(KTSG Online) - Thảo luận tổ kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, qua báo cáo của các địa phương, đến nay đã có khoảng 100 dự án thuộc diện vay gói 120.000 tỉ đồng. Các địa phương cũng công bố nhu cầu vay vốn để giải ngân gói tín dụng này.
- Vòng xoáy nhà ở xã hội: Vốn chờ nhà, nhà chờ thủ tục
- Nhà ở xã hội và bài toán dịch chuyển từ chiến lược sang thực tế
- Sẽ có danh mục dự án, đối tượng của gói vay vốn 120.000 tỉ đồng
Quochoi.vn đưa tin, phiên thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã báo cáo về việc triển khai gói tín dụng cho nhà ở xã hội.
Sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng có văn bản hướng dẫn xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng này; đồng thời ủy quyền cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, từ đó các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.
Ông Nghị cho biết, qua báo cáo của các địa phương, đến nay đã có khoảng 100 dự án thuộc diện vay gói này và các địa phương cũng công bố nhu cầu vay vốn của gói tín dụng, như tỉnh Bình Định công bố nhu cầu vay vốn là 1.832 tỉ đồng, tỉnh Phú Thọ công bố nhu cầu vay 441 tỉ đồng, Đà Nẵng là 545 tỉ đồng, Trà Vinh 420 tỉ đồng, Bắc Giang 4.527 tỉ đồng và Hải Phòng là 3.892 tỉ đồng.
Chương trình mới triển khai được hơn 1 tháng và gói 120.000 tỉ đồng cho cả giai đoạn đến năm 2030 và các địa phương đang trong quá trình tổng hợp công bố, nên chỉ mới có kết quả bước đầu. Trong thời gian tới sẽ có nhiều dự án tham gia gói 120.000 tỉ đồng như nhu cầu công bố của các địa phương.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng thông tin, để giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng, bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật, tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và các văn bản pháp luật có liên quan.
Tiếp tục làm việc một số địa phương, doanh nghiệp trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc, tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ; thúc đẩy việc triển khai gói hỗ trợ.
Liên quan đến các gói tín dụng hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội tại thảo luận tổ nêu vấn đề: Hiện có 2 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị quyết 11/NQ-CP về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình này đang có tỷ lệ giải ngân rất thấp.
Gói giảm lãi suất 2% mới giải ngân được gần 1% và gói 15.000 tỉ đồng được trên 34%, liệu gói thứ ba 120.000 tỉ đồng có khả thi không trong khi đối tượng và thời gian kết thúc của các gói tín dụng này đang trùng lắp nhau, kết thúc vào cuối năm 2023 - các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi.
Trước bất cập trên, các đại biểu đề nghị Chính phủ gộp ba gói hỗ trợ thành một và đề xuất cho kéo dài đến hết năm 2025, như vậy mục tiêu xây dựng một triệu căn hộ mà Chính phủ đề ra mới có thể hoàn thành.
Hãy thực sự trăn trở. Hãy vì cuộc sống của người lao động. Nhất là người có thu nhập thấp. Nhà ở xã hội, không phải là thứ để đánh bóng cho tên tuổi/ thành tích của các ngành và địa phương. Việc mua/ thuê nhà ở XH tùy thuộc vào khả năng thu nhập của người lao động. Nhưng điều quan trọng hơn là phải ban hành ngay một chính sách/ quy trình riêng về đất đai/ thủ tục hành chính/ các giải pháp hỗ trợ trực tiếp… để tạo điều kiện tiếp cận chính sách một cách thuận lợi nhất. Lúc đó, mọi thứ mới trở nên rõ ràng và nhanh chóng. Tại Đà Nẵng, có một khu nhà ở xã hội được xây dựng gần với Cầu Rồng, một vị trí vô cùng đắc địa của trung tâm thành phố. Ai cũng ngạc nhiên tại sao như vậy ? Không có gì lạ cả. Mọi thứ trên đời đều có thể. Nếu chính quyền sở tại thực tâm vì cuộc sống của người lao động.