(KTSG) - Không hẹn mà nên, thời gian qua nhiều nước bắt đầu nhìn lại cách nước họ ứng phó với đại dịch Covid-19 để rút ra các bài học kinh nghiệm, rất cần thiết cho các đợt dịch khác trong tương lai. Quốc hội các nước có thể thành lập các ủy ban giám sát, tổ chức các buổi điều trần, nghiên cứu mức độ hiệu quả của các chính sách, trao đổi kinh nghiệm với nước khác.
- Du lịch quốc tế phục hồi gần hoàn toàn so với trước đại dịch Covid-19
- Nhiều cổ phiếu ‘ngôi sao’ thời Covid-19 đang ‘rơi mạnh’ hậu đại dịch
Chẳng hạn ở Mỹ người ta tổ chức điều trần để trả lời các câu hỏi như nguồn gốc của virus từ đâu ra, liệu các biện pháp giãn cách có mang tính khoa học không, vì sao giai đoạn đầu các cơ quan y tế cứ khăng khăng nói virus chỉ lây lan qua giọt bắn, chính sách đóng cửa nhà trường có thật sự ngăn chặn dịch bệnh lây lan hay có hại cho trẻ không được đến trường…
Quốc hội Anh cũng có các buổi điều trần nhằm tìm hiểu hiệu quả của các biện pháp giãn cách, sự sẵn sàng của các cơ quan y tế Anh trong ứng phó với đại dịch, vì sao một tỷ lệ người dân không hưởng ứng các chiến dịch tiêm chủng vaccine…
Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cũng cần nhìn lại các biện pháp đưa ra trong giai đoạn ứng phó với dịch bệnh để đánh giá biện pháp nào là hoàn toàn cần thiết, đã phát huy tác dụng trong thực tế; biện pháp nào là chưa phù hợp, cần rút kinh nghiệm để tránh lặp lại sau này. Nay nhìn lại, có thể nói việc cách ly tập trung những người từng tiếp xúc với người bị lây nhiễm Covid-19 là không cần thiết, có thể gây lây nhiễm chéo, nhất là lúc đó chưa có vaccine, chúng ta cũng không biết làm gì với các trường hợp cách ly như thế.
Ở nước ta hai vụ án liên quan đến bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á và các chuyến bay giải cứu đã che lấp các vấn đề khác, phần nào cũng là lý do chúng ta chậm trễ trong việc nhìn lại các chính sách thời đại dịch. Thật ra các câu hỏi mang tính khoa học vẫn còn đó, chưa có câu trả lời sau cùng như liệu việc ngoáy mũi để xét nghiệm đại trà có nên không; tổ chức học trực tuyến như thế nào khi điều kiện tài chính của học sinh là rất khác nhau; có nên tổ chức cho công chức, viên chức nhà nước làm việc từ xa khi cần thiết; các quy trình cần tuân thủ khi làm việc từ xa.
Quá trình rút kinh nghiệm ứng phó với Covid-19 bắt đầu từ lắng nghe trải nghiệm của nhiều người nhiều giới. Ký ức về những ngày đại dịch dù sao vẫn còn mới, để thêm một thời gian, các ký ức này có thể phai nhạt dần. Từ thực tế trải nghiệm của nhiều người trong nhiều cương vị khác nhau, chúng ta mới có thể đúc kết thành các bài học cho mình làm cẩm nang ứng phó nếu giả dụ có xảy ra các đại dịch tương tự trong tương lai.
Không nói đâu xa, nỗ lực vận động các nước để được hỗ trợ các loại vaccine chắc chắn là một điểm sáng trong đại dịch. Nếu chúng ta đã chậm trễ trong các chiến dịch tiêm vaccine cho người dân, có thể đại dịch đã kéo dài hơn, khốc liệt hơn. Rất cần tổng kết kinh nghiệm vận động như thế, đi kèm là các bài học về bảo quản, triển khai tiêm chủng vaccine, kể cả những chi tiết nhỏ như bỏ yêu cầu đo huyết áp người được chích để tăng nhanh độ phủ vaccine.
Tháng 10-2023, chúng ta đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch Covid-19 như một bước đầu trong việc nhìn lại quá trình ứng phó với đại dịch ở nước ta. Rất cần thêm những hoạt động tổng kết như thế, với phạm vi rộng hơn, chi tiết hơn, phân tích sâu hơn vì chỉ từ tổng kết kinh nghiệm mới có thể xây dựng kế hoạch hành động sẵn sàng ứng phó trong tương lai.
Covid là lời cảnh báo, cảnh tỉnh sâu sắc nhất của tự nhiên dành cho toàn thể nhân loại. Phải ứng xử sao cho đúng mực, đúng quy luật, để nhân – quả luôn là điềm lành.