Thứ bảy, 9/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đã có những ‘cơn mưa vàng’ giúp hàng ngàn héc-ta cây trái thoát khô hạn

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Vừa qua, một số địa phương khu vực như thành phố Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Lâm Đồng… đã xuất hiện mưa trái mùa sau nhiều ngày nắng nóng. Điều này góp phần làm dịu không khí và tạo thêm nguồn nước tưới cho hàng ngàn héc-ta cây trái đang có nguy cơ khô héo.

Cần Thơ xuất hiện cơn mưa trái mùa. Ảnh: TTXVN

Chiều hôm qua (ngày 2-4), một số khu vực miền Tây, trong đó có thành phố Cần Thơ đã có đợt mưa trái mùa. Cơn mưa lớn kéo dài hơn một giờ khiến nước tràn lên vỉa hè, mấp mé nhiều nhà dân. Một số tuyến đường như Ngô Quyền, Cách Mạng Tháng Tám và Lý Tự Trọng xảy ra ngập cục bộ, TTXVN thông tin.

Trao đổi với KTSG Online, chị Thiên Ngân ngụ quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, cho biết, trong những ngày qua, thời tiết tại thành phố luôn oi bức và khó chịu khó chịu. Điều này ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, sản xuất thường ngày của người thân địa phương. Cơn mưa vừa qua đã làm không khí dễ chịu hơn.

"Đây cũng là "cơn mưa vàng” sau nhiều ngày mình mong đợi. Hy vọng, thời gian tới, thời tiết cũng sẽ bớt oi bức và có thêm các trận mua để việc sinh hoạt của người dân được thuận lợi hơn”, chị Ngân nói.

Theo TTXVN, Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ dự báo, đợt mưa trái mùa này sẽ còn kéo dài thêm 3 ngày nữa và thường xuất hiện vào buổi chiều.

Cùng thời điểm này, nhiều nơi khác cũng có mưa trái mùa. Chẳng hạn, huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy (Tiền Giang)có mưa trên diện rộng. Cơn mưa giúp địa phương có thêm nguồn nước cho hàng chục ngàn héc-ta sầu riêng chuyên canh trong mùa khô 2023 này.

Huyện Cai Lậy đang có hơn 9.000 héc-ta diện tích trồng cây sầu riêng còn thị xã Cai Lậy có trên 2.300 héc-ta. Hiện nay, các hộ nông dân đang chăm sóc vụ sầu riêng mới, dự kiến sẽ thu hoạch trong vài tháng tới.

Trước đó, hôm 30-3, hầu hết các huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng cũng xuất hiện mưa đầu mùa khá lớn. Cơn mua này đã góp phần làm giảm tình trạng khô hạn đang diễn ra trên địa bàn. Mưa đầu mùa đã giúp nhiều chủ vườn trồng cây sầu riêng tiết kiệm một phần chi phí và công sức để cứu hạn cho nhiều diện tích sầu riêng đang dần khô úa.

Bản tin TTXVN cho biết thêm, theo ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, trong quí đầu năm, địa bàn tỉnh có lượng mưa rất thấp, chỉ đạt 50% so với cùng kỳ năm trước; dung tích trữ trong hồ chứa thủy lợi còn khoảng 75% dung tích thiết kế. Ngành đã đề ra nhiều giải pháp chống hạn hán cho cây trồng. Tổng kinh phí dự kiến là hơn 172 tỉ đồng để thực hiện việc nạo vét, khơi thông cửa cống, dòng chảy công trình thủy lợi; khắc phục hậu quả của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới