(KTSG Online) – Sự ra đời của Nghị quyết 68, với định hướng giảm phiền hà, tăng bảo vệ, khơi thông nguồn lực, được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp tư nhân tự tin “vươn mình” lớn mạnh, đủ sức ứng phó với rủi ro từ căng thẳng thương mại và địa – chính trị quốc tế.
- Cấp tốc cụ thể hóa chính sách cho kinh tế tư nhân
- Trình Quốc hội cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án trọng điểm quốc gia
Doanh nghiệp tư nhân phải chủ động tiến bước
Cách thuế đối ứng được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố đầu tháng 4-2025 không chỉ gây khó cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, mà còn tạo rủi ro chuyển hướng thương mại, tức hàng hóa từ Trung Quốc, Thái Lan… không nhập khẩu được vào Mỹ, sẽ tìm cách gia nhập thị trường Việt Nam. Tất cả đặt cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân vào tình huống khó khăn.
“Họ đối mặt với nhiều thách thức, từ vấn đề cạnh tranh, thị trường, tới thuế quan… Trách nhiệm của họ là phải giữ được doanh nghiệp của mình và tìm lời giải cho hai vấn đề: làm sao để cạnh tranh tốt hơn và làm sao để đổi mới sáng tạo”, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB nói.

Trong bối cảnh trên, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, cùng thông điệp “xây dựng đội ngũ doanh nhân thật sự trở thành chiến sĩ trên mặt trận kinh tế” của Tổng bí thư Tô Lâm, được đại diện doanh nghiệp và giới chuyên gia đánh giá là rất đúng đắn.
Luật sư Bùi Văn Thành Nghị cho rằng, đây là lần đầu tiên, thể chế đặt trọng tâm vào việc nhìn nhận, trao quyền và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân như một động lực phát triển quan trọng nhất. Điều này giúp đội ngũ doanh nhân dám bỏ tiền, công sức và trí tuệ để theo đuổi mục tiêu kinh doanh bền vững, nhờ được trao quyền tự do kinh doanh, sáng tạo và huy động vốn trong khuôn khổ pháp luật rõ ràng và ổn định.
Đáng lưu ý, định hướng chính sách được Bộ Chính trị đưa ra là phù hợp với những đòi hỏi phát sinh từ thực tiễn thời gian qua. Cụ thể, một trong những yêu cầu của Mỹ với Việt Nam trong quá trình đàm phán thương mại là “xóa bỏ các hình thức trợ cấp không phù hợp” - tức Việt Nam phải xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng tạo dựng môi trường để họ tự đứng vững, vươn lên.
Như vậy, với sự ra đời của Nghị quyết 68, các doanh nghiệp và hiệp hội sẽ được chủ động đề xuất chính sách phù hợp, thay vì chờ Nhà nước “ứng phó giúp” với rào cản thuế quan, kiểm soát phi thuế, minh bạch xuất sứ.
“Câu chuyện thời gian qua vừa là cảnh báo, đồng thời là kỳ vọng kinh tế tư nhân không chỉ là chủ thể cần được hỗ trợ, mà là chủ thể đồng hành cùng Nhà nước trong việc xây dựng nền kinh tế minh bạch, hiện đại và hội nhập. Đừng chờ thể chế hoàn hảo từ trên xuống, vì xây dựng môi trường kinh doanh là công việc hai chiều", ông Thành nói tại một tọa đàm về kinh tế tư nhân diễn ra tuần qua.
Bổ sung ông Michael Kokalari, Giám đốc, Phòng phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường của VinaCapital, cho biết Nghị quyết 68 đặt mục tiêu phát triển 20 doanh nghiệp lớn vào năm 2030 và đưa ra ba giải pháp cốt lõi để thực hiện, gồm: cơ chế ưu đãi cho khu vực tư nhân, đặc biệt là chiến lược phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô lớn theo mô hình chaebol Hàn Quốc; thiết lập sân chơi bình đẳng thực sự giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước; lộ trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của kinh tế tư nhân.
“Mô hình này lấy cảm hứng từ Hàn Quốc, nơi các chaebol như Samsung hay Hyundai đã trở thành trụ cột phát triển quốc gia. Việt Nam kỳ vọng rằng, việc hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn hoạt động hiệu quả sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra việc làm chất lượng cao và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trước các biến động”, ông Michael Kokalari nói.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Từ Tiến Phát cho biết Nghị quyết 68, với những giải pháp giải quyết bốn vấn đề, gồm: chi phí, thủ tục, thị trường, chuyển đổi xanh theo định hướng, và quyết tâm loại bỏ cơ chế "xin – cho", không chỉ tạo đột phá cho khu vực tư nhân, mà còn là cơ hội để ngân hàng tái định vị vai trò của mình. Ngân hàng từ hậu phương tài chính thành chủ thể được chủ động tham gia vào quá trình kiến tạo thể chế và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Những việc cần làm ngay
Nghị quyết 68 đã được ban hành, nhưng để doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thực sự vươn mình lớn mạnh, ông Trần Văn Lê, Chủ tịch Tập đoàn Phương Linh, cho rằng điều cốt lõi là phải giải quyết tình trạng môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh, khiến giá trị gia tăng bị bào mòn, chi phí đội lên và lợi nhuận của doanh nghiệp bị triệt tiêu.
Hơn nữa, việc không có luật chống bán phá giá cũng khiến giá trị của lao động, nguyên liệu và năng lực quản trị tại Việt Nam không được bảo vệ. Trong khi đó, tại Nhật Bản, các quy định pháp luật được thiết kế chặt chẽ, theo hướng bảo đảm tỷ suất lợi nhuận tối thiểu để doanh nghiệp có thể tồn tại.
Với Tập đoàn Phương Linh, dù tự hào chưa từng nợ lương lao động suốt 25 năm, song ông Lê cũng thừa nhận doanh nghiệp chưa thể giàu. “Lợi nhuận ở đâu nếu không có một cơ chế hỗ trợ giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nội?”, ông Lê trăn trở.

Tương tự, ông Từ Tiến Phát mong mỏi việc số hóa, tự động hóa triệt để quy trình thực hiện thủ tục hành chính. Bởi khi cơ chế "xin – cho" dần được loại bỏ, nhưng yếu tố con người vẫn tồn tại thì, doanh nghiệp vẫn e ngại rủi ro.
Bên cạnh đó, là đòi hỏi về tính nhất quán trong thực thi chính sách giữa các địa phương. “Doanh nghiệp không chỉ hoạt động ở một tỉnh mà ở nhiều nơi, nếu mỗi nơi hiểu và thực hiện luật khác nhau thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi mong có sự thống nhất toàn quốc trong thực thi quy định để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Phát nhấn mạnh.
Nói về định hướng xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh căng thẳng thương mại, PGS. Phan Hữu Nghị, Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết hiện Bộ Tài chính đã có chính sách hỗ trợ về thuế tại các Nghị định 73/2025; 81/2025; 82/2025...
Các giải pháp kế tiếp đang được đề xuất, gồm giảm 30% thuế TNDN với doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỉ đồng/năm, giảm 30% tiền thuê đất, giảm lệ phí, xem xét lại chính sách xuất khẩu tại chỗ, ưu đãi tín dụng trung hạn.
“Cần chú ý đến cách triển khai sao cho phù hợp bởi yêu cầu trong đàm pháp là minh bạch chính sách trợ cấp công nghiệp, chống trợ cấp, đặc biệt trong các ngành chiến lược”, ông Nghị nói tại một toạ đàm về chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ.
Về phía doanh nghiệp, chuyên gia này khuyến nghị phải chủ động chứng minh xuất xứ hàng hóa (CO, truy xuất chuỗi cung ứng) vì đây là vấn đề được Mỹ đề cao khi so sánh với Hàn Quốc và Nhật Bản trong quá trình đàm phán. Hơn nữa, cần đầu tư công nghệ và tuân thủ cao hơn các tiêu chuẩn lao động, môi trường, minh bạch tài chính, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Mỹ và EU.