Thứ Bảy, 20/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đã đến lúc trả lại “cần câu” cho người nghèo

Đức Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) Khi TPHCM và các tỉnh lân cận bắt đầu mở lại các hoạt động kinh tế, sau hơn ba tháng phong tỏa và giãn cách để phòng chống dịch từ ngày 1-10, thì cũng là lúc hàng trăm ngàn người dắt díu nhau rời bỏ mảnh đất mà họ đã gắn bó mưu sinh để lên đường trở về quê. Chính quyền đã cố gắng thuyết phục họ, rằng các doanh nghiệp đã quay lại hoạt động và hãy ở lại để làm việc; về quê thì sẽ sống bằng gì… nhưng vô ích.

“Về quê thì sống bằng gì” – một câu hỏi rất thực tế mà những người rời đi sẽ phải đối diện, vì đó cũng chính là lý do mà trước đây khiến họ phải để cha mẹ, vợ con lại tìm đường lên thành phố. Nhưng, bám trụ lại thành phố, vào lúc này, thì lấy gì để sống cũng là câu hỏi rất thực tế khi không phải ai cũng có thể quay lại với công việc kể từ ngày 1-10.

Cứ nhìn vào cảnh đường phố vẫn còn đang “sạch bóng” người bán vé số, người đánh giày; quán bar, karaoke thì vẫn đóng cửa im ỉm; những quán ăn, quán cà phê, nhà hàng… cũng mới được mở cửa để bán mang về. Hàng trăm ngàn người, gồm những người bán vé số, đánh giày, người phục vụ hoặc rửa ly chén trong các quán ăn, tiệm cà phê, quán karaoke… nếu nghe lời động viên để tiếp tục bám trụ lại thì liệu họ có tìm được một chỗ làm mới trong các công ty, xưởng sản xuất hay không? Câu trả lời gần như là không.

Cho đến nay, vẫn chưa có số liệu thống kê chung về nghề nghiệp của những người về từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Riêng tỉnh Đồng Tháp có đưa ra được con số, đó là 65% trong số 22.000 người trở về là công nhân và có độ tuổi 18-40, 26% là lao động tự do. 26% lao động tự do thì đã rõ, họ nếu không phải người bán vé số, đánh giày thì chắc hẳn cũng là buôn bán hàng rong hay làm thuê làm mướn…

Còn với nhóm công nhân, không biết trong mắt những con người thôn quê ấy khái niệm “công nhân” đối với họ là như thế nào? Rất có thể làm việc trong các quán ăn, nhà hàng, quán cà phê hay tiệm karaoke… cũng được họ xem là “công nhân”. Ngay cả khi là công nhân đúng nghĩa thì ở lại chắc gì đã có việc làm khi mà doanh nghiệp nơi họ làm việc đã đóng cửa, phá sản.

TPHCM đã bắt đầu từng bước tái lập các hoạt động kinh tế được ba tuần, xét trên diễn biến dịch bệnh trong ba tuần qua cũng như số lượng người trưởng thành được tiêm vaccine rất cao, gần 100% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một mũi và 72% đã được tiêm hai mũi (tính đến ngày 15-10), đã đến lúc TPHCM và một số tỉnh lân cận tính đến chuyện trả lại “cần câu” cơm cho người nghèo.

Tại Hội thảo về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2022-2025 do Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì vào sáng 16-10, nhiều chuyên gia về y tế và kinh tế đã kiến nghị TPHCM “nên mạnh dạn mở cửa phục hồi kinh tế”. Kiến nghị này dựa trên cơ sở độ phủ vaccine rất cao, cộng với một số lượng lớn F0 đã khỏi bệnh (gần 570.000 người) giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, góp phần giảm số ca mắc mới cũng như số lượng bệnh nhân nặng phải nhập viện.

Trên thực tế, với độ phủ vaccine tương tự hoặc thậm chí là thấp hơn TPHCM hiện nay, nhiều thành phố lớn cũng như nhiều nước trên thế giới đã cho phép các hoạt động kinh tế, lễ hội, trở lại gần như bình thường. Thậm chí, khi nước Anh quyết định mở cửa và sau đó dần bỏ gần hết các hạn chế, độ phủ vaccine của nước này còn thấp hơn TPHCM hiện nay, nhưng nước này đã sống chung với Covid-19 thành công, ít nhất là cho đến thời điểm này.

TPHCM không chỉ là đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam, mà còn là đầu tàu của những chủ trương và chính sách mới mang tính đột phá. Hiện nay, không ít địa phương đang nhìn vào TPHCM để lên kế hoạch khởi động các hoạt động kinh tế ở địa phương, nên thành phố hãy tỏ rõ vai trò đi tiên phong của mình và cũng là cách đáp lại sự ưu ái của Chính phủ cũng như tấm lòng người dân cả nước khi ưu tiên nguồn vaccine hạn chế cho thành phố.

1 BÌNH LUẬN

  1. Dân tình nói chung, lực lượng lao động nói riêng, sau khi tháo chạy về quê thì thời gian đến cũng có hai khả năng. Một là tiếp tục ly hương, quay lại kiếm việc làm sinh sống khi tình hình dịch đã ổn. Hai là chuyển hướng, quyết định không ly hương nữa. Dù muốn hay không, cũng sẽ hình thành một làn sóng chuyển đổi công ăn việc làm trên phương diện toàn bộ nền kinh tế. Đây là thực tế mà mọi địa phương cần cân nhắc. Không chỉ đơn giản trả lại cần câu cho người lao động mà nên làm mới hoặc làm lại cần câu khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới