Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đã khốn vì dịch còn khổ vì giấy phép con

Tấn Đức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng ra các tỉnh, thành ở khu vực phía Nam thì cũng là lúc bùng phát các điều kiện kinh doanh, hay còn gọi là giấy phép con, do các địa phương ban hành khiến cho chuỗi cung ứng hàng hóa gần như vỡ vụn và tạo ra vô vàn khốn khó chồng chất cho doanh nghiệp.

Điều đáng nói là không ít điều kiện về lưu thông hàng hóa được ban hành một cách duy ý chí, rồi cách hiểu và áp dụng của những người thừa hành thì máy móc, đến nỗi nhiều lần Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phải lên tiếng yêu cầu bãi bỏ các văn bản của các địa phương trái với quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về lưu thông hàng hóa.

Về phía doanh nghiệp, họ chỉ còn biết cắn răng chịu đựng, hy sinh cho mục tiêu phòng chống dịch. Nhưng khi cả nước đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn sống chung với dịch và phục hồi kinh tế, đã đến lúc Chính phủ cần siết lại việc các địa phương lấy danh nghĩa phòng chống dịch để đưa ra các điều kiện kinh doanh một cách vô cảm và vô tội vạ.

Trong Chỉ thị 26, ban hành ngày 21-9-2021, về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu “các địa phương không được ban hành các giấy phép con”. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cho chính quyền các cấp trên địa bàn “không ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện trái với quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các bộ ngành về lưu thông hàng hóa”. Và cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu phải “thực hiện nghiêm chỉ thị này”.

Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng nêu ra vấn đề giấy phép con trong Chỉ thị 26.

Cũng trong ngày 21-9, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã công bố công văn hướng dẫn việc ra vào thành phố, trong đó quy định người đến từ khu vực có dịch muốn vào Đà Nẵng, dù có chứng nhận tiêm đủ hai liều vaccine sau ít nhất 14 ngày, hoặc bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh, vẫn phải cách ly tại nhà 14 ngày và xét nghiệm bằng phương pháp PCR bốn lần kể từ lúc rời khỏi địa phương.

Trong khi đó, người nhập cảnh vào Việt Nam đã tiêm đủ hai liều vaccine hiện nay chỉ phải cách ly bảy ngày.

Hay như quy định người vào Đà Nẵng làm việc phải chứng minh vào làm việc ở các cơ sở sản xuất kinh doanh được phép hoạt động theo quy định của UBND thành phố hoặc có công văn đồng ý cho phép vào thành phố của UBND thành phố Đà Nẵng; hoặc nếu đến từ địa phương không có dịch thì phải cung cấp giấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi đi…

Trong khi đó, trong một bản dự thảo đang được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra để lấy ý kiến đóng góp thì người tiêm đủ hai liều vaccine sau ít nhất 14 ngày, bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh, được đi lại trên tất cả các loại hình vận tải đến các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 19, tất nhiên là phải thực hiện 5K.

Có thể nói, khi cả nước bước vào giai đoạn sống chung với dịch, việc mỗi địa phương tự đưa ra những điều kiện riêng với doanh nghiệp, với người lao động như những gì đang diễn ra ở Đà Nẵng cũng như một số địa phương khác là điều khó tránh khỏi. Điều này, nếu xảy ra, sẽ là một thách thức vô cùng lớn đối với doanh nghiệp khi cùng lúc phải đáp ứng nhiều loại điều kiện, hay nói trắng ra là giấy phép con, của nhiều địa phương khác nhau.

Để tránh cho doanh nghiệp phải cõng thêm những gánh nặng thủ tục hành chính và đi kèm với nó là một “núi” chi phí khi mà họ giờ đây đã như con bệnh nặng đang hấp hối, Chính phủ cần đưa ra bộ quy tắc phòng chống dịch chung và áp dụng thống nhất cho cả nước. Bộ quy tắc này cần được thiết kế theo hướng đưa ra các tiêu chí hướng dẫn cụ thể và áp dụng theo nguyên tắc hậu kiểm, để doanh nghiệp không phải “chứng minh”, không phải “được cấp có thẩm quyền chấp thuận” thì mới “được qua chốt”, mới “được phép hoạt động”.

Và sau cùng, nếu địa phương nào “ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện trái với quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các bộ ngành…” thì Chính phủ hãy nghiêm khắc xử lý người đứng đầu để giữ kỷ cương, phép nước.

1 BÌNH LUẬN

  1. Vì lý do phòng chống đại dịch, các cấp chính quyền cơ sở thường ban hành những quy định theo ý chí chủ quan, bất chấp quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến ách tắc nghiêm trọng việc đi lại, công ăn việc làm, sinh hoạt… của người dân. Cần lưu ý rằng tự do đi lại trước hết là quyền công dân theo hiến định, nếu có hạn chế thì cũng phải tuân theo quy định pháp luật hướng dẫn từ cấp trung ương. Không thể để mãi tình trạng tự tung tự tác như thế này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới