nhất và đáng lo ngại nhất đang diễn ra ở Thượng Hải, nơi có cảng container bận rộn nhất thế giới.
Các lãnh đạo của Tập đoàn cảng quốc tế Thượng Hải và chính phủ Trung Quốc bác bỏ các thông tin nói rằng tình trạng tắc nghẽn đang diễn ở cảng Thượng Hải với hơn 300 tàu container đang neo ngoài khơi chờ đến lượt cập bến. Một quan chức của cảng Thượng Hải nói hiện tại chỉ có khoảng 50 tàu container đang chờ cập bến.
Vị quan chức này cho biết cảng Thượng Hải đã xử lý 396 tàu container vào tuần trước, sát với mức đỉnh 400 tàu mỗi tuần,
Tuy nhiên, Lloyd’s Intelligence ước tính đến ngày 4-4,có khoảng 140 tàu container đang chờ cập bện ở Thượng Hải và Ninh Ba.
Dù các bến cảng ở Thượng Hải vẫn mở cửa trong thời kỳ phong tỏa, công suất xe tải đã giảm mạnh do tài xế cần phải cung cấp giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính để được lái xe khắp thành phố và đi vào khu vực cảng. Hơn nữa, nhiều nhà máy ở Thượng Hải đang dừng hoạt động, làm giảm lưu lượng hàng hóa đưa đến cảng, từ đó, làm giảm nhu cầu tàu container.
Nhu cầu suy giảm cũng thể hiện ở những nơi khác trong chuỗi cung ứng. Sở Giao dịch hàng hải Nam California cho biết số tàu container chờ cập bến ở cảng Los Angeles và cảng Long Beach giảm xuống mức thấp mới vào đầu tuần này, chỉ còn 33 tàu, giảm hơn 2/3 so với mức đỉnh hồi tháng 1-2022.
Các yếu tố khác cũng đang khiến nhu cầu giảm nhanh, dẫn đến cước vận tải biển giảm theo. Chi tiêu của người tiêu dùng dường như đã trở lại mức bình thường trước đại dịch và không tăng thêm nữa, trong khi đó, lạm phát cao và giá xăng đắt đỏ cũng khiến người tiêu dùng giảm các khoản mua sắm không cần thiết.
Tương tự, chi phí nhiên liệu cao đang đẩy giá cước vận tải đường bộ và các chi phí khác tăng lên, buộc các nhà bán lẻ và các doanh nghiệp khác phải giảm đơn đặt hàng để kiểm soát chi phí.
Shabsie Levy, Giám đốc điều hành Shifl, nói: “Chúng tôi dự báo giá cước vận tải biển sẽ tiếp tục xu hướng giảm cho đến mùa cao điểm mua sắm vào cuối năm 2022. Lúc đó, giá cước sẽ tăng trở lại nhưng sẽ không trở về các mức cao như chúng ta đã chứng kiến trong năm 2021”.
Tuy nhiên, Shifl cảnh báo một số vấn đề hiện nay có thể gây ra các căng thẳng mới cho chuỗi cung ứng và khiến giá cước vận tải biển biến động mạnh. Chẳng hạn, khối lượng hàng hóa khổng lồ bị dồn ứ ở Trung Quốc có thể làm tắc nghẽn các cảng ở bờ Tây nước Mỹ khi hoạt động vận tải ở Trung Quốc trở lại bình thường.
Theo Maritime-executive.com, Marketplace