Thứ Năm, 18/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đã hoàn thành 60% khối lượng, BOT Cai Lậy thu phí trở lại từ quí 1-2021

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đã hoàn thành 60% khối lượng, BOT Cai Lậy thu phí trở lại từ quí 1-2021

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Trạm thu phí mới trên tuyến tránh Cai Lậy thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1, đoạn qua thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường, đoạn từ km 1987+560 đến km 2015+ 000 theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao) đã xây dựng đạt 60% khối lượng công việc và dự kiến chính thức thu phí trở lại trong quí 1-2021.

Thêm trạm thu phí mới, quyết toán hoàn vốn ra sao cho BOT Cai Lậy?

Đã hoàn thành 60% khối lượng, BOT Cai Lậy thu phí trở lại từ quí 1-2021
Trạm thu phí mới đang được xây dựng trên tuyến tránh, anh3 chụp ngày 22-1. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin nêu trên được thể hiện trong báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang tại buổi làm việc của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và Bộ Giao thông Vận tải diễn ra ở địa phương này trong hôm nay, 22-1.

Báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, ngày 26-2-2020, Bộ Giao thông Vận tải đã chấp thuận lập thêm 1 trạm thu phí mới trên tuyến tránh Cai Lậy để thu phí hoàn vốn cho dự án nêu trên (thu song song cùng với trạm thu phí hiện hữu trên quốc lộ 1- PV).

Theo đó, việc xây dựng trạm thu phí mới trên tuyến tránh hiện đã đạt 60% khối lượng công việc và dự kiến sẽ hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị, công nghệ và các thủ tục pháp lý liên quan để triển khai thu phí trở lại trong quí 1-2021.

Cụ thể, khối lượng công việc đã thực hiện được, bao gồm hoàn thành thi công rào chắn;  hoàn thành thi công nền phần mở rộng; hoàn thành thi công cấp phối đá dăm loại II và I phần mở rộng; hoàn thành nhập thiết bị thu phí về Việt Nam…

Như đã nêu ở trên, dự án được chia làm hai hợp phần chính, gồm hợp phần đầu tư xây dựng tuyến tránh Cai Lậy và hợp phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải về chi phí đầu tư của dự án cho biết, tính toán lại toàn bộ chi phí đầu tư (có cập nhật của thanh tra, kiểm toán), thì tổng chi phí đầu tư là trên 1.380 tỉ đồng, trong đó, phần tuyến tránh là 680,77 tỉ đồng; phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1 là hơn 379 tỉ đồng; xây trạm thu phí (trạm trên quốc lộ 1- PV) là trên 100 tỉ đồng và giải phóng mặt bằng là 219 tỉ đồng.

Trạm thu phí hiện hữu trên quốc lộ 1. Ảnh: Trung Chánh

Trao đổi với TBKTSG Online hồi tháng 11-2020, ông Lê Trung Duy, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang doanh nghiệp dự án cho biết, sau khi xây dựng trạm thu phí mới trên tuyến tránh, sẽ thực hiện thu liên trạm và xe đi qua hai trạm chỉ trả tiền vé cho 1 trạm. Trạm nào hoàn vốn xong sẽ dỡ bỏ trạm đó, tức trạm trên tuyến tránh sau khi hoàn vốn cho hợp phần tuyến tránh sẽ dỡ bỏ và trạm trên quốc lộ 1 hiện hữu sau khi hoàn vốn cho phần tăng cường mặt đường sẽ dỡ bỏ.

Song song với cách thu phí hoàn vốn nêu trên, theo ông Duy, sẽ tiếp tục thực hiện phân luồng xe như quyết định trước đó của Tổng cục đường bộ Việt Nam, tức xe từ 29 ghế ngồi và xe từ 3 trục trở lên phải đi vào tuyến tránh.

“Việc phân luồng thì vẫn phải thực hiện nhằm mục đích: thứ nhất, để chia sẻ lưu lượng; thứ hai, để tránh gây ùn tắc và việc ô nhiễm môi trường trong nội đô (trung tâm thị xã Cai Lậy – PV) khi tập trung phương tiện đi vào”, ông Duy cho biết và thông tin, việc này đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện nên khi thu phí trở lại vẫn tiếp tục áp dụng.

Tuy nhiên, có một vấn đề cần phải làm rõ, đó là việc ghi nhận doanh thu và quyết toán để hoàn vốn cho từng trạm hay nói cách khác cho từng hợp phần đã đầu tư để thực hiện dỡ trạm sẽ thực hiện ra sao?

Ông Duy cho biết, hệ thống được tích hợp phần mềm để ghi nhận doanh cho thu từng trạm. “Anh mua vé trả tiền ở trạm nào, thì dĩ nhiên doanh thu đó nó sẽ được ghi nhận vào trạm đó”, ông giải thích.

Như đã nêu ở trên, nguồn thu từ phương tiện qua trạm thu phí quốc lộ 1 sẽ dùng để hoàn vốn cho hợp phần tăng cường mặt đường; nguồn thu từ phương tiện qua trạm thu phí tuyến tránh sẽ dùng để hoàn vốn cho tuyến tránh. Như vậy, về lý thuyết, doanh thu ghi nhận ở trạm nào, thì phải được sử dụng để quyết toán hoàn vốn cho hợp phần đầu tư ở trạm đó.

Nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện này cần phải được công khai, minh bạch để cho người dân được biết và đồng tình ủng hộ, chứ nếu không rất có thể xảy ra sự phản ứng như đã từng diễn ra.

Dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1, đoạn qua thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường từ đoạn km 1987+560 đến km 2015+ 000 theo hình thức hợp đồng BOT được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt ngày 19-12-2013 và được khởi công vào tháng 2-2015.

Sau hơn 2 năm thực hiện, dự án được nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ ngày 10-6-2017 và được phép thu phí hoàn vốn từ 0 giờ ngày 1-8-2017, tuy nhiên, do bị phản đối nên dự án tạm dừng thu phí từ ngày 14-8-2017.

Ngay sau khi tạm dừng, Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và thống nhất phương án miễn, giảm phí cho các phương tiện (tuỳ loại phương tiện và trường hợp).

Ngày 30-11-2017, dự án hoạt động trở lại, tuy nhiên, tiếp tục gặp phản đối của các phương tiện tham gia giao thông và Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 4-12-2017 đã chỉ đạo tạm dừng để nghiên cứu phương án xử lý.

Sau đó, phương án được chọn là đầu tư thêm trạm thu phí mới trên tuyến tránh Cai Lậy và thực hiện thu phí song song hai trạm để hoàn vốn cho dự án như nêu trên.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới