Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Da giày Việt Nam trước vị thế chủ động trong chuỗi cung ứng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Da giày Việt Nam trước vị thế chủ động trong chuỗi cung ứng

Hùng Lê

(TBKTSG Online) – Cũng như nhiều ngành hàng khác, những tác động từ Covid-19 khiến cho sản xuất da giày rơi vào tình trạng khó khăn, tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020 giảm 11%. Thế nhưng, cũng chính trong giai đoạn đầy thách thức này, nhiều nhà mua hàng quốc tế lại đánh giá cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong hoạt động thiết kế, nghiên cứu và phát triển – vốn là những khâu mang lại giá trị cao cho ngành.

Nhờ vào việc kiểm soát dịch bệnh tốt tại Việt Nam và việc ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngành da giày đang dần khôi phục, có những chuyển biến tích cực.

Đáng chú ý Trung Quốc, nhà cung ứng 50% lượng hàng xuất khẩu về da giày trên thế giới, trong năm qua đã tăng cường việc nhập khẩu nhóm mặt hàng này từ Việt Nam.

Da giày Việt Nam trước vị thế chủ động trong chuỗi cung ứng
Doanh nghiệp ngành da giày trong nước đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Thông tin này do ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), lưu ý tại Hội nghị tổng kết ngành da giày túi xách năm 2020 và xây dựng kế hoạch năm 2021 diễn ra tại TPHCM vào ngày 12-1.

Ngành da giày – túi xách là một trong số các ngành chịu tác động tiêu cực do dịch bệnh Covid-19. Theo ước tính của LEFASO, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày – túi xách năm 2020 đạt khoảng 19,5 tỉ đô la Mỹ, giảm khoảng 11% so với năm 2019, và kim ngạch xuất khẩu trở về mốc của năm 2018.

Dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch nhưng theo ông Thuấn hoạt động sản xuất của ngành vẫn được duy trì và các doanh nghiệp vẫn giữ chân được người lao động.

Đáng chú ý, theo người đứng đầu của Lefaso, doanh nghiệp da giày và túi xách Việt Nam đã chứng minh được năng lực ứng phó tốt với cơn bão Covid-19 càn quét, và đặc biệt các tập đoàn và những nhà mua hàng lớn trên thế giới đã nhìn thấy về khả năng làm nghiên cứu – phát triển (R&D) và thiết kế mẫu của doanh nghiệp da giày Việt Nam vốn lâu nay bị đánh giá thấp. Đây là những khâu làm gia tăng giá trị rất lớn trong sản phẩm thay vì lâu nay doanh nghiệp trong nước chỉ được biết đến làm gia công theo mẫu của các nhà nhập khẩu.

"Trong bối cảnh rối rắm với nhiều khó khăn do dịch bệnh xảy ra, các tập đoàn, nhà mua hàng đã để doanh nghiệp Việt Nam "tự múa" về sản phẩm và cả thiết kế", ông Thuấn chia sẻ và ông cho biết nhà nhập khẩu duyệt mẫu qua Online những mẫu thiết kế này của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Thuấn, đây là bước tiến cực kỳ quan trọng với doanh nghiệp da giày trong nước bởi đa số các tập đoàn phân phối, chuỗi cung ứng thế giới trong thời gian dịch bệnh vừa qua đã tin tưởng vào khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này cho thấy niềm tin của các đối tác quốc tế vào doanh nghiệp Việt Nam đang được duy trì và củng cố.

Một điểm đáng chú ý nữa, dù diễn biến dịch bệnh ở các thị trường nhập khẩu như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn còn phức tạp nhưng các doanh nghiệp trong ngành hiện đã có đơn hàng sản xuất dài hạn trở lại.

Mặt khác, trong năm bị ảnh hưởng dịch Covid vừa qua, dù tổng kim ngạch xuất khẩu ngành bị sụt giảm nhưng xuất khẩu sản phẩm da giày của doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Trung Quốc lại tăng 15% so với năm trước đó.

Đây cũng là lần đầu tiên xuất khẩu sản phẩm của da giày sang thị trường Trung Quốc có mức tăng trưởng cao như trên. Do đó, ông Thuấn khuyến khích doanh nghiệp hội viên Lefaso cần mở rộng và chú ý đến thị trường có dân số gần 1,4 tỉ người này.

Lâu nay sản phẩm của ngành da giày từ Trung Quốc chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu trên thế giới. Cho nên chỉ cần 5% đơn hàng tại Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam thì sẽ là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận, nâng cao năng suất, cải tiến công nghệ, từ đó dần dần tham gia sâu hơn và giữ vai trò chủ động trong chuỗi cung ứng.

"Hiện nay lãi suất vay vốn từ ngân hàng chỉ khoảng 2-3%/năm, là mức rất thấp so với lãi suất cho vay của nhiều năm gần đây và điều này được xem là cơ hội để doanh nghiệp xem xét mở rộng đầu tư, nâng công suất tại thời điểm này", ông Thuấn nhận định, và cho rằng: "Cơ hội chưa bao giờ đến nhanh và nhiều như hiện giờ. Vấn đề còn lại là năng lực tiếp nhận của mỗi doanh nghiệp".

Vấn đề sắp tới đối với doanh nghiệp trong ngành là cần đáp ứng các yêu cầu về sản xuất thân thiện với môi trường, không để xảy ra việc liên quan hay liên đới đến hoạt động gian lận thương mại, người đứng đầu Lefaso lưu ý.

Trong khi đó, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Lefaso, cơ cấu sản xuất giày dép của Việt Nam có đến 95% sản lượng dành để xuất khẩu, trong đó hai thị trường lớn nhất là Mỹ và EU chiếm đến 70% tổng sản lượng xuất khẩu của cả ngành. Do đó, khi dịch bệnh bùng phát, không chỉ nhà mua hàng thay đổi phương thức đặt hàng mà nhà cung cấp cũng phải thay đổi năng lực đáp ứng nhu cầu sản xuất, giao hàng.

"Nhà cung ứng cần đáp ứng tuân thủ tiêu chuẩn môi trường và lao động và phải cấp nhận đơn hàng nhỏ. Còn nhà mua hàng hiện nay đặt yêu cầu rất cao về việc nhà cung ứng phản ứng nhanh trước nhu cầu của thị trường, chú trọng hàng cơ bản, tối giản, chỉ tập trung vào nguyên vật liệu và chất lượng", bà Xuân lưu ý.

Mặt khác theo bà Xuân, nhà cung ứng "phải chấp nhận và đáp ứng điều kiện khắc nghiệt hơn", trong đó thời gian giao hàng rút ngắn 30%, giá FOB giảm, minh bạch chuỗi cung ứng để người mua kiểm soát chuỗi, có khả năng làm nhiều phương thức để đáp ứng các nhãn hàng, mặt hàng khác nhau…dần trở nên phổ biến.

Lefaso cũng cho biết giá trung bình xuất khẩu giày dép của Việt Nam được Hiệp hội Giày dép Thế giới ghi nhận cao gần 1,7 lần so với giá trung bình thế giới (khoảng 16,64 đô la/đôi), trong khi mức cao nhất thuộc về EU là 26,5 đô la/đôi.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, khó khăn hiện nay của ngành là công nghiệp hỗ trợ cho ngành vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Chính vì vậy, Việt Nam cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy xây dựng một số khu – cụm công nghệ sản xuất da giày, nguyên phụ liệu và xử lý môi trường tập trung trên cơ sở lợi thế về hạ tầng và lao động. Thông qua đó, doanh nghiệp trong nước có thể chủ động cung cấp nguyên phụ liệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành.

Ngoài ra, các đơn vị liên quan phải chung tay xây dựng mới và phát triển cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ, trung tâm kiểm định, dịch vụ ngành và trung tâm xúc tiến thương mại, trung tâm thời trang trong nước và nước ngoài.

USAID thúc đẩy cải cách cơ chế để phát triển ngành da giày

Các ý kiến chia sẻ tại hội nghị do Lefaso và USAID tổ chức ngày 12-1. Ảnh: Lê Hoàng

Tại hội nghị "Cải cách cơ chế chính sách và quy định hành chính nhằm phát triển ngành da giày túi xách Việt Nam", do Lefaso và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam tổ chức ngày 12-1, bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID tại Việt Nam nhận định ngành dệt may, da giày là những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 trong thời gian qua. Bà dự báo các doanh nghiệp trong ngành sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức mới trong thời gian sắp đến.

Do đó, dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do USAID tài trợ, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và Lefaso để xây dựng chiến lược phát triển cho ngành dệt may, da giày. Đặc biệt, những cải cách cơ chế, chính sách và quy định hành chính nhằm phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam trong tương lai.

Phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp tại hội thảo là nguồn thông tin hữu ích cho Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Lefaso và các cơ quan liên quan tiếp tục tiến trình cải cách các quy định hành chính nhằm phát triển ngành da giày – túi xách Việt Nam, giúp ngành vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Sự kiện này là một phần trong các hoạt động hợp tác giữa USAID và Chính phủ Việt Nam, thông qua Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, nhằm cắt giảm gánh nặng quy định và thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới